THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:47

Trẻ nuốt nắp chai tử vong, cảnh báo những đồ vật trở thành "sát thủ"

 

Trẻ thiệt mạng chỉ vì cái nắp chai nhựa

Bé Kỳ Kỳ, 1 tuổi ở Vũ Hán (Trung Quốc) trong lúc chơi ở nhà đã "vơ" được chiếc nắp chai nhựa to bằng đồng xu và cho vào miệng. Khi người nhà phát hiện bé đang ngậm nắp chai liền tìm mọi cách để lấy ra.

Nhưng càng thò tay vào lấy, nắp chai càng lọt vào sâu hơn khiến bé bị hóc. Mặc dù các bác sĩ đã lấy được nắp chai ra ngoài, nhưng đáng tiếc rằng Kỳ Kỳ đã không bao giờ được tiếp tục nối dài những giấc mơ hạnh phúc cùng gia đình nữa.

Bi kịch này khiến hàng xóm trong làng bàng hoàng không thể tin nổi, bố mẹ bé gần như điên loạn không tin vào sự thật nghiệt ngã.

Mẹ bé cho biết, khi cô đang nấu ăn, cô để bé ở phòng khách và nhìn bé qua khung cửa kính. Trên bàn có chai đựng nước đang mở nắp và đó là nguyên nhân chính gây ra thảm họa.

Khi cô phát hiện bé ngậm nắp, cũng đã tìm mọi cách để gỡ nắp ra khỏi miệng, nhưng càng can thiệp, nắp càng chạy sâu hơn vào họng bé, khi dốc ngược bé để sơ cứu, vẫn không có cách nào để chiếc nắp rơi ra.

Trên thực tế, khi Kỳ Kỳ nhập viện, bé đã rơi vào trạng thái đôi môi tím tái, giãn đồng tử, các mạch biến mất không đo được, có rất nhiều máu trong miệng, không thể thở được.

Các bác sĩ ngay lập tức cấp cứu, nhưng cuối cùng không hiệu quả.

(Ảnh minh họa)

Vật dụng nhỏ trong nhà chính là "sát thủ" gây tử vong ở trẻ

Theo bác sĩ Hạ Trung Phương, người trực tiếp cấp cứu cho Kỳ Kỳ, trẻ em nuốt phải dị vật là việc vô cùng nguy hiểm, làm cho khí quản bị tắc nghẽn, cần phải cấp cứu ngay lập tức trong vòng vài ba phút, không thực hiện trong thời điểm vàng này sẽ dẫn đến kết cục ngoài ý muốn.

Những gia đình có con nhỏ, cần phải hết sức cẩn thận với các vật dụng nhỏ trong nhà như các loại hạt, hạt giống, thạch, nắp chai, cúc áo, đồng xu hay bất kỳ vật gì có khả năng lọt vào miệng của trẻ.

Mỗi năm, có cả trăm đứa trẻ phải nhập viện để cấp cứu gắp dị vật trong tình trạng nguy hiểm. Việc đau lòng xảy ra với Kỳ Kỳ là bài học đắt giá mà bất kỳ phụ huynh nào cũng cần phải khắc cốt ghi tâm.

Hãy học cách sơ cứu khi trẻ bị hóc dị vật để xử lý đúng cách và kịp thời. Phòng bệnh hơn chữa bệnh là phương châm cấp cứu tốt nhất cho tình huống này.

Không nên để vật dụng nhỏ trong tầm với của trẻ (Ảnh minh họa)

Phương pháp sơ cứu bạn cần học thuộc nếu trong nhà có trẻ nhỏ

1. Cách sơ cứu trẻ nhỏ dưới 2 tuổi bị hóc dị vật: Phương pháp vỗ lưng, ấn ngực

- Cho trẻ nằm sấp trên cánh tay trái của người sơ cứu, đầu hướng xuống đất. Lưu ý giữ chắc để cổ và đầu trẻ khỏi bị tuột. Dùng gót bàn tay phải vỗ mạnh 5 cái vào vùng lưng giữa 2 xương bả vai của trẻ.

- Sau đó lật trẻ từ tay trái qua tay phải của người sơ cứu. Quan sát em bé xem có hồng hào chưa, có thở, khóc được chưa. Kiểm tra miệng trẻ xem có dị vật nào không và lấy ra. Nếu dị vật vẫn chưa ra ngoài hoặc trẻ vẫn chưa thở thì làm tiếp biện pháp ấn ngực. Lấy 2 ngón tay ấn vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức). Ấn mạnh 5 cái theo chiều từ trên xuống dưới liên tiếp.

- Kiểm tra xem bé đã thở, khóc lại chưa, nếu chưa tiếp tục lặp lại động tác này cho đến khi xe cấp cứu tới.

Trẻ bị hóc dị vật cần sơ cứu đúng cách, kịp thời (Ảnh minh họa)

2. Cách sơ cứu trẻ trên 2 tuổi bị hóc dị vật: Phương pháp Heimlich

- Người cứu đứng sau lưng nạn nhân, một chân trước, một chân sau; chân trước lồng giữa hai chân nạn nhân.

- Vòng hai tay ra trước, quàng lấy bụng nạn nhân, bàn tay ngoài nắm lấy nắm đấm của bàn tay trong (lòng bàn tay này úp xuống), áp sát vào vùng bụng phía trên rốn, ngay dưới xương ức của nạn nhân.

- Giật lên thật mạnh và đột ngột theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên, liên tục 4-5 cái. Động tác này phải được thực hiện dứt khoát và không đè ép vào lồng ngực thì mới có hiệu quả.

Lưu ý: Thủ thuật Heimlich là thủ thuật thủ thuật tạo ra "thời gian vàng" để cấp cứu khi có dị vật lọt vào đường thở trẻ. Nguyên tắc là tạo một lực tác động mạnh, đột ngột vào 2 buồng phổi bằng cách vỗ từ lưng hoặc ép vào cơ hoành, mục đích tạo ra một áp lực lớn đột ngột trong đường hô hấp đẩy dị vật ra ngoài.

Cách làm này có hiệu quả rất tốt với những dị vật choán gần hết đường thở và dễ di chuyển như viên bi, kẹo... Heimlich có hiệu quả từ cú vỗ hoặc cú ép hoành đầu tiên, càng về sau hiệu quả càng giảm dần.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh