THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 09:03

Triển khai NQ 68 tại Thanh Hóa: Nhanh chóng hỗ trợ kịp thời đúng đối tượng

Ngày 19/7, Ban chỉ đạo thực hiện NQ 68 tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ thực hiện NQ 68 tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn chủ trì hội nghị.

Triển khai NQ 68 tại Thanh Hóa:  
Nhanh chóng hỗ trợ kịp thời đúng đối tượng - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị

Không để trục lợi chính sách

Ngày 1-7-2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. 

Nghị quyết này quyết nghị thực hiện 12 chính sách hỗ trợ gồm: Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động; hỗ trợ bổ sung và trẻ em; hỗ trợ tiền ăn với người điều trị COVID-19 (F0) từ 27-4 đến 31-12-2021; hỗ trợ 1 lần với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, hoạ sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch COVID-19 từ ngày 1-5-2021 đến hết 31-12-2021; chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh; chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất và chính sách đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác.

Triển khai NQ 68 tại Thanh Hóa:  
Nhanh chóng hỗ trợ kịp thời đúng đối tượng - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ thực hiện NQ 68 tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn chủ trì hội nghị

Chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ thực hiện NQ 68 tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn cho biết: "Gói hỗ trợ của Chính phủ 26.000 tỉ đồng là sự khích lệ tinh thần rất lớn đối với người lao động và người sử dụng lao động. Để chính sách đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả, các thành viên BCĐ cần nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của các chính sách này, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện phải tiến hành đồng bộ, nghiêm túc, xác định đúng đối tượng, đúng quy định, tuyệt đối không để xảy ra sai sót, không để lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân. Việc triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ nếu không được triển khai nghiêm túc dễ xảy ra tình trạng trục lợi chính sách, chính vì vậy BCĐ phải thường xuyên giám sát chẽ từng khâu thực hiện đến đúng đối tượng được hỗ trợ".

 "Quán triệt tinh thần triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ rất quan trọng, cần thiết và cấp bách, Nghị quyết liên quan đến rất nhiều đối tượng thụ hưởng, rất nhiều điểm mới, thời gian triển khai khẩn trương. Vì vậy rất cần sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị vào cuộc để triển khai thực hiện. BCĐ tỉnh có trách nhiệm tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện chính sách bảo đảm kịp thời, đúng nguyên tắc, đúng đối tượng, điều kiện, nội dung hỗ trợ và đảm bảo công khai, minh bạch; thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong thực hiện chính sách hỗ trợ, tuyệt đối không để xảy ra lợi dụng, trục lợi chính sách" – Chủ tịch tỉnh Thanh Hoá quán triệt.

Triển khai NQ 68 tại Thanh Hóa:  
Nhanh chóng hỗ trợ kịp thời đúng đối tượng - Ảnh 3.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hoá Vũ Thị Hương trình bày Dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

Chủ tịch Đỗ Minh Tuấn cũng lưu ý BCĐ trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện phải đảm bảo nguyên tắc hỗ trợ kịp thời,  bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện; mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ; phải phát huy tính chủ động của các cấp, các ngành, địa phương, căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai, bảo đảm mục tiêu, nguyên tắc và kịp thời các chính sách hỗ trợ. Việc khẩn trương ban hành và triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, bảo đảm đời sống và an toàn cho người lao động.

Không để ai ở lại phía sau

Có thể thấy, đây là nỗ lực lớn của Chính phủ trong việc chăm lo, quan tâm đến người lao động, nhất là những lao động tự do đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Nhưng để gói hỗ trợ đến đúng tay người cần một cách nhanh chóng và kịp thời, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, rà soát, thẩm định để không một ai bị bỏ lại phía sau trong thời điểm này…"Một miếng khi đói bằng một gói khi no", chính sách này thực sự là nguồn động viên rất lớn đối với người lao động, với doanh nghiệp để cùng nhau vượt khó, được đánh giá là một chính sách nhân văn, kịp thời, đáp ứng mong mỏi của hàng trăm nghìn người bị ảnh hưởng do dịch bệnh, là một nghị quyết đi vào "lòng dân".

Triển khai NQ 68 tại Thanh Hóa:  
Nhanh chóng hỗ trợ kịp thời đúng đối tượng - Ảnh 4.

Công nhân tại nhà máy may Thanh Hoá

Chủ tịch Đỗ Minh Tuấn cho biết thêm: "Để triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 68. BCĐ cần khẩn trương tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hoá bảo đảm kịp thời, đúng nguyên tắc, đúng đối tượng, điều kiện, nội dung hỗ trợ và đảm bảo công khai, minh bạch. Cùng với ngân sách trung ương, UBND tỉnh tính toán bố trí, sử dụng ngân sách địa phương từ nguồn dự phòng ngân sách (bao gồm cả 3 cấp: tỉnh, huyện, xã), quỹ dự trữ tài chính địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện các chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng LĐ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đảm bảo theo nguyên tắc, chế độ hỗ trợ quy định".

"Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 68 là thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta và tinh thần đoàn kết, "thương người như thể thương thân", "Một miếng khi đói, bằng một gói khi no" của dân tộc ta. Gói hỗ trợ của Chính phủ (26.000 tỷ đồng) là sự khích lệ tinh thần rất lớn đối với người lao động và người sử dụng lao động. Trong tuần này, BCĐ khẩn trương tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn bảo đảm kịp thời, đúng nguyên tắc, đúng đối tượng, điều kiện, nội dung hỗ trợ và đảm bảo công khai, minh bạch. Nhanh chóng hỗ trợ kịp thời gói 26.000 tỉ đồng đúng đối tượng trong thời gian sớm nhất" - Chủ tịch Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh.

 "Một miếng khi đói bằng một gói khi no"

Từ đầu năm đến nay, chị Nguyễn Thị Nga 35 tuổi, ở phố Đào Duy Từ,  phường Ba Đình, TP Thanh Hoá bán hàng rong. Trước đó, chồng chị làm xe ôm, không thể đưa đón khách do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Vợ chồng họ đang phải nuôi 3 con trong độ tuổi ăn học mà không có nguồn thu nhập, cuộc sống vốn đã khó khăn nay càng trở nên khó khăn gấp bội. Để xoay xở, chồng chị xin làm shipper cho một cửa hàng ăn nhanh mang về, ngày kiếm mấy chục ngàn đồng để trang trải chi phí sinh hoạt. Vợ chồng chị từ ngày mất việc cũng phải tính toán lại chi tiêu trong gia đình để "sống" được trong thời điểm hiện tại, vì dịch bệnh chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt, cuộc sống chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn. Chị Nga mong muốn vợ chồng chị được nằm trong số đối tượng mất việc làm được hưởng hỗ trợ theo NQ 68 của Chính phủ.

Triển khai NQ 68 tại Thanh Hóa:  
Nhanh chóng hỗ trợ kịp thời đúng đối tượng - Ảnh 5.

Chị Nguyễn Thị Nga với gánh hàng rong của mình

Đó là tình cảnh của không ít người dân lao động hiện nay, nhất là những lao động tự do, bị mất việc làm, thu nhập bấp bênh, cuộc sống không được đảm bảo. Chính vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực vượt qua khó khăn của người dân thì sự hỗ trợ lúc này của các tổ chức, đoàn thể, cá nhân có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi "một miếng khi đói bằng một gói khi no". 

Chị Nguyễn Thị Lan 34 tuổi, bán vé số tại đường Cao Thắng, TP Thanh Hoá chia sẻ: "Gia đình tôi thuộc diện khó khăn, chồng làm nhân viên ở nhà hàng ăn uống, còn 2 đứa con thì đều đang tuổi ăn học, nuôi bố mẹ già, do đại dịch COVID-19 các nhà hàng đóng cửa vì không có khách, nên cho nhân viên nghỉ việc hết. chồng tôi cũng vì vậy mà thất nghiệp. Cả nhà trông chờ vào bán mấy tờ vé số, ngày được ngày không. Cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại càng trồng chất khó khăn hơn. Chúng tôi nghe nói Nhà nước có gói hỗ trợ 26 nghìn tỉ đồng hỗ trợ cho người lao động, người yếu thế, người nghèo như chúng tôi để vượt qua khó khăn, vượt qua đại dịch. Nếu mà được hỗ trợ trong đợt này thì những người lao động như chúng tôi sẽ vơi bớt đi được phần nào gánh nặng trong mỗi bữa ăn, mối lo sinh hoạt hàng ngày. "Một miếng khi đói bằng một gói khi no". Cảm ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã không bỏ rơi chúng tôi trong cơn đại dịch này".

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh