Trẻ em vùng khó khăn được tiếp cận phương pháp giáo dục tiên tiến
- Tây Y
- 13:27 - 28/11/2021
Theo báo Tiền phong, từ năm 2017 đến năm 2021, VVOB (Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật Vùng Fla-măng, Vương quốc Bỉ) đã triển khai thành công Dự án “Giảm thiểu rào cản đối với hoạt động học tập của trẻ mầm non tại các huyện khó khăn và có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống” (BAMI) tại địa bàn 3 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum.
Dự án tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý cấp Sở, Phòng GD&ĐT, hỗ trợ phát triển chuyên môn cho giáo viên và lãnh đạo nhà trường tại các cơ sở giáo dục mầm non nhằm giải quyết các rào cản về giới, ngôn ngữ và môi trường.
Sau 5 năm triển khai, dự án BAMI đã đạt được nhiều kết quả tích cực, mang lại nhiều thay đổi có ý nghĩa cho cán bộ quản lý cấp sở, phòng, cán bộ quản lý và giáo viên các trường mầm non, đặc biệt là những thay đổi tích cực ở trẻ mầm non tại những địa phương tham gia như:
Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn cho gần 3.000 giáo viên mầm mon và 500 cán bộ quản lý thuộc 18 huyện của 3 tỉnh dưới sự hướng dẫn của chuyên gia từ VVOB.
196 trường mầm non với gần 43.000 trẻ mầm non (trong đó 64% là trẻ dân tộc thiểu số) được tiếp cận với phương pháp giáo dục tiên tiến, góp phần đẩy mạnh việc “lấy trẻ làm trung tâm” và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non của tỉnh.
Bộ tài liệu Quan sát trẻ theo quá trình và Học thông qua chơi có đáp ứng giới do VVOB biên soạn được Bộ GD&ĐT thẩm định để được phép sử dụng trên phạm vi cả nước. Phương pháp tiếp cận Quan sát trẻ theo quá trình (POM) cũng đã được mở rộng đến 6 tỉnh khác ngoài dự án BAMI, được các trường đại học giáo dục và cao đẳng đào tạo có uy tín lựa chọn để đưa vào chương trình đào tạo mầm non.
Theo VTV, nhằm chia sẻ kinh nghiệm và kết quả đạt được từ dự án BAMI, ngày 27/11, VVOB đã tổ chức Hội thảo "Từ quan sát trẻ theo quá trình đến gỡ bỏ các rào cản học tập: Hướng tiếp cận mang lại cơ hội phát triển toàn diện cho trẻ mầm non".
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Karolina Rutkowska, Giám đốc Chương trình Quốc gia VVOB Việt Nam cho biết: Đặt mục tiêu nâng cao chất lượng học tập cho tất cả trẻ em 3-5 tuổi trong các cơ sở giáo dục mầm non bằng cách tăng cường năng lực cho đội ngũ giáo viên, dự án BAMI được triển khai với hai trọng tâm chính. Thứ nhất, nâng cao năng lực quan sát trẻ theo quá trình cho giáo viên, từ đó thấu hiểu về mức độ thoải mái và tham gia của trẻ trong lớp học. Nhận thức được sự khác nhau trong hành vi và sự tham gia của mỗi đứa trẻ sẽ giúp giáo viên điều chỉnh phương pháp tiếp cận phù hợp cho từng cá nhân trong lớp. Thứ hai, từ việc quan sát trẻ, giáo viên cũng đồng thời được nâng cao khả năng phát hiện những rào cản trong giáo dục tại địa phương, có thể là rào cản về giới, ngôn ngữ hay sự đa dạng về mặt văn hoá. Từ đó giáo viên chủ động trong việc tháo gỡ rào cản, đảm bảo tất cả trẻ đều được tiếp cận và tham gia sâu trong việc học tập.
Cô Đinh Thị Hồng Hạnh, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường Mầm non thị trấn Măng Đen, tỉnh Kon Tum cho biết, nhờ được tập huấn cùng chuyên gia VVOB mà trường đã có những sáng kiến trong công tác dạy học như việc triển khai các hoạt động trải nghiệm thực tế sử dụng đồng thời tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ cho trẻ đồng bào để tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Những thay đổi tích cực từ dự án BAMI đã tạo động lực cho các giáo viên tại trường tiếp tục suy ngẫm và thử áp dụng các phương pháp, kỹ thuật khác trong việc xây dựng một môi trường học tập giàu ngôn ngữ cho trẻ mầm non. Quá trình học tập - trải nghiệm - suy ngẫm - điều chỉnh của đội ngũ giáo viên được diễn ra liên tục cho phép giáo viên có những thay đổi, điều chỉnh trong phương pháp dạy và tổ chức các tiết học theo hướng mang lại hứng thú hơn cho trẻ. Điều này đã từng bước xóa bỏ rào cản ngôn ngữ - vốn khiến cho trẻ em đồng bào gặp nhiều khó khăn khi đến trường.
Theo PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ sau năm 2020, chương trình giáo dục mầm non mới của Việt Nam sẽ có rất nhiều điểm thay đổi và đổi mới, trong đó hướng đến ba mục tiêu quan trọng gồm: chương trình giáo dục mầm non đề cao tính tự chủ của nhà trường, cán bộ quản lý và giáo viên trong quá trình giảng dạy; nhà trường được phép phát triển chương trình học sao cho phù hợp với trẻ và với đặc thù địa phương, đồng thời đảm bảo phù hợp với khả năng học tập của trẻ chương trình giáo dục mầm non theo hướng tích hợp, toàn diện và lấy trẻ làm trung tâm, quan tâm tới trẻ em có nhu cầu đặc biệt, để không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau. Quan sát trẻ theo quá trình là một phương pháp tuyệt vời mà VVOB đã cống hiến cho ngành giáo dục Việt Nam. Mô hình và phương pháp này sẽ còn được nhân rộng tại tất cả các trường mầm non trên toàn quốc.