Trẻ được chăm sóc tốt trong 1.000 ngày đầu đời sẽ phát triển toàn diện hơn
- Dược liệu
- 12:28 - 21/12/2022
Theo số liệu thống kê, hiện trẻ em vẫn đang phải đối mặt với các yếu tố nguy cơ trong giai đoạn 1.000 ngày đầu đời như: Thiếu máu, thiếu sắt, thiếu i ốt, suy dinh dưỡng bào thai, nhẹ cân khi sinh, bạo hành gia đình, trầm cảm lo âu ở phụ nữ mang thai... mà chưa có chính sách hoặc hoặc chương trình can thiệp trên diện rộng nào nhằm giúp đỡ cộng đồng cải thiện điều kiện chăm sóc trẻ tốt hơn.
Theo TS Trần Tuấn, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và đào tạo Phát triển cộng đồng: “1.000 ngày đầu đời của trẻ được tính từ khi thai nghén trong bụng mẹ cho tới khi trẻ sinh nhật tròn 2 tuổi. Đây là giai đoạn não bộ phát triển nhanh nhất, đây cũng là giai đoạn “vàng” để có thể tác động đến trẻ một cách tích cực. Cụ thể, nếu được đầu tư chăm sóc tốt trong giai đoạn “vàng” này, trẻ sẽ được cải thiện được các khả năng lúc trưởng thành như: Thành tích học tập, mức sống, sức khỏe, khả năng hồi phục, khả năng quản lý cuộc sống... Đặc biệt có thể giúp trẻ thích nghi tốt hoặc vượt qua được những tác động tiêu cực từ cuộc sống”.
Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu tại tỉnh Hà Nam, có tới 80% phụ nữ bị thiếu i ốt, 17% thiếu máu do thiếu sắt, 19% từng bị bạo hành gia đình; tỉ lệ trẻ sinh thiếu tháng là 14%... Đây là những con số rất đáng quan tâm, vì sức khỏe người phụ nữ khi mang thai có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ. Nhằm phổ biến và nâng cao năng lực chăm sóc trẻ em trong giai đoạn 1.000 ngày đầu đời trong cộng đồng, mô hình Câu lạc bộ Học tập cộng đồng vì sự phát triển toàn diện của trẻ đã ra đời nhằm cải thiện chỉ số phát triển của trẻ em nông thôn Việt Nam thông qua chương trình đào tạo tại cộng đồng. Đồng thời, dự án này cũng hướng đến thay đổi hành vi của bố mẹ trẻ và các thành viên trong gia đình theo hướng “tăng yếu tố tích cực, giảm yếu tố tiêu cực” trong chăm sóc phụ nữ mang thai và chăm sóc, nuôi dạy trẻ phát triển toàn diện trong 1000 ngày đầu đời.
Hiện các Câu lạc bộ thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt cho các bậc cha mẹ. Tại các buổi sinh hoạt, cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển cộng đồng hướng dẫn, thực hành các nội dung như: Kỹ năng sơ cấp cứu trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ; cách chơi kích thích phát triển với bé giúp bé thông minh, phát triển ngôn ngữ và nhanh nhẹn trong hoạt động; cách chuẩn bị cho cuộc đẻ (thở), chăm sóc sơ sinh (tắm bé, thay tã bỉm, vệ sinh, mát xa…). Các bậc phụ huynh còn được giải đáp các thắc mắc về vấn đề nuôi dạy con. Các trang thiết bị được cung cấp đều được sử dụng hiệu quả; các cha mẹ cũng được thực hành trên trang thiết bị đó và thực hành trực tiếp trên trẻ.
Thông qua buổi sinh hoạt Câu lạc bộ, giúp cha mẹ thực hiện các hành vi tốt và đúng khoa học trong chăm sóc con. Tạo lập môi trường giáo dục sớm (cung cấp các đồ dùng học tập theo kiểu học mà chơi, chơi mà học; tự làm đồ chơi bằng đồ sẵn có tại nhà; khuyến khích trẻ thực hiện các động tác sớm hơn so với độ tuổi; đọc sách cùng con). Đặc biệt, các cha mẹ sẽ có kỹ năng tương tác tích cực với trẻ (thực hiện dạy trẻ thông qua trò chơi, kích thích ở các lĩnh vực nhận thức trí tuệ, phát triển ngôn ngữ, dùng tay thực hiện các trò chơi thông minh, dạy con các vận động khó, như: cúi, khều, nhảy, đi ngang như con cua, đi nhón chân…). Qua đó, các bậc cha mẹ tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ sẽ giúp trẻ phát triển trí tuệ nhận thức, phát triển ngôn ngữ và khả năng vận động tinh (sử dụng bàn tay khéo léo để làm các hoạt động khó theo sự chỉ đạo của não bộ) và vận động thô (đi đứng bò trườn, chạy nhảy leo trèo) tốt hơn so với trẻ mà cha mẹ không tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ.