THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:14

Trẻ nghiện đồ công nghệ - Những tác hại không lường

 

Việc trẻ giành quá nhiều thời gian để ngồi “bấm bấm, vuốt vuốt” trên màn hình iPhone, iPad đã không còn xa lạ với tất cả các hộ gia đình hiện đại ngày nay.

 

(Ảnh : Tuổi trẻ)

 

Đương nhiên, bé nào cũng rất háo hức và thậm chí còn có thể ngồi chơi những món đồ này hàng giờ đồng hồ nếu không có cha mẹ, người thân cấm cản.

Theo nhà tâm lý học và chuyên viên trị liệu cho trẻ em Kim Knull, trạng thái “ngẩn ngơ” thường thấy khi con người tương tác với công nghệ - bao gồm tất cả những thao tác như kiểm tra, viết email, nhắn tin hay chơi điện tử đều có thể làm gia tăng lượng stress và khiến cho chúng ta cảm thấy dễ cáu giận, khó chịu hơn.

 

Ảnh Soha.vn

 

Ngoài ra, những hoạt động này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ cũng như gây ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ xã hội trong đời thực của con người.

Bà Kim cho biết: “Nó khiến người sử dụng mất tập trung và làm cho trí tuệ của bọn trẻ bị vắt cạn (tức khiến chúng không còn có hứng thú nào để mà làm các việc khác)”.

Lý do về tâm lý và khoa học khiến trẻ nghiện công nghệ

Vấn đề lớn nhất chính là khi trẻ em sử dụng những món đồ công nghệ này ngay trước khi đi ngủ.

Bà Kim giải thích: “Thậm chí chỉ vài phút chơi iPhone, iPad trước khi đi ngủ cũng có thể ngăn chặn các hoóc môn melatonin (loại hoóc môn gây buồn ngủ) và không cho chúng được giải phóng. Tình trạng này nhất định sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng của người sử dụng, khiến cho họ không cảm thấy buồn ngủ nữa và hậu quả xảy ra là bị mất ngủ”.

Bạn có bao giờ cầm điện thoại hoặc iPad lên trước khi đi ngủ để kiểm tra thứ gì đó, rồi chợt bị chói mắt bởi luồng ánh sáng phát ra và bỗng cảm thấy… đỡ buồn ngủ hơn chưa?

 

Kienthuc.net

 

Bởi ngoài việc bị mất đi một lượng hoóc môn melatonin, bạn có thể sẽ mắc phải hiệu ứng “đèn ban đêm”- loại hiệu ứng có thể dễ dàng dẫn đến hội chứng trầm cảm và một giấc ngủ kém ngon giấc.

Để hạn chế những tác hại tiêu cực này, nhà tâm lý học Kim Knull khuyên chúng ta tốt nhất nên không để trẻ sử dụng các đồ dùng công nghệ trước khi đi ngủ, mà chính xác nhất là phải “kiêng” khoảng 2 giờ đồng hồ trước khi trẻ bắt đầu lên giường.

Ngoài ra, màn hình của iPhone, iPad cũng có thể tác động xấu đến các chất hoá học trong não bộ, khiến chúng ta gặp rối loạn trong việc xác định chơi thế nào và bao lâu là đủ để thư giãn.

Theo bà Kim, lý do là bởi khi sử dụng các thiết bị giải trí kỹ thuật số, não bộ của chúng ta phải sản sinh ra một lượng hoóc môn dopamin (loại hoóc môn thể hiện sự thoả mãn, vui sướng) quá lớn, khiến tâm thần của chúng ta được… “hưởng lợi” quá mức cần thiết.

 

 

Bà cũng giải thích thêm về ảnh hưởng của công nghệ đến đời sống thực: “Cho nên, lúc ra ngoài đời thực, chúng ta sẽ cần những loại ‘chất kích thích’ mạnh hơn để có thể khiến chúng ta thoả mãn”.

Lời giải thích này cũng giống như việc “được voi đòi tiên” – tức khi đã được hưởng nhiều lần này thì lần sau, tự nhiên chúng ta sẽ mong muốn được nhiều hơn thế.

Do vậy, trẻ em có thể dễ dàng bị nghiện bởi những chất hoá học và “hoóc môn thoả mãn” mà não bộ chúng sản sinh trong khi sử dụng những thiết bị công nghệ này.

Cách khắc phục

Các bậc phụ huynh không nên cấm đoán tuyệt đối mà chỉ nên hạn chế thời gian ngồi chơi iPhone, iPad của trẻ. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể đặt đồng hồ bấm giờ hay đồng hồ báo thức để trẻ phải dừng chơi ngay khi tiếng chuông đồng hồ reo.

Hơn nữa, cha mẹ cũng nên cất giấu những món đồ công nghệ này ở những nơi an toàn mà trẻ không thể tìm thấy được.

Những dấu hiệu nhận biết “độ nghiện” của trẻ


Các bậc cha mẹ được khuyến khích chú ý đến những thay đổi trong giờ giấc sinh hoạt cũng như trong cảm xúc của trẻ.

Bọn trẻ có thể trở nên nóng tính hơn,  trầm lắng, ít nói, ít vận động hẳn, hoặc cảm thấy không có động lực để làm những việc khác ngoài việc ngồi chơi iPhone, iPad.

Chúng có thể trở nên kém tập trung khi làm các bài tập về nhà. Ngoài ra, trẻ em cũng có thể gặp vấn đề trong các mối quan hệ bạn bè, gia đình ngoài đời thực.

Nghiêm trọng hơn, nếu chính các bậc cha mẹ cũng quá lạm dụng các thiết bị công nghệ thì họ cũng sẽ không thể kiểm soát tốt được thời gian sử dụng iPhone, iPad của con em mình.

PV (TH)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh