Trâu chọi thật - Trâu chọi rởm
- Văn hóa - Giải trí
- 18:41 - 23/03/2015
Có thể những người sống ở thị thành, các trọng tài, thậm chí cả ban tổ chức hội chọi trâu trên cho đó là chuyện lạ. nhưng đối với những người sinh ra ở nông thôn, quen với con trâu đi trước cái cày đi sau thì đấy là chuyện quá đỗi bình thường. Không những thế, họ còn cười nhạo trọng tài lẫn ban tổ chức dựng lên cái hội chọi trâu mà chẳng hiểu gì về trâu.
Nếu trâu có một chút tư duy của con người thôi, chắc nó cũng phì cười quặc lại: Thế mà các ngươi cứ bảo, đàn gẩy tai trâu, tổ chức như thế ai là trâu, ai là người đánh đàn?Người đời đã rút ra quy luật: Súc vật ở với nhau càng gắn bó, yêu thương nhau, còn con người ở với nhau dễ sinh ra mâu thuẫn, ghét nhau. Thế mới có chuyện con sư tử đầu đàn, con khỉ đầu đàn, con trâu đầu đàn,...
Sau con đầu đàn những con khác trong đàn biết lực của mình tự điều chỉnh thứ hạng, không cần con đầu đàn ban hành văn bản. Đấy là lý do 2 con trâu ở cạnh nhau không chịu xông vào tranh cao thấp, con khỏe hơn cũng chẳng vì bị xúi giục, xua đuổi mà nhẫn tâm xông vào đánh con yếu.
Giá trâu đắt cắt cổ nhưng nhiều người vẫn mua với hi vọng mang lại may mắn.
Nếu nhìn kỹ vào mắt trâu lúc ấy, và nếu trọng tài và những người của ban tổ chức hội chọi trâu có kiến thức sơ đẳng về trâu sẽ thấy 2 con trâu đang dở khóc dở cười. Chúng như muốn ngửa mặt lên trời mà than: “Sao cái đám lộn xộn kia dở hơi thế, bọn tao chỉ tranh tài với trâu khác đàn, chứ trâu một bầy chúng tao tự phân cao thấp rồi, bắt phải đấu là xúc phạm danh dự, trâu phẩm”.
“Nghề chơi cũng lắm công phu”, gọi chọi trâu là một thú chơi, thì thú chơi này cực kỳ công phu, cực kỳ tốn kém. Có người đã bỏ công , bỏ của đi sang Lào, sang Thái, sang Myanmar,... săn tìm mua trâu chọi.
Ròng rã nhiều năm trời, họ nuôi nấng, chăm bẵm, huấn luyện, coi trâu như báu vật. Khi trâu trưởng thành, đợi đến ngày hội, họ cho trâu xuất trận, vừa mua vui cho mọi người, vừa hồi hộp, nóng lòng mong chờ chiến thắng. Bởi đấy là danh dự nghề nghiệp, danh dự của họ tộc, thậm chí là danh dự của làng, của xã.Tiếc thay cái đẹp của chọi trâu, cái tinh túy, hấp dẫn của chọi trâu đang bị lạm dụng, đang bị thị trường hóa.
Trâu chọi không ra trâu chọi; người tổ chức chẳng hiểu gì về trâu, cái đích họ coi trọng đặt lên hàng đầu là lợi nhuận. Kiếm được thì lần sau háo hức tổ chức tiếp. Lỗ ấy à, bai bai, chẳng có lần sau nữa đâu! Thế mới sinh ra chuyện mua trâu thịt đem ra hội chọi trâu để được gắn mác trâu chọi đem về xẻ thịt bán với giá gấp 2-3 lần trâu thường.