Nỗi lo trẻ nghiện thiết bị thông minh
- Y học 360
- 20:26 - 30/11/2014
Có nên cho trẻ sử dụng các thiết bị công nghệ thông minh? Đây là vấn đề nóng được bàn đến trong nhiều cuộc họp phụ huynh và các diễn đàn trao đổi kỹ năng làm cha mẹ. Nhiều người cho đó là bình thường, là hệ quả tất yếu của thời đại kỹ thuật số, nhưng không ít ông bố, bà mẹ thấy lo lắng khi con mình có biểu hiện nghiện các thiết bị điện tử như ti vi, máy tính, Ipad...
"Chiến tranh“ vì... con mê điện tử ?
Con xem ti vi, sử dụng máy tính, ipad thì mới thông minh- Đó là suy nghĩ của không ít bậc cha mẹ khi đưa các thiết bị số cho con sử dụng. Chị Liên, nhân viên ngân hàng có cậu con trai hơn 2 tuổi, bảo rằng: “Vẫn thường xuyên cho con xem ti vi và dùng ipad". Chị kể: “Mỗi khi đến bữa ăn mà bật đĩa Xuân Mai là thằng bé cứ dán mắt vào màn hình, miệng há như chim, ăn liền một lúc mấy bát cháo. Những lúc muốn rảnh rang làm việc, tôi liền dúi cho con cái ipad là xong. Mà trẻ con dạo này tiếp xúc với các thiết bị thông mình sớm có khác, chúng nó khôn lắm, cái gì cũng biết, không như thế hệ mình ngày xưa".
Rất nhiều bậc cha mẹ cũng có chung suy nghĩ như chị Liên. Nắm bắt tâm lý của trẻ là thích những hình ảnh động, màu sắc, vui nhộn, thế nên mỗi khi cho con ăn hoặc muốn con chơi ngoan, thì chương trình quảng cáo trên tivi, các đĩa nhạc thiếu nhi lại được bật lên, hoặc iphone, ipad dúi vào tay trẻ, để các bé chơi game, xem phim, nghe nhạc...
Việc ham mê game quá nhiều sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Ảnh: Mạnh Dũng.
Tuy vậy, không phải gia đình nào cũng thống nhất quan điểm trong việc cho trẻ sớm tiếp cận với các thiết bị điện tử. Thực tế trong nhiều gia đình, bố mẹ xảy ra "chiến tranh" cũng chỉ vì con nghiện máy tính. Anh Cường, chủ một cửa hàng điện tử- điện lạnh trên phố Lạc Trung, (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể: “Nhiều lúc phát điên lên vì con. Đi làm về mệt, đang nằm nghỉ trên nhà thì nghe tiếng la hét “giết, giết, cho mày chết đi này". Chạy vội xuống nhà thì thấy ông con đang ôm cái laptop của mẹ để chơi game, mà toàn game bạo lực bắn giết. Nói thì vợ không nghe, cứ hở ra là đưa máy cho con. Có hôm bực quá mình vụt con một roi, đúng là "con hư tại mẹ“. Chỉ vậy thôi mà nhà bỗng như cái chợ, con thì khóc ăn vạ, vợ thì làm ầm ĩ lên rồi mặt lầm lì cả tuần không thèm nói câu nào".
Chung nỗi lo như anh Cường, nhiều phụ huynh đã bắt đầu nhận thấy nguy cơ từ việc con trẻ nghiện thiết bị thông minh nên đã tìm biện pháp “đối phó”. Chị Hạnh, giáo viên Trường mầm non Nắng Thu (phố Ngọc Hà, quận Ba Đình), chia sẻ: “Trước đây mình cũng cho con xem ti vi và sử dụng điện thoại smartphone, sau thấy bé mê mẩn mấy thứ đó, bố mẹ đi làm về cũng không muốn nói chuyện, khách đến nhà cũng không ngước nhìn lên để chào, bởi mắt cứ dán chặt vào màn hình ti vi, điện thoại. Từ đó mình quán triệt với bác giúp việc là khi con ăn dứt khoát không bật tivi, điện thoại của bố mẹ cũng xóa hết tất cả các chương trình trò chơi”.
Tuy nhiên không phải trẻ nào cũng nghiện máy tính, mà một phần do hoàn cảnh. Nhà báo Nguyễn Thu Hằng cho biết: “Ở nhà con gái mình cũng mê máy tính, ipad. Cho đến hôm mình đưa con lên một resort ở Sơn Tây, cả ngày không tiếp xúc với ti vi, máy tính nhưng con vẫn rất vui vẻ. Thế mới biết, trẻ em thành phố bị nghiện các thiết bị công nghệ một phần cũng vì thiếu không gian vui chơi. Chỉ cần tìm cho trẻ một không gian vui chơi bổ ích, chúng sẽ không cần những thiết bị kia nữa”.
Trẻ tiếp cận công nghệ: Bao nhiêu thì đủ ?
Trong một khảo sát, nghiên cứu về trẻ em ở một số thành phố lớn của Trung tâm nghiên cứu, giáo dục đời sống xã hội TP. Hồ Chí Minh cho thấy: 78% trẻ dưới 6 tuổi đã tiếp xúc với thiết bị công nghệ số. Đến độ tuổi 12, gần 100% trẻ đã sử dụng các thiết bị hiện đại này. Sự tiếp xúc sớm với các thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính bảng, tivi... giúp trẻ tiếp cận với những thông tin, kiến thức mới, phát triển kỹ năng ngôn ngữ. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, việc sử dụng các thiết bị điện tử quá sớm dễ khiến trẻ bị “nghiện”, dẫn đến xao nhãng học hành, ít giao tiếp với cha mẹ và người thân, lười vận động, có nguy cơ mắc các bệnh về mắt. Đặc biệt, những nội dung thiếu lành mạnh trong máy sẽ ảnh hưởng không tốt tới tư tưởng của trẻ.
Nhiều bé được tiếp xúc với Ipad, Iphone từ rất sớm.
TS Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trẻ em tiếp xúc với thiết bị thông minh là một xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, cần phải có các nghiên cứu nghiêm túc về việc sử dụng công nghệ đối với lứa tuổi này sao cho hợp lý về thời gian, nội dung và mục đích sử dụng. Các thiết bị thông minh dễ gây nghiện và kiến thức có được từ nó không bao giờ bằng kiến thức tự nhiên xã hội bên ngoài. Do vậy, đối với trẻ dưới 6 tuổi, nên để các bé tham gia những hoạt động thô sơ, những trò chơi đơn giản thực tế, thay vì cung cấp các thiết bị số cho trẻ. Trên 6 tuổi, có thể cho trẻ sử dụng thiết bị thông minh khoảng 2 giờ vào ngày cuối tuần và cần định hướng cụ thể. Khi lên cấp 2, các con bắt đầu có ý thức thì cha mẹ cần quản lý chặt thời gian và nội dung. Học sinh cấp 3 nên học trên máy vi tính với thời gian quy định theo nội dung bài học ở trường.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thanh Nhân, cố vấn chương trình giáo dục và phát triển giải pháp NAHI Kids, cho rằng, thay vì cấm đoán, bố mẹ nên hướng trẻ tiếp cận với những thiết bị vừa học vừa chơi, đồng thời phân chia thời lượng học và chơi hợp lý. "Phụ huynh cũng nên tìm hiểu những phần mềm chặn website xấu, lọc hoặc sắp xếp nội dung phù hợp với trẻ. Khi ấy, bố mẹ sẽ không cần ngồi kế bên theo dõi con hoặc la mắng khi bé chơi quá thời gian, hoặc chơi game bạo lực. Việc này sẽ làm tăng tính tự lập cho trẻ, các em cảm thấy mình đã lớn, được tin tưởng và càng có trách nhiệm hơn với những hành động của mình".
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, tùy vào độ tuổi của trẻ mà giới hạn thời gian sử dụng phù hợp. Không nên cho trẻ ngồi chơi với thiết bị điện tử từ 1,5 đến 2 tiếng mỗi ngày để bảo vệ thị giác, sức khỏe cho các em. Điều quan trọng nhất, ngay từ bước đầu tiên khi quyết định chọn mua một sản phẩm công nghệ cho trẻ, phụ huynh nên tìm hiểu về sản phẩm, các chức năng hữu ích, nội dung vui chơi và học tập có phù hợp không, sản phẩm có công cụ quản lý cho cha mẹ không, kể cả những nhược điểm của thiết bị để có biện pháp quản lý tốt nhất. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể tải những ứng dụng quản lý trẻ sử dụng máy tính như Kids Place – Parental Control, NAHI Kids – NAHI Parental Control, Kid Read... |
Thái An