Trao quyền và nâng cao năng lực cho phụ nữ Việt trong hành trình khởi nghiệp
- Dược liệu
- 09:42 - 16/10/2023
Chương trình đã tổ chức các buổi tập huấn trực tiếp tại địa phương, các khóa học trực tuyến cùng Học viện Phụ nữ, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (LHPN), tổ chức gameshow để chị em có sân chơi phát huy tài năng và ý tưởng của mình. Năm 2022, chương trình đã đào tạo hơn 22.000 phụ nữ và tiếp tục hỗ trợ vốn cho 30 dự án khởi nghiệp tiềm năng.
Tại lễ tổng kết chương trình năm 2023 (ngày 14/10 tại Hà Nội), đại diện của 10 dự án đoạt giải Nhất từ 10 tỉnh đã được trao bằng khen và nhận hỗ trợ vốn. Tổng cộng từ năm 2020 tới nay, chương trình đã được triển khai ở 32 tỉnh thành trên cả nước, tập huấn nâng cao năng lực kiến thức cho hơn 100.000 chị em phụ nữ, hỗ trợ cấp vốn và trao giải cho hàng trăm sáng kiến kinh doanh tiêu biểu.
Chị Bùi Kim Ngân, sáng lập của Cơ sở tái chế quần jeans, một trong những mô hình kinh doanh được hỗ trợ thông qua chương trình “Khi phụ nữ làm chủ” chia sẻ, Ngân rất trân trọng những hỗ trợ từ Hội LHPN Việt Nam và nhà tài trợ, đặc biệt là những lời khuyên hữu ích từ chương trình “Khi phụ nữ làm chủ” đã giúp Ngân rất nhiều trên hành trình phát triển lâu dài cho dự án tái chế quần jean của mình, đem lại những giá trị hữu ích cho xã hội. Sau sự kiện, Ngân nhận được nhiều quan tâm hơn về dự án và có nguồn vốn để mở rộng quy mô doanh nghiệp của mình. Đó là những điều mình rất biết ơn”. Thông qua việc sử dụng chất liệu có sẵn, thay vì nguồn nguyên liệu mới, cơ sở của chị Ngân đã góp phần hạn chế rác thải và sự ảnh hưởng tới môi trường. Với tiêu chí tận dụng tối đa những chiếc quần jeans cũ, chị đã lan tỏa mạnh mẽ lối sống xanh đến với khách hàng cũng như cộng đồng.
Chị Hoàng Bích Ngọc, Chủ tịch Hợp tác xã thôn Nà Pái, chia sẻ, áp lực từ xuất thân người dân tộc bước ra ngoài xã hội để lập nghiệp và phát triển sự nghiệp đã hoàn toàn được xóa bỏ nhờ sự hỗ trợ gọi vốn, hướng dẫn đầy nghĩa tình từ dự án “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế”. Những bài học, hướng dẫn từ chương trình để ngày càng nhiều chị em phụ nữ tự tin bước ra ngoài xã hội, góp ích cho đời là điều mà Ngọc rất trân quý.”
Với sự hỗ trợ từ chương trình, mô hình kinh doanh của chị Ngọc đã tạo việc làm và tăng thu nhập cho phụ nữ trong thôn, đồng thời nâng cao chất lượng đời sống và đem công nghệ thông tin đến gần hơn với người dân địa phương.
Bước sang giai đoạn mới năm 2024, Unilever Sunlight với sáng kiến “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” sẽ đồng hành với cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp quốc gia” năm 2024 do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức. Đây là hoạt động quan trọng nằm trong Đề án quốc gia Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025. Với chủ đề “Sáng tạo và chuyển đổi xanh”, cuộc thi hướng đến mô hình kinh doanh mới sản xuất hữu cơ, thân thiện với môi trường, sử dụng nguồn năng lượng xanh... nhằm đáp ứng mục tiêu đảm bảo quá trình chuyển đổi xanh phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 của Chính phủ. Đồng hành cùng phụ nữ Việt trong giai đoạn chuẩn bị cho cuộc thi, chương trình “Phụ Nữ Việt tự tin làm kinh tế” sẽ bắt đầu các đợt tập huấn từ tháng 11/2023, hướng tới đào tạo 24.000 phụ nữ thông qua 2 mô hình trực tiếp tại địa phương và trực tuyến, trang bị kiến thức, kỹ năng cho chị em chinh phục cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp”.
Đối với mô hình tập huấn trực tiếp, 10 tỉnh thành sẽ là điểm dừng chân tiếp theo của “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” năm 2024 bao gồm Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Vũng Tàu, Gia Lai; nâng tổng số các địa phương tổ chức chương trình lên 42 tỉnh thành. Với chương trình trực tuyến, bắt đầu từ tháng 11/2023, chị em phụ nữ trên cả nước có thể đăng ký tham gia khóa đào tạo miễn phí thông qua website của Học viện phụ nữ Việt Nam. Dự kiến khóa đào tạo online này sẽ giúp ít nhất 20.000 phụ nữ khắp cả nước có thể linh động tham gia khóa học để củng cố kỹ năng kinh doanh căn bản cũng như bổ sung kiến thức cho cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp”.