CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:16

Hà Nội: Rà soát hơn 1,48 triệu người thụ hưởng gói an sinh xã hội

Đến ngày 24/4, Hà Nội đã có được kết quả rà soát bước đầu, làm căn cứ để triển khai chính sách kịp thời, hiệu quả, đúng người, đúng đối tượng.

Hà Nội: Rà soát hơn 1,48 triệu người thụ hưởng gói an sinh xã hội - Ảnh 1.

Các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội quan tâm, động viên kịp thời người dân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Vào từng nhà, rà soát từng đối tượng

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, đến ngày 24/4, thành phố Hà Nội đã cơ bản rà soát xong một số nhóm đối tượng dự kiến được trợ giúp theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP.

Kết quả bước đầu cho thấy, toàn thành phố có 137.719 người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương. Với nhóm đối tượng này, dự kiến mức hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ là 1 tháng.

Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp là 75.000 người, dự kiến mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/tháng, thời gian hỗ trợ là 3 tháng.

Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm (lao động tự do) là 850.000 người, dự kiến mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ là 3 tháng.

Người có công với cách mạng và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng là gần 78.000 người, mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ là 3 tháng.

Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng là gần 185.000 người, mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ là 3 tháng.

Nhân khẩu thuộc hộ nghèo, cận nghèo là hơn 155.000 nhân khẩu, mức hỗ trợ là 250.000 đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ là 3 tháng.

Như vậy, tổng số người dự kiến được hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP là hơn 1,48 triệu người, số tiền dự kiến hỗ trợ là gần 3.534 tỷ đồng.

Để có được kết quả trên, thành phố giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương triển khai rà soát. Trên tinh thần đó, 100% xã, phường, thị trấn đã giao tổ trưởng tổ dân phố, khu dân cư, trưởng thôn, xóm và đại diện các ban, ngành, đoàn thể ở cấp cơ sở đi từng ngõ, gõ từng nhà để rà soát các đối tượng thụ hưởng.

Ông Nguyễn Thế Vinh, Tổ trưởng tổ dân phố số 6, phường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) cho hay, trong những ngày vừa qua, tổ dân phố đã bàn bạc, đánh giá, tổ chức kê khai và lập danh sách các đối tượng gặp khó khăn dự kiến được hưởng gói an sinh xã hội để gửi cơ quan chức năng; qua rà soát, đã lập danh sách 50 người để đề nghị hỗ trợ.

Tương tự, ông Lê Cao Thiết, Tổ trưởng tổ dân phố 36, phường Thành Công (quận Ba Đình) cho biết, cán bộ cấp cơ sở là những người nắm rõ đời sống ở cộng đồng dân cư, nên việc thống kê, rà soát các đối tượng theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP không quá khó khăn.

Với nhóm lao động thuộc sự quản lý của doanh nghiệp, thành phố giao Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc tiến hành rà soát, báo cáo.

Theo hướng triển khai này, Hà Nội đã có nguồn dữ liệu bước đầu để phân tích, đối chiếu, đánh giá, sàng lọc các đối tượng được tiếp cận với gói an sinh xã hội chưa có tiền lệ trong thời gian sớm nhất.

Hà Nội: Rà soát hơn 1,48 triệu người thụ hưởng gói an sinh xã hội - Ảnh 2.

Việc xác định đối tượng lao động tự do bị mất việc làm đang gặp khó.

Hỗ trợ nhóm đối tượng người có công, bảo trợ xã hội trước ngày 30/4  

Mặc dù đã chủ động rà soát và có được những kết quả bước đầu, song đến nay, các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa ban hành hướng dẫn cụ thể để thực thi Nghị quyết số 42/NQ-CP, nên Hà Nội chưa có căn cứ để triển khai. Hơn nữa, quá trình rà soát cho thấy, việc xác định nhóm lao động tự do như thế nào cho đúng người, tránh chồng chéo, không bỏ sót gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Khắc Kháng, Tổ trưởng tổ dân phố 12, phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) phản ánh, chính quyền cấp cơ sở được định hướng tập trung rà soát, lập danh sách những người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố, người thu gom rác, phế liệu, người bốc vác, vận chuyển hàng hóa, người bán lẻ vé số lưu động… Tuy nhiên, tiêu chí, điều kiện cụ thể đi kèm là gì để có thể xác định chính xác đối tượng, thì đại diện chính quyền cấp cơ sở chưa được biết. Vì thế, danh sách hơn 20 lao động tự do gặp khó khăn tại tổ dân phố 12, phường Yên Hòa vừa trình lên chỉ là dữ liệu để tham khảo.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng thôn Sen, xã Hữu Bằng (Thạch Thất) băn khoăn: “Ở khu vực nông thôn, những lao động làm nghề phi nông nghiệp, kể cả họ làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thường không có giao kết hợp đồng lao động. Vào thời điểm có dịch Covid-19, một số đối tượng này bị mất việc làm, vậy họ có thuộc nhóm lao động tự do hay không, chúng tôi cũng chưa rõ”.

Từ thực tế triển khai, ông Nguyễn Ngọc Nam, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thường Tín dẫn chứng, tại các doanh nghiệp bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19, số lao động không được đóng bảo hiểm xã hội mới là nhóm người đang gặp khó khăn, do không được trợ cấp thất nghiệp. Thế nhưng, vì nhiều lý do, cả người lao động và người sử dụng lao động đều không cung cấp thông tin về tình trạng mất việc làm của người lao động để đề xuất hỗ trợ. “Đối với nhóm lao động đặc thù này, xét cho đến cùng, họ cũng thuộc nhóm lao động tự do, có bị ảnh hưởng, nhưng lại không được rà soát, khoanh vùng”, ông Nguyễn Ngọc Nam trăn trở.

Để chính sách trợ giúp sớm đến với đối tượng, ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đông Anh kiến nghị, các cấp có thẩm quyền sớm ban hành quy định, hướng dẫn chi tiết về việc triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP. Trong đó, quy định về nhóm lao động tự do cần rõ khái niệm, quy định cụ thể đến từng ngành, nghề, lĩnh vực làm căn cứ cho các địa phương dễ thực hiện.

Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, trong các nhóm đối tượng triển khai rà soát, Sở đã thống kê, lập danh sách chính xác hai nhóm đối tượng là người có công với cách mạng và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Để chính sách trợ giúp sớm đến với người thụ hưởng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đang phối hợp với các sở, ngành chức năng xây dựng tờ trình đề nghị UBND thành phố xem xét ban hành quyết định hỗ trợ cho hai nhóm đối tượng này trước ngày 30/4.

Các nhóm đối tượng còn lại, Sở sẽ căn cứ vào kết quả soát bước đầu, đồng thời căn cứ vào hướng dẫn triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP của các cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục sàng lọc đối tượng. Khi thiết lập được danh sách chính thức, chính quyền cấp cơ sở sẽ niêm yết công khai để mọi người dân trong cộng đồng dân cư đều có thể giám sát, bảo đảm chính sách hỗ trợ đến đúng người, đúng đối tượng, minh bạch, khách quan.

Liên quan đến nội dung triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội diễn ra chiều 24/4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính Hà Nội và các sở, ngành chức năng xây dự thảo quyết định về việc triển khai nghị quyết này trên địa bàn thành phố. Ngay sau khi có hướng dẫn triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP từ các cơ quan có thẩm quyền, thành phố Hà Nội sẽ ban hành quyết định hướng dẫn thực thi Nghị quyết số 42/NQ-CP trên địa bàn theo hướng linh hoạt, phù hợp với đặc thù ở Thủ đô.

Riêng với hai nhóm đối tượng người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hằng tháng, UBND thành phố Hà Nội đồng ý giao các sở, ngành chức năng khẩn trương xây dựng tờ trình, dự toán nguồn kinh phí trình UBND thành phố xem xét ban hành quyết định hỗ trợ cho hai nhóm đối tượng ngay trong đầu tuần tới (dự kiến là ngày 27/4). Sau khi thành phố có quyết định chính thức, các ngành, địa phương tiến hành hỗ trợ cho nhóm đối tượng người có công, bảo trợ xã hội trước ngày 30/4.

QUÝ ĐỨC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh