THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:25

Trẻ bị bạo lực vì gia đình thiếu kiến thức nuôi dạy con

 

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo Can thiệp trợ giúp cho trẻ em bị bạo lực từ thực tiễn hoạt động của đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em 18001567 do Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức ngày 19/5, tại Hà Nội.

Theo số liệu từ Đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em, từ năm 2004 đến nay, Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em đã tiếp nhận trên 2,5 triệu cuộc gọi của người lớn và trẻ em trên toàn quốc. Trong đó có trên 300 nghìn ca tư vấn, trên 3.500 trường hợp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục, trẻ em bị mua bán, trẻ khuyết tật, mồ côi, bị tai nạn thương tích, trẻ chưa được làm giấy khai sinh… đã được Đường dây can thiệp trợ giúp.

 

Gọi điện đến Tổng đài tư vấn 18001567 hoàn toàn miễn phí.

 

Phó trưởng phòng Dịch vụ tư vấn, Trưởng Tổng đài 18001567 Hoàng Lê Thủy cho biết, nhiều vụ việc, người báo thông tin về trẻ bị bạo lực cũng chính là nạn nhân của bạo lực gia đình nhưng địa phương chưa xử lý mạnh, thậm chí yêu cầu người thông báo chỉ được đến báo cho UBND xã chứ không được gọi tới Tổng đài 18001567. Trong quá trình can thiệp trợ giúp trẻ em bị bạo lực, đường dây tư vấn gặp không ít khó khăn. Nhiều địa phương phản hồi gặp khó khăn trong quá trình tách trẻ ra khỏi môi trường gia đình gây bạo lực do trẻ không chịu rời khỏi gia đình và bản thân các thành viên trong gia đình không có sự đồng thuận trong việc tách trẻ. Do đó, với các ca này chủ yếu giao cho cán bộ xã theo dõi trường hợp. Nhiều vụ việc được thông báo là bạo lực trẻ em nhưng chính trẻ em lại không được tiếp cận để hỏi chuyện, đánh giá tổn thương và cảm xúc hay những mong muốn của trẻ mà cán bộ chỉ trò chuyện, làm việc với cha/mẹ. Điều này là đốt cháy giai đoạn, không đánh giá hết được mức độ nghiêm trọng của vụ việc cũng như tình trạng tổn thương của trẻ.

 

Tập huấn cho trẻ em kiến thức phòng, chống bạo lực.

 

Theo bà Thủy, tình trạng cán bộ làm công tác trẻ em thiếu và yếu xuất hiện ở nhiều địa phương. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này là việc thường xuyên thay đổi cán bộ, cán bộ địa phương kiêm nhiệm quá nhiều việc, đồng thời cán bộ chưa được đào tạo chuyên nghiệp về trợ giúp trẻ em, về công tác xã hội dẫn đến việc phát hiện trẻ em bị bạo lực, xâm hại chậm trễ cũng như xử lý qua loa vụ việc. Có những  trường hợp, nhân viên tư vấn phải yêu cầu cán bộ địa phương làm rõ những chi tiết mâu thuẫn trong báo cáo từ phía địa phương. Việc thiếu các dịch vụ trợ giúp cho trẻ bị bạo lực tại các địa phương cũng là một trong những khó khăn lớn. Một số dịch vụ cần thiết cho trẻ như: dịch vụ y tế, tạm lánh, dịch vụ trợ giúp tham vấn trị liệu tâm lý, dịch vụ trợ giúp pháp lý, dịch vụ giáo dục, việc làm cho trẻ… cần được xác định cụ thể tại mỗi địa phương và cần được xem xét để tháo gỡ các rào cản trong việc cung cấp các dịch vụ này cho trẻ. Có trường hợp, người cung cấp thông tin khẳng định có tình trạng bạo lực trẻ em tuy nhiên lại từ chối làm việc với cán bộ địa phương do sợ thông tin về bản thân không được bảo mật, bị trả thù. “Tại một số địa phương xảy ra tình trạng, mặc dù  nhân viên tư vấn đã trao đổi rõ ràng về bản thân như tên, đơn vị công tác, số điện thoại, các thông tin cần nắm bắt liên quan tới vụ việc xảy ra… tuy nhiên cán bộ địa phương đã từ chối hợp tác với lý do chỉ phản hồi khi có công văn gửi xuống, còn liên lạc qua điện thoại, email không đủ căn cứ tin tưởng để cùng phối hợp dù vụ việc cần hỗ trợ càng sớm càng tốt”, bà Thủy thông tin.

 

Luật Trẻ em 2016 qui định: Chính phủ thiết lập Tổng đài điện thoại quốc gia thường trực để tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em; quy định quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em. Ngày 9/5/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 56/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em trong đó đã quy định rõ nhiệm vụ của Tổng đài điện thoại quốc gia Bảo vệ trẻ em và các điều kiện đảm bảo hoạt động của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh