Triển khai Chương trình bơi an toàn, tỷ lệ đuối nước trẻ em giảm mạnh
- Dược liệu
- 17:58 - 03/12/2018
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Khánh Hải tại hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2016 - 2020, vừa tổ chức tại Hà Nội.
Nhờ dạy bơi cho trẻ em nên tỷ lệ đuối nước đã giảm mạnh.
Theo số liệu từ Bộ VH-TT&DL, đến nay, 63/63 tỉnh/ thành đều có kế hoạch (đề án) Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước hoặc triển khai Chương trình, phòng chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em trên địa bàn. Đặc biệt, các kế hoạch (đề án) năm 2018 của các tỉnh/ thành đã được tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước và huy động được các nguồn lực để tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tổ chức tập huấn, tổ chức dạy bơi và đầu tư xây lắp các mô hình bể bơi phục vụ nhu cầu tập luyện môn bơi của trẻ em.
Sau 2 năm triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2016-2020 cho biết tỉ lệ đuối nước ở trẻ em năm 2017 và 2018 giảm rõ rệt. Năm 2018, số bể bơi được xây lắp tại các địa phương tăng nhanh so với năm 2016 khoảng 1.000 bể, hồ bơi các loại. Các địa phương có nhiều bể bơi là Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang, Đà Nẵng, Bến Tre, Đồng Tháp… Tỉ lệ trẻ em học bơi và biết bơi trong 2 năm qua tăng nhanh; tỉ lệ đuối nước ở trẻ em năm 2017 và 2018 giảm rõ rệt, từ khoảng 2.200 trẻ em giảm xuống 2.000 trẻ trong độ tuổi dưới 16 ở năm 2017, và con số này tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2018.
Từ năm 2017 đến nay, ngành VH-TT&DL đã tổ chức 36.298 lớp dạy bơi; số trẻ em tham gia học bơi là 3.603.955 em; số trẻ biết bơi sau khi tham dự lớp học bơi là 2.170.344 em; số trẻ em được học kiến thức, kỹ năng an toàn trong môn trường nước là 4.941.957 em. Đồng thời, xây dựng mô hình “Trẻ em toàn xã biết bơi” tại 701 xã, phường, thị trấn; xây dựng mô hình “Học sinh toàn trường biết bơi” tại 753 trường học.
Đến năm 2020, đặt mục tiêu triển khai Chương trình đến năm 2020 trên 4 mặt gồm: Đạt 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho trẻ em; Phân đấu 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; Đảm bảo 100% các cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn có huấn luyện viên, hướng dẫn viên bơi, nhân viên cứu hộ và đảm bảo các điều kiện về vệ sinh, an toàn theo quy định của pháp luật và giảm trên 6% số trẻ em tử vong do tại nạn đuối nước so với năm 2015.
Để giảm dần tỷ lệ đuối nước trẻ em, các đại biểu cho rằng, thời gian tới cần ưu tiên phát triển môn bơi trong trường học. Bên cạnh yêu cầu tăng cường bố trí ngân sách, rất cần ban hành cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các địa phương đẩy mạnh và triển khai chương trình phòng, chống đuối nước trẻ em. Lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các bộ, ngành, đoàn thể tiếp tục quan tâm phát triển môn bơi, coi môn này là một phương tiện hữu hiệu phát triển thể lực, tầm vóc và phòng chống đuối nước trẻ em.
Cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tư nhân phối hợp với các trường học đầu tư cơ sở vật chất, bể bơi và tổ chức các hoạt động dạy bơi, có chính sách ưu tiên cho trẻ em thuộc diện nghèo và vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, khuyến khích tổ chức dạy bơi trong trường học, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước trong giờ học thể dục chính khóa và hoạt động ngoại khóa...
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: "Bơi lội không chỉ là một môn thể thao có tác dụng rèn luyện thể chất mà còn trang bị kiến thức, kĩ năng sống cho con người. Sau 2 năm triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho trẻ em, số lượng trẻ em đuối nước giảm tương đối rõ rệt, cơ sở vật chất được tăng lên, ý thức nhận thức của xã hội được nâng cao, công tác triển khai được rộng khắp. Không chỉ ngành GD&ĐT, thể thao mà toàn xã hội cần vào cuộc để giảm đuối nước trẻ em”.