Triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ: Công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đừng để "dê nhầm nhà, gà đi lạc"
- Tây Y
- 04:35 - 28/04/2020
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã nhấn mạnh điều này tại hội nghị trực tuyến triển khai và giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp Bộ LĐ-TB&XH tổ chức chiều 27/4. Đồng chủ trì Hội nghị với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung có Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn.
Cung cấp số điện thoại, email để người dân tham gia giám sát
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, Việt Nam vui mừng khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, ngăn chặn được sự lây lan trong cộng đồng, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân.
Thời gian qua, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước là sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để cứu người, coi con người là vốn quý nhất, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời chăm lo đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Về việc thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định 15 của Chính phủ, để chính sách hỗ trợ kịp thời đến đúng đối tượng, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong rằng MTTQ, ngành LĐ-TB&XH và các sở, ngành, chính quyền các cấp phải: "Phối hợp chặt chẽ - Tuyên truyền rộng rãi - Phân công cụ thể - Hướng dẫn rõ ràng - Triển khai bài bản - Kết quả công khai".
Trong đó, để triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ cho người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 hiệu quả, ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh vai trò giám sát của nhân dân.
"Ở cơ sở, làm đúng, làm sai, nhân dân biết cả, vấn đề là phải biết phát huy dân chủ để người dân phản ánh. Thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn đến sai phạm thường là do cán bộ chưa làm hết trách nhiệm, chưa công tâm, khách quan, chưa nắm chắc hướng dẫn, quy định", ông Mẫn nhấn mạnh.
Vì vậy, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, công khai mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ qua các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài truyền thanh, phát thanh, truyền hình, báo chí; niêm yết danh sách tại các địa điểm thuận lợi để nhân dân theo dõi, giám sát. Cung cấp số điện thoại, địa chỉ email, từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã, để nhân dân trực tiếp phản ánh. Có thể nhận qua hòm thư tố giác để giữ bí mật cho người phản ánh; trả lời thỏa đáng các kiến nghị của nhân dân.
Ở Mặt trận Trung ương, cần công khai 3 số điện thoại của: Trưởng Ban Phong trào, Trưởng Ban Dân chủ Pháp luật và Trưởng Ban Tuyên giáo để sẵn sàng giải đáp, tiếp nhận ý kiến góp ý, phản ánh của nhân dân.
Đồng thời, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị xác định rõ trách nhiệm từ việc kí văn bản, phê duyệt danh sách, biên bản làm việc, báo cáo kết quả, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, mặt trận. Nhất là ngành LĐTB&XH các cấp, của bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, trưởng ban công tác mặt trận của công đoàn, đoàn thanh niên,... Nơi nào để xảy ra tiêu cực, Bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố… chịu trách nhiệm.
Không để chính sách lòng vòng, người dân phải chờ đợi
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định: Việc ban hành Nghị quyết 42 và gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ người lao động và người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid là một quyết định chưa từng có tiền lệ, thể hiện sự quan tâm sâu sắc, sự gắn bó máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Gói hỗ trợ này đã và đang thu hút sự quan tâm, kỳ vọng của đông đảo nhân dân của cả nước.
"Trong Nghị Quyết 42 và Quyết định 15, Thủ tướng Chính phủ đã quy định rất rõ những nguyên tắc, đối tượng, thủ tục, điều kiện, quy trình triển khai gói an sinh xã hội này vì vậy đến nay về cơ sở pháp lý các địa phương đã hoàn toàn đủ căn cứ để triển khai" – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, ngay sau hội nghị, các bộ liên quan sẽ tiếp tục hướng dẫn bằng thông tư, hoặc văn bản hướng dẫn trong phạm vi thẩm quyền được phân công.
Từ đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương bám sát các nguyên tắc cơ bản tập trung chỉ hỗ trợ người lao động, người dân bị giảm sâu về thu nhập do ảnh hưởng bởi dịch covid 19 không đảm bảo mức sống tối thiểu và một số đối tượng chính sách được quy định trong quyết định và Nghị quyết của Chính phủ. Tinh thần Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cùng chia sẻ để đảm bảo cuộc sống của người dân.
Bộ trưởng nhấn mạnh, việc hỗ trợ phải đảm bảo đúng đối tượng, công khai minh bạch không để lợi dụng chính sách và sẽ xử lý nghiêm minh nhất tất cả các vi phạm. "Chúng tôi không mong muốn xảy ra sai phạm khi triển khai thực hiện gói an sinh 62.000 tỷ đồng này. Nhưng nếu xảy ra sẽ xử lý nghiêm minh nhất, xử lý về đảng, hành chính và nếu vi phạm nghiêm trọng thì xử lý hình sự"- Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết thêm, tiêu chuẩn, hồ sơ thủ tục đề nghị thực hiện đúng Quyết định 15 của Chính phủ, không ban hành thêm các thủ tục hành chính. Ban hành thủ tục, giấy tờ khác thì thẩm quyền là của Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan đến các nhóm đối tượng Bộ trưởng cho biết, mỗi đối tượng chỉ hưởng một chính sách và chính sách này có thể lựa chọn. Đối với nhóm đối tượng bảo trợ xã hội chỉ thực hiện áp dụng hỗ trợ chính sách đối người đang hưởng chính sách hỗ trợ hàng tháng tại cộng đồng theo Nghị định 136 của Chính phủ. Còn những người đang hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn, nuôi trong các cơ sở bảo trợ xã hội thì không áp dụng gói hỗ trợ này.
"Còn chuẩn nghèo 4 địa phương như Hà Nội, Tp HCM, Bình Dương, Đà Nẵng đã quy định mức chuẩn nghèo cao hơn mức chuẩn nghèo tại Nghị định 59 của Thủ tướng Chính phủ thì cho phép áp dụng mức chuẩn nghèo cao hơn này. Đây là chuẩn nghèo theo tỉnh, thành phố quyết định, không áp dụng chuẩn nghèo theo chuẩn nghèo xã, phường áp dụng" – Bộ trưởng lưu ý.
4 nhóm đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội là các nhóm đã có danh sách rồi thì triển khai càng nhanh càng tốt và tinh thần là trong tháng 4, nhưng như vậy không có nghĩa những nhóm kia không triển khai trong tháng 4. "Đối tượng lao động tự do cũng đang rất cần gói hỗ trợ của Chính phủ và càng triển khai nhanh bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Đây là đối tượng khó khăn nhất hiện nay. Vì vậy, chúng tôi khuyến khích TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội thực hiện hỗ trợ lao động tự do trước ngày 30.4" – Bộ trưởng cho hay.
Liên quan đến việc giám sát thực hiện rà soát, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các đơn vị phải thực hiện giám sát ngay từ đầu. Theo đó, cấp huyện, tỉnh, Trung ương giám sát theo chuyên đề, từng gói. Còn doanh nghiệp, công đoàn tham gia ngay từ đầu, do đó công đoàn phải xác nhận vào danh sách.
Cũng theo Bộ trưởng, Bộ sẽ lập đường dây nóng, trang điện tử, 1 nhóm giải đáp những chính sách nhanh. Do đó, những vấn đề mà các địa phương vướng mắc sẽ được chuyển về bộ. Sau đó, chậm nhất ngày 27/4, Bộ sẽ trả lời bằng văn bản các vướng mắc của địa phương. Đồng thời Bộ cũng khuyến khích các đơn vị thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Tinh thần cơ bản sẽ chuyển khoản gói hỗ trợ đến người lao động thông qua ngân hàng.
Bộ trưởng yêu cầu, bên cạnh quy định làm đúng, minh bạch nhưng cần làm nhanh, khẩn trương, không để chính sách ban hành rồi vẫn lòng vòng mãi. "Lúc này, nhiều người dân mong chờ lắm. Lúc người ta đói, người ta cần thì phải hỗ trợ ngay. Vì đây không chỉ là trách nhiệm mà là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi cán bộ thực hiện chính sách. Do đó, đề nghị việc triển khai gói hỗ trợ theo quy định thẩm quyền quyết định của địa phương. Nguyên tắc đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng và chịu trách nhiệm toàn bộ trước Chính phủ, cấp uỷ là người đứng đầu cơ quan hành chính là Chủ tịch UBND tỉnh. Gói hỗ trợ này rất quan trọng với người dân, chúng tôi chỉ mong muốn đừng để "dê nhầm nhà, gà đi lạc", đừng để ai phải xử lý về Đảng, về chính quyền về các hình thức kỷ luật"- Bộ trưởng nhấn mạnh.