THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:23

Triển lãm ảnh trực tuyến “Vì hạnh phúc của mỗi người”

Thông qua công tác sưu tầm, chú thích và chuyển ngữ một cách có hệ thống các tư liệu, hình ảnh, Triển lãm giới thiệu tới khách tham quan các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong công tác bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, góp phần nâng cao nhận thức về quyền con người trong nhân dân, các cấp quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp và đặc biệt là đội ngũ thực thi pháp luật. 

Từ nguồn dữ liệu, ảnh của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Văn phòng Thường trực về Nhân quyền và từ các nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên và không chuyên toàn quốc, Ban Tổ chức đã lấy ý kiến của Hội đồng thẩm định, Ban Chỉ đạo lựa chọn ra 200 ảnh, tài liệu đáp ứng tương đối cả 3 yếu tố: Tính khoa học, đại diện cho các quyền; Tính nghệ thuật thể hiện cảm xúc hạnh phúc của mỗi người và yếu tố kỹ thuật để đảm bảo độ phân giải, hiệu ứng.

Triển lãm ảnh trực tuyến “Vì hạnh phúc của mỗi người” - Ảnh 1.

Các đại biểu ấn nút khai trương triển lãm.

Các bức ảnh và tài liệu được chú thích song ngữ Việt - Anh theo bố cục gồm 4 chủ đề. Chủ đề 1: Nhóm tài liệu cổ phản ánh tư tưởng quyền con người ở các triều đại phong kiến Việt Nam cho thấy, Việt Nam tuy không phải là nơi sản sinh ra thuật ngữ quyền con người nhưng giàu truyền thống nhân văn và khái niệm nhân quyền đi liền với yêu thương con người, khoan dung, hòa ái. Nhóm này gồm 94 hình ảnh của 30 tài liệu, mặt khắc cổ được chọn từ hai nguồn. Mộc bản Triều Nguyễn là Di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận ngày 31/7/2009, hiện được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia IV, Đà Lạt. Châu bản Triều Nguyễn là Di sản Tư liệu Thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận ngày 30/10/2017, đang được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia I, Hà Nội.

Chủ đề 2 là tài liệu về thành tựu bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam từ 1945 đến nay, được chia làm hai giai đoạn. Đó là nhóm ảnh tài liệu giai đoạn Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trước Đổi mới (1945-1986): Thể hiện quyền dân tộc tự quyết, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; quan điểm về quyền con người của Nhà nước Việt Nam thông qua các bản Hiến pháp và một số sắc lệnh tiêu biểu bảo đảm quyền con người theo các lĩnh vực (như quyền tự do tôn giáo, quyền tự do báo chí, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, thư tín…). Nhóm ảnh tài liệu sau Đổi mới đến nay chia theo các nhóm quyền cơ bản: Các quyền dân sự và chính trị (tự do bầu cử, tín ngưỡng, ngôn luận, quyền được đối xử nhân đạo, có gắn tuyên truyền về quyền được sống hòa bình và quyền chủ quyền, độc lập qua hình ảnh Trường Sa, Lý Sơn với Hoàng Sa...); các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; quyền của các nhóm dễ bị tổn thương; nỗ lực và kết quả hợp tác quốc tế về quyền con người.

Triển lãm ảnh trực tuyến “Vì hạnh phúc của mỗi người” - Ảnh 2.

Không gian triển lãm ảnh trực tuyến.

Chủ đề 3 là Việt Nam bảo đảm các quyền con người trong đại dịch COVID-19. Các tác phẩm tập trung thể hiện Việt Nam vững vàng và ứng phó thành công trước đại dịch toàn cầu; quyền con người đối với sức khỏe, tính mạng, quyền tiếp cận y tế, giáo dục và thông tin được bảo đảm trong trạng thái "bình thường mới" được cộng đồng quốc tế ca ngợi và đánh giá cao.

Chủ đề 4 của triển lãm là Quảng Nam - Đổi mới và phát triển giới thiệu về các thành tựu kinh tế, xã hội của tỉnh Quảng Nam trong phát triển bền vững với nhiều giá trị văn hóa, tinh thần có giá trị cao, được thế giới công nhận.

Phát biểu tại lễ khai trương, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh, quyền con người là các quyền tự nhiên được tạo hóa ban cho và cũng là thành quả đấu tranh, phát triển lâu dài của các dân tộc. Nhà nước Việt Nam không chỉ tôn trọng và bảo đảm quyền con người mà còn làm hết sức để thực hiện quyền con người. Việc này được thực hiện thông qua việc xây dựng và không ngừng hoàn thiện pháp luật, thực thi các biện pháp cụ thể nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội để mọi người dân có cuộc sống ngày càng đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần.

Những năm qua, Việt Nam chứng kiến những thành tựu hết sức quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Hiến pháp 2013 chứa đựng những nội dung mới về quyền con người và quyền công dân, thể hiện bước tiến lớn về tư duy nhà nước pháp quyền và thể chế hóa quyền con người ở Việt Nam, phù hợp với các chuẩn mực được nêu trong các Công ước quốc tế về quyền con người. Nhà nước Việt Nam đã và đang từng bước thực thi tổng thể những biện pháp về cải cách và hoàn thiện hệ thống pháp luật và tư pháp về quyền con người. Nhờ tăng trưởng kinh tế ở tỷ lệ cao và bền vững, mức sống của người dân ngày càng tăng nhanh, tỷ lệ nghèo giảm mạnh đã góp phần bảo đảm việc thụ hưởng ngày càng tốt hơn các quyền kinh tế, xã hội, đồng thời tạo điều kiện cho việc thực hiện quyền con người trong nhiều lĩnh vực khác...

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh