THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:12

Cách chăm sóc trẻ nhiễm HIV

Cần được vệ sinh sạch sẽ

Hàng ngày trẻ nhiễm HIV cần được tắm, vệ sinh thật sạch để đề phòng nhiễm trùng da, không để xây xước. Sau khi rời bệnh viện về gia đình, trẻ cần được chăm sóc cẩn thận trong môi trường vệ sinh sạch sẽ, an toàn, không khói thuốc lá, khói than, không nuôi vật nuôi trong nhà. Quần áo mặc cần thoáng mát về mùa hè và ấm về mùa đông. Sau khi trẻ đại tiện và vệ sinh xong cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng.

Đối với trẻ dưới 3 tuổi, nên dùng vải mềm, sạch nhúng nước sạch, lau sạch răng, lợi và miệng sau ăn. Nếu trẻ bị tưa miệng, có thể đánh tưa bằng mật ong, nước vò lá rau ngót. Nếu tái phát hoặc không khỏi trong 1 đến 2 tuần cần đưa trẻ đến bệnh viện. Với trẻ trên 3 tuổi, đánh răng buổi sáng, sau ăn và trước khi ngủ. Mỗi năm hai lần cho trẻ đi khám răng miệng. Dấu hiệu đầu tiên của trẻ nhiễm HIV có thể là những vết đau ở miệng, cần báo cho bác sĩ nha khoa để trẻ được thăm khám kịp thời.

Người chăm sóc và vệ sinh cho trẻ phải được huấn luyện cách phòng lây nhiễm HIV/AIDS như: Xử lý các dịch tiết hoặc máu bị dây bẩn, vệ sinh quần áo trẻ (ngâm trong nước javen hoặc luộc sôi trước khi giặt); sử dụng găng tay, áo choàng, khẩu trang... khi tiếp xúc với máu hoặc dịch tiết của trẻ, đặc biệt là khi thay răng sữa hoặc các vết thương chảy máu.

Trẻ em nhiễm HIV/AIDS được chăm sóc tại Trung tâm Giáo dục - Lao động số II Hà Nội.

Cần phải cho trẻ thăm khám kịp thời khi thấy những triệu chứng sốt, ho, thở nhanh, khó thở, chán ăn, gầy sút nhanh, xuất hiện những đốm trắng hay những vết đau trong miệng, xuất hiện những mụn không biến mất, đi ngoài phân có máu, tiêu chảy, nôn mửa, sởi, lao, thủy đậu hoặc các bệnh lây khác. Hàng tháng cần cho trẻ kiểm tra sức khỏe, thăm khám và xét nghiệm để phát hiện, điều trị dự phòng các biểu hiện sớm của nhiễm trùng cơ hội.

Trẻ nhiễm HIV cần nghỉ ngơi và ngủ nhiều hơn trẻ bình thường. Người thân nên dành nhiều thời gian chơi, nói chuyện, ôm ấp, giúp trẻ có đời sống tình cảm đầy đủ, ấm áp.

Không cho trẻ nhiễm HIV vừa bú mẹ, vừa ăn sữa ngoài

Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ nhiễm HIV có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giúp trẻ phát triển và tăng sức đề kháng, làm chậm quá trình chuyển sang AIDS.

Trẻ nhiễm HIV cần được nuôi dưỡng bằng các thức ăn tươi, bảo đảm vệ sinh thực phẩm, không dùng các thức ăn sống hoặc lưu trữ trong tủ lạnh, thức ăn tái, rau sống… Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất. Tuy nhiên, mẹ nhiễm HIV cho con bú có thể làm lây HIV cho con qua sữa mẹ, vì vậy có thể lựa chọn theo hai cách là cho ăn sữa ngoài hoặc bú mẹ.

Nếu đủ điều kiện, nên cho trẻ ăn các loại sữa khác để tránh cho trẻ không bị lây truyền HIV qua sữa mẹ, nhưng nhược điểm là trẻ dễ bị nhiễm khuẩn nếu pha sữa không đúng công thức, không vệ sinh. Sữa mẹ luôn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất, có các yếu tố chống nhiễm khuẩn giúp trẻ phòng, chống các bệnh nhiễm khuẩn và không mất tiền, nhưng nhược điểm là nguồn lây HIV từ mẹ sang con.

Khi đã chọn cách cho trẻ bú mẹ, cần cho bú mẹ hoàn toàn, tuyệt đối không bú song song với sữa công thức, không cho trẻ ăn, uống bất cứ thức ăn, nước uống nào khác kể cả nước lọc. Cho bú đúng cách, tránh để viêm nhiễm và xây xát đầu vú. Cần phải phát hiện và điều trị sớm viêm loét, tưa miệng ở trẻ.

Có thể diệt HIV bằng cách vắt sữa mẹ bằng tay hoặc dùng bơm, đun sôi rồi làm nguội ngay bằng cách ngâm cốc sữa vào nước lạnh. Chỉ nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong một vài tháng đầu vì thời gian bú mẹ càng dài thì nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con càng cao. Sau khi cai sữa, cho trẻ ăn sữa khác thay thế.

Đối với trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi, thực phẩm cho trẻ cần đủ 4 nhóm. Nấu bột hay cháo cần có thịt, cá, tôm, cua, đậu phụ, trứng hoặc lạc, vừng; rau, củ, quả như rau ngót, rau dền, rau muống, bí ngô. Thêm 1 - 2 thìa mỡ hay dầu ăn. Quả chín đặc biệt tốt cho trẻ nhiễm HIV.

Trên 2 tuổi, trẻ ăn 3 bữa chính cùng gia đình, mỗi bữa từ 1-2 bát, ưu tiên thức ăn giàu dinh dưỡng như thịt, cá, tôm, cua, trứng, đậu và rau xanh. Giữa các bữa ăn chính cần cho trẻ ăn thêm 2 bữa phụ là sữa, bánh, quả chín.Bữa ăn phải chế biến đảm bảo vệ sinh và đủ 4 nhóm: chất bột, chất đạm từ các loại thịt, đậu đỗ, chất béo, vitamin, chất khoáng và chất xơ. Ngoài ra, cần cho trẻ uống mỗi ngày từ 6-8 cốc nước (200ml/cốc) gồm nước đun sôi, nước rau và nước quả.

ĐỨC THỌ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh