Trên 8,3 tỷ USD vốn FDI vào khu công nghiệp, khu kinh tế
- Huyệt vị
- 23:07 - 23/04/2019
Tính chung trong năm 2018, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) và vốn tăng thêm đạt trên 8,3 tỷ USD.
Theo báo cáo của Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2018, các KCN, KKT đã đăng ký đầu tư cho khoảng 560 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký ước đạt trên 5,3 tỷ USD và tăng vốn cho gần 500 dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm khoảng trên 3 tỷ USD.
Lũy kế đến hết năm 2018, các KCN, KKT thu hút được khoảng 7.500 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký ước đạt gần 970.000 tỷ đồng và khoảng 8.000 dự án vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký ước đạt trên 145 tỷ USD. Tỷ lệ lấp đầy của các KCN đã đi vào hoạt động đạt trên 73%.
Theo Vụ Quản lý khu kinh tế, tính đến hết năm 2018, cả nước có 17 KKT ven biển đã được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước trên 845.000 ha. Ngoài ra, KKT Ninh Cơ, tỉnh Nam Định có trong quy hoạch phát triển các KKT nhưng chưa được thành lập.
Tính đến cuối năm 2018, cả nước có 326 KCN, khu chế xuất (KCX) được thành lập với tổng diện tích hơn 95,6 nghìn ha, tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 73,9%.
Tuy nhiên, phát triển BĐS công nghiệp ở Việt Nam còn nhiều bất cập, thị trường KCN mới đang ở trong giai đoạn khởi đầu với hạ tầng, nhà xưởng có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp; tính đồng bộ trong KCN chưa cao, tỷ lệ KCN có nhà máy xử lý nước thải mới đạt 87,2%... Các ý kiến thảo luận đều cho rằng, BĐS công nghiệp Việt Nam đang là phân khúc hấp dẫn nhất trong năm 2019, có nhiều dư địa và cơ hội phát triển. Thị trường này đang tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế.
Đứng trước yêu cầu phát triển, BĐS công nghiệp cần phải thay đổi từ cả định hướng chính sách của nhà nước và từ phía các nhà đầu tư. Theo đó, phát triển KCN cần gắn kết với các hạ tầng dịch vụ logistics, với hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; gắn kết KCN với quá trình đô thị hóa; hình thành các KCN – đô thị - dịch vụ và các thành phố công nghiệp, đô thị thông minh.
Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Đình Cung, Viện CIEM cho rằng, sự hấp dẫn của BĐS công nghiệp Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực và tiếp tục được thúc đẩy bởi các yếu tố như chi phí lao động thấp, giá thuê đất hợp lý, thuế suất thuế thu nhập ưu đãi… Để thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có chất lượng vào thị trường này, cần thay đổi tư duy quản lý dựa trên cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, trọng tâm là tuân thủ quy luật cung cầu để thị trường điều tiết.
Quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương và quy hoạch KCN đồng bộ trong tổng thể và công khai để nhà đầu tư nghiên cứu và sớm nắm bắt cơ hội đầu tư, sớm quyết định đầu tư. Duy trì mức đầu tư hợp lý cho cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh hình thức hợp tác công tư đầu tư cho hạ tầng, chú trọng hạ tầng đường cao tốc, cảng biển và mạng lưới tiện ích, năng lượng tái tạo… Cơ sở hạ tầng vượt trội là yếu tố cạnh tranh mạnh mẽ với các nước khác. Bên cạnh đó, cần minh bạch hóa thông tin thị trường BĐS với chính sách dài hạn, ổn định và có tính bảo đảm mức độ rủi ro chính sách, tạo tâm lý yên tâm, an toàn cho nhà đầu tư…