Trào lưu kinh doanh gà độc, lạ cho năm Đinh Dậu
- Văn hóa - Giải trí
- 22:10 - 31/10/2016
Ở Bình Dương, hiện có hàng trăm giống gà kiểng đã chuẩn bị bung hàng vào dịp Tết Đinh Dậu. Số người đến tìm hiểu và đặt mua gà cũng nhộn nhịp hơn hẳn. Loại thường khoảng vài triệu một cặp. Với con có dáng độc lạ, giá vài chục triệu phải đặt trước cả tháng.
Chúng được chăm sóc đặc biệt để bộ lông luôn bóng mượt, màu sắc tươi sáng, tắm rửa mỗi tuần hai lần. Sự đầu tư kỹ lưỡng giúp các chủ trại nuôi thành công nhiều loại gà quý.
Gà Onagadori đạt độ dài đuôi tối đa lên đến 7m.
Tại trang trại ở Bình Dương của anh Phan Văn Hồng quy tụ những con gà quý hiếm trong và ngoài nước. Do nguồn hàng độc nên cung không đáp ứng đủ cầu. "Tôi đang nuôi khoảng 10 giống gà lạ nhất trên thế giới. Do năm sau là Tết Đinh Dậu nên nhu cầu mua gà lạ khá cao. Từ nay tới Tết, tôi không nhận đặt hàng các giống gà kỳ lân, gà mặt quỷ nữa vì không đủ nguồn", anh Hồng cho biết.
Một trong những giống gà quý ở trang trại của anh là Onagadori được nhập về từ Nhật Bản, có đuôi dài nhất thế giới, con trưởng thành có thể sở hữu bộ đuôi dài đến 7m. Đây cũng là giống được người chơi ở Việt Nam chú ý, bởi vẻ đẹp thanh tao, giá khoảng 65 triệu đồng một cặp. Còn một giống khác là gà mặt quỷ nhập từ đảo Java của Indonesia, dáng vóc thon gọn, toàn thân đen tuyền. Màu sắc đặc trưng cùng khuôn mặt sắc cạnh khiến nhiều người muốn sở hữu dù phải bỏ ra 25-35 triệu đồng để mua một cặp.
Gà mặt quỷ toàn thân đen tuyền.
Những ai thích dáng vẻ dũng mãnh của chúa tể rừng xanh có thể chọn gà vảy cá Ba Lan có lông quanh đầu xù lên như bờm sư tử thể hiện sự dũng mãnh, uy nghiêm. Giá một cặp bố mẹ khoảng 25 triệu đồng, còn gà con là 2,5-3 triệu đồng. Hay gà Silkieki khá hút hàng nhờ kiểu dáng lông xù đi kèm với đôi tai thỏ khá lạ mắt.
Nhận định nhu cầu gà đẹp lạ sẽ tăng cao trong Tết Đinh Dậu, những người chơi gà ở Tây Ninh đã đẩy mạnh nuôi gà chín cựa và lông xù. Gà chín cựa vốn nổi tiếng trong truyền thuyết nên khi biết ở Phú Thọ có loài này, những chủ trại gà đã tìm hiểu và nhân giống thành công. Với gà lông xù, nếu chăm sóc kỹ, lấy bàn chải vệ sinh kỹ bộ lông rồi dùng máy sấy khô, bộ lông sẽ bung ra rất đẹp không thua gì những giống chó kiểng lông xù danh tiếng. Gà lông xù được người chơi trên cả nước ưa chuộng, còn mẫu chín cựa chủ yếu từ miền Trung trở vào miền Nam.
Ấp ủ ý tưởng kinh doanh gà độc lạ cho dịp Tết 2017, công ty Minh Long I cho người đi đến nhiều trại gà kiểng để nghiên cứu nhằm tái hiện những nét đẹp nhất của loài gà lên chất liệu sứ làm sao phải sống động như gà thật.
Để hiện thực hóa ý tưởng này, các nghệ nhân chụp hình những mẫu gà nổi tiếng, sưu tầm hình ảnh gà trên mạng và nuôi một số giống đẹp tại nhà để đúc kết kiểu dáng chuẩn, tiêu biểu.
Ông Lý Ngọc Minh - Tổng giám đốc Công ty Minh Long I cùng các nghệ nhân bàn thảo ý tưởng, chọn hình mẫu chuẩn, dáng vẻ, màu sắc, nguyên liệu mất hơn 3 tháng. Cuối cùng, bản mẫu gà trống mang tên Đại Cát và gà mái An Gia đã được chọn để chế tác nên linh vật cho năm mới - Đinh Dậu 2017, sau 2 năm nghiên cứu.
"Các nghệ nhân của chúng tôi đã tạo hình linh vật gà trống cân đối, hài hòa, phối hợp đa dạng sắc màu, thể hiện khí chất kiêu hãnh, mang phong cách nghệ thuật tả thực hiện đại. Chiếc mào đỏ thắm vươn cao ngạo nghễ cùng ánh mắt hướng chính diện cho thấy sự chính trực của đấng nam nhi", ông Minh chia sẻ.
Linh vật gà trống Đại Cát bằng gốm sứ của Công ty Minh Long I.
Công ty Minh Long cho biết nhờ sử dụng kỹ thuật màu dưới men với nhiệt độ nung trên 1.200 độ C nên bộ lông gà trống có dải màu phong phú, tươi tắn, thể hiện rõ đến từng chi tiết. Đây là kỹ thuật khó, ít có hãng gốm sứ nào trên thế giới làm được. Thông, thường để đạt nhiều màu sắc như vậy, sản phẩm chỉ nung ở mức 850 độ C, hạn chế về độ bền cũng như chiều sâu của màu. Còn khi chuyển qua 1.200 độ C trở lên, nếu không có kinh nghiệm xử lý nhiệt, màu sẽ bị tan chảy gây nhòe, sai lệch sắc màu thật của từng bộ phận.
"Đây là một cuộc cách mạng màu trên sứ, cho phép nghệ nhân thỏa sức sáng tạo nhiều màu sắc tươi tắn mà không lo bị giới hạn về nhiệt độ. Vì vậy, dù lấy ý tưởng từ con vật quen thuộc nhưng tác phẩm vẫn cuốn hút nhờ sự sống động, có chiều sâu về sắc màu, mang thông điệp lời chúc tự tin, may mắn mà nghệ nhân muốn gửi đến chủ sở hữu", ông Minh nhấn mạnh.
Bên cạnh gà trống Đại Cát thiên về sự nổi bật, mạnh mẽ của người đàn ông làm chủ gia đình, tượng gà mái An Gia chuyển tải hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiền hậu, đảm đang, yêu thương chồng con, luôn vun vén chu toàn cuộc sống gia đình qua từng việc nhỏ. Điều này cũng thể hiện lời chúc gia đình năm mới yên ấm, an lành, vui tươi và hạnh phúc.
Gắn bó với cuộc sống con người, tôn giáo và thần thoại, gà trống hiện diện rất nhiều trong các nền văn hóa phương Đông, tướng mạo con vật này hệt như một quân tử, hội tụ 5 đức tính tốt của nam giới là văn, vũ, dũng, nhân và tín.
Tại Việt Nam, hình ảnh gà trống rất gần gũi với người nông dân qua tiếng gáy chào đón ngày mới và thể hiện một mùa màng no đủ. Nó còn ghi dấu ấn đậm nét trong thơ ca, văn học, gần gũi với văn hóa và tín ngưỡng của một xã hội thuần nông..
Còn theo truyền thuyết phương Tây, gà trống là linh vật tượng trưng cho thần Ares, Athena và Heracles. Về mặt phong thủy, bài trí gà trống trong nhà mang lại hạnh phúc, may mắn, công việc thuận lợi. Gà trống bằng sứ còn được xem là linh vật điềm lành.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?
Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc