Báo động tình trạng hóc dị vật ở trẻ em
- Y học 360
- 19:48 - 24/05/2015
Thủ thuật Heimlich sơ cứu tại nhà có thể giúp trẻ thoát nguy hiểm khi hóc di vật.
Dị vật mà trẻ hóc, nuốt phải rất đa dạng. Có thể là chiếc ghim cài, miếng thạch, hạt dưa, quả vải, hay những vật sắc nhọn như đinh vít, 1 đoạn dây chuyền nữ trang…
Đầu tháng 4-2015, các bác sĩ BV Nhi Đức (Hải Phòng) đã tiếp nhận và cấp cứu thành công cho em Nguyễn Phương N. (SN 2004), quê ở xã Chiến Thắng, huyện An Lão (Hải Phòng). Em N. đã nuốt phải chiếc kim cài áo. Gia đình bé cho biết, trong thời gian đi học buổi sáng ở trường, Nam nhặt được chiếc kim cài áo, sau đó cho vào miệng ngậm và vô tình đã để chiếc kim trôi vào miệng, làm tắc đường thở. Trưa ngày 3-4, em N. được ông bà nội đưa vào nhập viện trong tình trạng đau tức ngực, kèm ho nhiều. Tại BV, Nam được chụp X-quang ngực và phát hiện dị vật là đoạn kim loại dài khoảng 3cm, một đầu nhọn, 1 đầu hình tròn bọc nhựa cứng nằm gọn trong đường thở. Sau đó Nam được các bác sĩ BV Nhi Đức tiến hành gây mê và gắp dị vật ra.
Trưa ngày 7-4, bé N.N.T.V (sinh tháng 6-2012, ngụ Châu Phú, An Giang) nuốt đồng xu kim loại vốn dùng để chơi điện tử, kích thước 20mm. Sau đó, bé than đau cổ, được người nhà đưa vào nhập viện lúc 14 giờ cùng ngày tại Khoa Tai Mũi Họng (BV Đa khoa khu vực tỉnh An Giang). Kết quả chụp X-quang cho thấy: Có một dị vật cản quang dạng đồng xu nằm ngang phía trước cột sống ngực D1-D2. BS Phạm Dân Nguyên, Trưởng khoa Tai-Mũi-Họng và BS Lê Thiện Hòa, phụ trách nội soi điều trị cùng hội chẩn và quyết định tiến hành nội soi ống mềm thực quản để gắp dị vật. Bệnh nhi 3 tuổi không thể hợp tác tốt lúc nội soi nên êkíp phải tiến hành gây mê. Do V. đã ăn bữa trưa lúc 11 giờ (trước khi nuốt đồng xu), nên khoa Gây mê hồi sức đề nghị ê-kíp tiến hành làm thủ thuật lúc 20 giờ để đợi thức ăn qua hết dạ dày, tránh trào ngược trong lúc bé mê. Khi tiến hành gắp dị vật, vì ống soi mềm to gần bằng thực quản V. nên vùng quan sát nhỏ và thao tác khó khăn. Sau 10 phút, đồng xu được gắp ra khỏi thực quản bằng kềm cá sấu.
Còn trường hợp bé L.K.N (1 tuổi) quê ở Hà Tĩnh nuốt phải sợi dây cài áo bằng sắt – món đồ cha mẹ cho cầm chơi – đã phải tức tốc chuyển từ BV tuyến dưới lên thẳng BV Nhi Trung ương để cấp cứu. Hay trường hợp 1 cháu bé mới 2 tuổi ở Vĩnh Phúc trong khi chơi đã nuốt phải 1 vật trang trí hình con dê cũng phải đưa cấp cứu tại BV Nhi Trung ương.
Theo BS Phan Thị Hiền (khoa Nội soi - BV Nhi Trung ương), trẻ học dị vật không phải là hiếm gặp bởi khi dưới 5 tuổi, trẻ thường tò mò, hiếu động, có thói quen cho bất cứ vật gì cầm trên tay vào miệng. Dị vật khi rơi xuống đường thở hoặc thực quản gây ra những hậu quả khôn lường, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng nếu không được phát hiện, xử trí kịp thời. Chính vì vậy, bác sĩ khuyến cáo: các bậc cha mẹ nên chú ý trông con, không cho các bé chơi những vật dụng, đồ chơi có kích thước nhỏ như cúc áo, đồng xu, kẹp tóc, ốc vít… Trong nhà, hoặc phòng của bé phải sạch sẽ, không có các "vật thể lạ” như đinh nhọn, ghim cài giấy… vì các bé thường có thói quen bỏ vật lạ vào miệng, mũi, tai.
Các biến chứng dị vật đường thở - thực quản thường gặp: Gây tắc đường thở cấp tính có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng (khoảng vài phút sau khi nuốt); tổn thương vùng hầu họng và gây rách thủng thực quản nếu dị vật sắc nhọn. Nếu dị vật đi xuống đến 1/3 giữa thực quản có thể chèn ép hay rách cung động mạch chủ dẫn đến tử vong nhanh chóng.
Khi trẻ nuốt phải dị vật cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần nhanh chóng đặt trẻ nằm ngửa trên nền cứng, mở miệng trẻ và lấy những dị vật nhìn thấy được ra, nâng cằm hoặc đẩy hàm để làm thông thoáng đường thở. Cha mẹ tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ, điều này trong nhiều trường hợp sẽ khiến dị vật đi vào sâu hơn, trầy xước họng gây sưng tấy, trẻ càng khó thở hơn.
Đặc biệt, mọi người có thể học thủ thuật Heimlich để sơ cứu tại nhà, trước khi đưa trẻ tới BV. Nguyên tắc của Heimlich là tạo một lực tác động mạnh, đột ngột vào 2 buồng phổi bằng cách vỗ từ lưng hoặc ép vào cơ hoành, mục đích tạo ra một áp lực lớn đột ngột trong đường hô hấp đẩy dị vật ra ngoài. Vì thế, Heimlich có hiệu quả rất tốt với những dị vật choán gần hết đường thở và dễ di chuyển như viên bi, kẹo..., còn những vật khác không choán hết đường thở hoặc có hình dáng góc cạnh thì phải nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ.