THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:38

Cả nước có 8,2 triệu lao động ở khu vực phi chính thức

 

Chuyên gia ILo chia sẽ thông tin liên quan đến lao động phi chính thức với báo chí

Thông tin này được đưa ra tại buổi công bố thông tin về Việc làm phi chính thức tại Việt Nam do Dự án Hỗ trợ chuyển hóa sang chính thức tại Việt Nam,Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức, chiều 3/10.

Báo cáo về tình hình việc làm phi chính thức tại Việt Nam hiện nay, Nhóm nghiên cứu Chính trị - Xã hội đến từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, cả nước hiện có 4,9 triệu hộ kinh doanh cá thể (khoảng 60% nằm trong khu vực phi chính thức), sử dụng khoảng 8,2 triệu lao động. Các hộ kinh doanh này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ (80%) và rất hạn chế về mặt quy mô lao động (1,7 lao động/cơ sở), vốn (doanh thu xấp xỉ 500 triệu đồng/năm) và công nghệ.

Lí giải về thực trạng phi chính thức này, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng xét về yếu tố vĩ mô điều này là do triển vọng kinh tế không sáng sủa khiến các doanh nghiệp chính thức, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm bớt lợi ích cho lao động như bảo hiểm xã hội hoặc tránh giao kết hợp đồng lao động theo yêu cầu của luật pháp. Do đó rất khó tìm được việc làm hoặc duy trì việc làm chính thức, kết quả là đa số lao động có việc làm phi chính thức, chiếm khoảng 57,2%.

Về phía doanh nghiệp, chi phí chính thức hóa là khá cao. Chi phí chính thức hóa này bao gồm thuế, các khoản chi cho lao động và các khoản chi không chính thức, trong đó tổng thuế suất (% lợi nhuận) ở Việt Nam lên đến 39,4%, gấp 1,5 lần so với mức trung bình của 32 quốc gia hàng đầu, và cũng có từ 9 – 10% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng chi phí không chính thức chiếm hơn 10% tổng thu nhập. Ngoài ra, sự cứng nhắc trong các quy định về lao động làm cho người sử dụng lao động không muốn thuê nhân công chính thức.

Ông Philippe Marcadent, Giám đốc Văn phòng điều kiện việc làm ILO Geneva (Thụy Sỹ) cho rằng những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thì tỷ lệ việc làm phi chính thức càng cao và ngược lại. Việc “chính thức hóa” khu vực phi chính thức không chỉ giúp bảo vệ việc làm cho người lao động mà còn bảo vệ lợi ích cho cả doanh nghiệp.

Lí giải điều này, ông Philippe Marcadent cho rằng thông thường những doanh nghiệp không bảo vệ cho người lao động sẽ có bất lợi hơn so với các doanh nghiệp khác khi hoạt động trong cùng một lĩnh vực. Ngược lại, nếu bảo vệ tốt thì đây cũng là động cơ để biện minh cho sự cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp khác. Và khi doanh nghiệp bảo vệ tốt việc làm cho người lao động thì cũng góp phần tạo nguồn thu cho Chính phủ, hơn hết là tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong nền kinh tế.

Ước tính việc làm trong khu vực phi chính thức có đóng khoảng 30 tổng GDP của quốc gia, trên thế giới thì việc làm phi chính thức chiếm đến 60% quy mô việc làm. Tuy nhiên, ông Philippe Marcadent cũng cho rằng đánh giá tác động của khu vực phi chính thức đối với nền kinh tế là rất khó đo lường và cần nhìn nhận người lao động ở nhiều ngành nghề khác nhau. Do đó, để "chính thức hóa" được khu vực này cần có những chính sách đặc thù hiệu quả hơn đối với từng nhóm đối tượng.

Ngoài ra, việc "chính thức hóa" khu vực này cũng cần được thực hiện bằng chính sách bảo hiểm xã hội, hơn hết là cần cải thiện năng suất lao động của doanh nghiệp. Lí do được đại diện ILO đưa ra là nếu lợi nhuận của doanh nghiệp không được nâng cao thì sẽ không có động lực để "chính thức hóa" vì hiện nay doanh nghiệp đang phải chịu rất nhiều chi phí..

 

THIỀU VĂN LÝ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh