Gấp rút triển khai phương án ứng phó với bão số 9 tại nam miền Trung
- Tây Y
- 03:06 - 24/11/2018
- Đông Nam bộ chuẩn bị ứng phó bão số 9
- Bão số 9 có thể đi qua TPHCM
- Khánh Hòa: Học sinh các cấp nghỉ học 3 ngày do ảnh hưởng bão số 9
- Công điện của Thủ tướng: Tập trung ứng phó với bão số 9 và mưa lũ
- Khánh Hoà: Phòng ngừa bão số 9
- Cảnh báo mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 9
- Phú Yên kêu gọi người nuôi cá lồng bè lên bờ để 'chạy' bão số 9
Đường đi của bão số 9
Sau cuộc kiểm tra thực tế tại những nơi xung yếu, UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo Bộ đội biên phòng, cùng chính quyền các địa phương thường xuyên cảnh báo cho người dân biết những diễn biến mưa bão, hướng dẫn và hỗ trợ ngư dân giằng chống nhà cửa, sơ tán hàng trăm người dân ra khỏi nơi có nguy cơ triều cường ven biển, sạt lở ven sông, kiên quyết không để ngư dân ra biển đánh bắt hải sản, hướng dẫn ngư dân nuôi tôm cá chủ động neo giằng, hạ thấp lồng bè, đồng thời buộc người dân rời khỏi lồng bè trên biển để vào bờ trước khi bão đến.
Ông Lương Công Tuấn Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu cho biết, vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông là hai nơi tập trung nghề nuôi tôm cá trong lồng bè, đến thời điểm này có 3.794 hộ gia đình thả nuôi 55.315 lồng tôm hùm thương phẩm và 25.749 lồng nuôi ươm giống tôm hùm đã được chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức trách kiểm tra, hướng dẫn giằng neo
Ông Phan Xuân Hải -Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho hay, 175 tàu cá với 1.244 ngư dân ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và 1.544 tàu cá với 12.679 ngư dân hành nghề ngoài khơi ở nhiều vùng biển cũng đã được hướng dẫn vào nơi tránh, trú bão.
Tại Khánh Hòa, hàng trăm người dân ở nơi nuôi tôm hùm bên làng biển Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh không thể nào quên hiểm họa từ cơn bão Damrey cuối năm ngoái đã “cuốn” mất hàng trăm tỷ đồng, nên trước thông tin về cơn bão số 9, nên gần 5.000 lồng bè thả nuôi tôm, cá của 442 người dân đã được giằng neo.
Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh ông Lê Hoàng Vương khẳng định: ”Bài học đắt giá từ cơn bão Damrey đã cảnh báo cho chính quyền địa phương phải kiên quyết cưỡng chế, buộc người dân phải rời khỏi lồng bè thả nuôi tôm cá, khẩn trương vào bờ trước khi bão ập đến để tránh hậu quả thiệt hại về người”.
Trên địa bàn thành phố Nha Trang nơi vừa bị mưa lũ gây sát lở đất đá trên triển núi ở xã Phước Đồng, phường Vĩnh Thọ, Vĩnh Hòa, Vĩnh Trường khiến cho 20 người tử nạn, 29 người bị thương, 124 căn nhà sập đổ; giờ đây hàng trăm người dân ở đó hối hả “chạy bão” đến nhà người thân, nhà văn hóa, hội trường và các công sở để chủ động lánh nạn. Nhiều người dân cùng dân phòng ra bãi biển Nha Trang lấy cát đưa lên xe ô tô, xe máy vận chuyển về khu dân cư để giằng giữ mái nhà.
Thuyền vào neo đậu an toàn tránh bão
Thông tin từ Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, đến trưa 23/11/2018 đã có 67 tàu cá của ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa neo đậu tại âu tàu ở các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Tốc Tan, Đá Tây, Trường Sa và đã được bộ đội trên các đảo cung cấp nước ngọt, bố trí nơi tạm trú trong thời gian tránh bão. Bộ đội biên phòng Ninh Thuận đã liên lạc hướng dẫn cho 451 tàu cá với 3.902 ngư dân đang vận hành trên biển đến nơi tránh bão, đồng thời phối hợp chính quyền và ngư dân địa phương hỗ trợ ngư dân neo đậu 2.333 tàu cá trong và ngoài tỉnh tại các cảng cá, bến bã.
Trung tá Bùi Minh Hải-Phó tham mưu trưởng Bộ đội biên phòng Phú Yên cho biết, đến sáng ngày 23/11/2018 có 115 tàu cá với 837 ngư dân ở địa phương này đang vận hành trên biển; trong số đó có 80 tàu cá công suất lớn với 615 ngư dân trên vùng biển Trường Sa và 35 tàu cá với 222 ngư dân hành nghề gần bờ biển các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kiên Giang. Bộ đội biên phòng Phú Yên đã kết nối liên lạc qua hệ thống thông tin Incom để hướng dẫn các thuyền trưởng hưởng mũi lái tàu cá khẩn trương rời khỏi tầm nguy hiểm của bão, vào các đảo và bến bãi neo đậu an toàn. Cán bộ chiến sĩ các Đồn biên phòng trên tuyến phối hợp chính quyền các địa phương kiểm tra, hướng dẫn và hỗ trợ ngư dân neo đậu tàu thuyền tại các cảng cá tránh va đập khi có bão đến.
Lực lượng công an, không riêng Trung đoàn cảnh sát cơ động Nam Trung bộ tại thành phố Quy Nhơn mà từ chiều 22/11, Công an các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên đã khẩn trương triển khai thực hiện công điện của Bộ Công an theo phương châm "4 tại chỗ", khẩn trương rà soát, tu sửa, giằng chống công sở, doanh trại, trại tạm giam, nhà tạm giữ; mỗi nơi chuẩn bị hàng chục ô tô, ca nô cùng hàng trăm áo phao, phao cứu sinh, vật tư xăng dầu, thực phẩm khô. Trước khi bão ập đến Cán bộ chiến sĩ công an các đơn vị, địa phương thường trực xuyên suốt ngày đêm, sẵn sàng xung trận cứu nạn cứu hộ khi có tình huống xảy ra, cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra trên các huyết mạch giao thông quốc lộ để kịp thời ngăn chặn, hướng dẫn ô tô, xe máy trên những cung đoạn có nước lũ tràn qua, các Phòng cảnh sát cơ động, phòng cháy chữa cháy cứu nạn cứu hộ bảo đảm quân số 100%, kịp thời ứng phó khi bão vào đất liền.