THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 04:12

Tre chưa già, măng… không được mọc

*Chấp nhận thiệt thòi

Vào nghề đúng lúc sân khấu kịch rơi vào khủng hoảng, bị khán giả quay lưng, nhiều diễn viên phải chấp nhận hoặc hoặc bỏ nghề. Không ít người theo nghề mười mấy năm trời vẫn phải chấp nhận lưng vốn khiêm tốn là vài ba vai “nhàn nhạt”, chả mấy ai nhớ tới.

Diễn viên trẻ Hoàng Tùng tâm sự, sau khi tốt nghiệp, dù biết kịch hình thể là loại hình nghệ thuật còn mới, đang trong giai đoạn thử nghiệm với rất nhiều gian khó và chưa biết có thành công hay không, nhưng vì yêu thích, nên anh vẫn quyết tâm đầu quân về Đoàn kịch thể nghiệm của Nhà hát Tuổi Trẻ. Vì mới xuất hiện trên sân khấu kịch Việt Nam nên nhiều diễn viên, lần đầu làm quen, không khỏi bỡ ngỡ với kịch hình thể, họ phải trông chờ rất nhiều vào đạo diễn.

“Đôi lúc diễn viên phải chấp nhận lỡ vai khi nhận thấy nhân vật nào đó rất hợp với mình nhưng không được giao, phần vì đạo diễn có cảm tình riêng với diễn viên khác, phần khác do quan niệm “tre chưa già, măng không được mọc” vốn chi phối nhiều người làm sân khấu bấy lâu. Bởi thế, có thời gian, sàn diễn là nơi tung hoành của các diễn viên đã có tên tuổi, thành tích, diễn viên trẻ chỉ được làm “cái bóng” hoặc đứng xem mà học tập”.

diễn viên trẻ sân khấuẢnh minh họa.

Chuyện diễn viên ít sáng tạo, chờ được thị phạm rồi mới làm theo là một thực tế của sân khấu hiện nay, tuy nhiên điều này không phải là thói quen của hầu hết diễn viên, nhiều người vẫn khát khao được bộc lộ khả năng trên sàn diễn.

Theo anh, việc diễn viên có chịu khó tư duy, sáng tạo trong diễn xuất hay không phụ thuộc vào ý thức nghề nghiệp của từng người. Với những diễn viên quyết tâm tạo dấu ấn trong sự nghiệp thì không cần chờ đạo diễn gợi ý, tự họ sẽ phải nghĩ cách làm thế nào để nhập vai cho tốt.

Tuy nhiên, khi bước lên sàn tập, tất cả đều phụ thuộc vào đạo diễn, chính đạo diễn mới là người quyết định cuối cùng diễn xuất của diễn viên, cũng như hiệu quả âm thanh, ánh sáng. Vì thế, sự sáng tạo của diễn viên phải được sự chấp thuận của đạo diễn.

“Muốn diễn viên phát huy hết khả năng sáng tạo, đạo diễn phải tạo đất diễn cho họ. Diễn viên không thể diễn xuất hay khi thiếu kinh nghiệm sống, thiếu người giúp họ thổi hồn, thắp lửa cho nhân vật. Đừng trách diễn viên trẻ, đổ hết lên đầu họ diễn kém, mà bản thân đạo diễn phải nắm được điểm mạnh yếu của từng diễn viên để giúp họ nhập vai nhuần nhuyễn, có chiều sâu”- NSND Lê Hùng, đạo diễn hàng đầu của sân khấu kịch, chia sẻ. 

Trớ trêu còn có trường hợp diễn viên phải nhận vai chính mà không hề thích. Một diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam tiết lộ, đồng nghiệp của anh, khi được giao vai chính trong một vở hài kịch đã tâm sự: “Thú thật là tôi rất lấn cấn với vai này. Diễn mãi mà không vào”. Song, khi đã được chỉ đạo thì dù không muốn vẫn phải làm, dẫu biết chắc khi hoàn thành sẽ bị đồng nghiệp chê tơi bời.

Thông thường khi được giao vai, diễn viên phải làm việc với đạo diễn về cách diễn xuất: tôi muốn nhân vật này phải diễn thế này, tình huống này phải xử lý thế này…nếu đạo diễn ok thì tốt, không thì… thôi.

diễn viên trẻ sân khấuẢnh minh họa.

Tuy nhiên, thực tế không phải diễn viên trẻ mới ra trường nào cũng dám nói điều đó, nhất là với các đạo diễn lão làng. “Thường các diễn viên mới vào nghề không dám đưa ý kiến, nhất là khi đã được đạo diễn vạch ra từng đường đi nước bước. Thôi thì cứ đi theo như thế cho an toàn”, diễn viên Hồ Liên, Nhà hát kịch Việt Nam cho biết.

*Bao giờ được toả sáng?

Không phủ nhận thực tế, các diễn viên trẻ sau khi ra trường khó bắt nhịp với đời sống sân khấu, thậm chí đạo diễn phải dạy lại từng điều cơ bản nhất.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, họ cũng phải chấp nhận sự thật, một số đạo diễn vì thích áp đặt diễn viên làm theo ý mình hoặc muốn cho xong việc sớm nên “thị phạm cho nhanh”, thậm chí có người thích giao vai cho một diễn viên có tiếng để câu khách cho dù người đó không thật sự hợp vai.

Đã qua rồi cái thời nghệ sĩ sống trong lòng khán giả bằng những vai diễn hóa thân đầy tính cách, số phận trên sân khấu. Ngày nay, diễn viên chỉ được khán giả nhớ mặt, biết tên khi đóng nhiều phim truyền hình, sàn diễn chỉ là nơi họ cống hiến một cách âm thầm, lặng lẽ.

“Tôi không buồn khi chưa có vai diễn nào ghi dấu ấn trong lòng khán giả bởi đây là tình trạng chung của sân khấu nhiều năm qua”, diễn viên Hồ Liên tâm sự sau hơn chục năm gắn bó với sàn diễn Nhà hát kịch Việt Nam.

Theo chị, có nhiều diễn viên được khán giả yêu thích trên truyền hình nhưng thật sự lại chưa làm được gì đáng kể trên sân khấu, sự nghiệp mà họ gắn bó cả đời.

Thậm chí, khi đem vở kịch nào đấy đi chào hàng cho các đơn vị, họ cũng chỉ để ý đến một vài cái tên quen thuộc, cho dù diễn viên ấy chỉ đóng vai phụ trong tác phẩm đó.

Ngày nay, diễn viên rất khó tạo dấu ấn trên sân khấu kịch vì thiếu kịch bản hay, tạo cho nhân vật nhiều đất diễn. Hơn nữa, một mình diễn viên không thể làm được gì dù có tài đến mấy, bởi vì vở diễn phụ thuộc vào cả một tập thể.

Chính vì thế, thi thoảng được chứng kiến đồng nghiệp thực sự toả sáng trên sân khấu kịch, nhiều diễn viên không khỏi chạnh lòng, cùng chung niềm đam mê, cống hiến và lao động hết mình nhưng không phải ai cũng có cơ hội trở thành "nghệ sĩ của nhân dân”.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh