THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:16

Trao cơ hội, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp

 

 Đây là lần thứ hai Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, lắng nghe những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp 

 

Hội nghị có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; các Phó Thủ tướng Chính phủ; các thành viên Chính phủ; các định chế tài chính; các hiệp hội, hội nghề nghiệp và đặc biệt là 2.000 đại biểu là các DN, doanh nhân trực tiếp tham dự Hội nghị và khoảng gần 10.000 đại biểu dự Hội nghị qua hình thức trực tuyến tại 63 tỉnh, thành trên cả nước.

Cải cách thủ tục hành chính, gỡ khó cho DN

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng cho biết, Hội nghị lần thứ nhất tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh không chỉ tiếp thêm sức mạnh cho DN mà cho cả Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương khi Chính phủ mới bước vào một nhiệm kỳ mới trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và thách thức. Theo Thủ tướng, sau khi nghe phát biểu của cộng đồng DN tại Hội nghị, Chính phủ, các Bộ ngành sẽ đối chiếu lại để xây dựng thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN, doanh nhân. Theo đó, sẽ kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích đầu tư, bảo đảm thực thi pháp luật đồng thời, cải cách thủ tục hành chính, gỡ khó cho DN.

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, nhấn mạnh những kết quả cụ thể, toàn diện đã đạt được sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 35, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, Lãnh đạo Chính phủ, nhiều bộ ngành địa phương đã vào cuộc quyết liệt. Thủ tướng đã làm được những việc ấm lòng, thực sự tiếp sức cho DN. Tuy nhiên, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, thực tế vẫn còn không ít khó khăn do tích tụ từ thời gian trước để lại. Việt Nam đang là một nền kinh tế có chi phí kinh doanh lớn nhất trong khu vực cả chính thức và không chính thức.

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các doanh nhân tại Hội nghị

 

Điều đáng nói là tại Hội nghị, nhiều DN vẫn phàn nàn về thái độ phục vụ của người thực thi công vụ. Theo đại diện các DN, mọi sự cải cách của Chính phủ sẽ là vô nghĩa nếu cán bộ thờ ơ, không chuyển động. Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân cho biết, dù đã có nhiều cải cách nhưng DN vẫn chịu nhiều gánh nặng cả về chi phí chính thức và không chính thức (chi phí không chính thức trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, tiếp cận vốn ngân hàng, chấp hành pháp luật thuế, môi trường, an toàn thực phẩm... còn cao). Điều này thể hiện ở sự thờ ơ của những người thừa hành công vụ: Không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không đầy đủ cho doanh nghiệp, tìm cách bắt lỗi DN, quan liêu, chưa coi DN là đối tượng phục vụ. Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí cho rằng, Nghị quyết 35 của Chính phủ là cơ sở pháp lý rất quan trọng để DN phát triển. Theo ông Trí, nhận thức và trách nhiệm hỗ trợ và phát triển DN ở cấp Trung ương rất lớn, nhưng ở địa phương còn chưa còn đồng bộ, đồng thời đề nghị Chính phủ tăng cường kiểm tra việc thực hiện ở cấp dưới, xử lý nghiêm một số trường hợp vi phạm để răn đe. Đồng thời rà soát lại các thủ tục hành chính, sửa đổi những bất cập, đẩy mạnh công khai minh bạch…

Chính phủ và địa phương đã “gãi đúng chỗ ngứa”

Tại Hội nghị, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ phải xây dựng và bảo đảm môi trường kinh doanh tốt, thân thiện với kinh doanh, có năng lực cạnh tranh cao; không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn an toàn với người đầu tư, kinh doanh, tài sản, vốn đầu tư; không chỉ chi phí giao dịch thấp mà còn rủi ro thấp; không chỉ độc quyền kinh doanh được kiểm soát mà còn chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả để bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng, hiệu quả; các nhà đầu tư, DN không chỉ được tôn trọng mà còn được vinh danh; môi trường kinh doanh có độ tin cậy cao, vững chắc để mọi người yên tâm đầu tư và mở rộng kinh doanh. “Trong một năm qua, Chính phủ và các địa phương đã “gãi đúng chỗ” chứ không phải “ngứa trên đầu, gãi dưới chân”, mặc dù chưa hoàn thiện nhưng so với Hội nghị lần trước tổ chức tại TP HCM thì tính gay gắt đã giảm đi rất nhiều. Lần này chủ yếu là các ý kiến góp ý, cách làm cụ thể, phương pháp tính toán cụ thể để giảm phiền hà cho DN”, Thủ tướng nói.

Trên tinh thần chuyển lời nói thành hành động, trước kiến nghị quá nhiều đoàn thanh kiểm tra trong năm, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan xây dựng ngay một Chỉ thị là không được thanh tra, kiểm tra 1 năm quá 1 lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng. Về thể chế, chính sách, chưa giải quyết được các vấn đề còn mâu thuẫn trong các văn bản dưới luật, chính sách ban hành chưa  đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Thủ tướng khẳng định phải xây dựng một thể chế chính sách bình đẳng giữa công và tư nhân, phù hợp với thông lệ quốc tế. Thể chế và chính sách về kinh tế cần tháo gỡ liên tục, tạo môi trường đầu tư minh bạch dễ dàng áp dụng…

 

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và doanh nhân bên lề Hội nghị

 

Tiếp tục giảm phí, giảm gánh nặng cho DN

Thủ tướng cho rằng, những vấn đề tồn tại về thuế, phí còn cao, không chỉ những chi phí liên quan đến thủ tục hành chính mà còn liên quan đến phí sử dụng công trình BOT, bến bãi, cảng biển, cầu đường..., đặc biệt chi phí không chính thức, phí bôi trơn, DN còn gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng, vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản đã thỏa thuận rất nhiều nhưng chưa xử lý triệt để được. Thủ tướng cam kết sẽ có một chương trình hành động cụ thể sau, vì đây là vấn đề mà chính phủ đang rất trăn trở. Và năm nay tiếp tục là năm giảm phí cho DN.

Nhằm tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích đầu tư, bảo đảm thực thi pháp luật, Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm môi trường chính trị và vĩ mô ổn định, bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật từ Trung ương đến địa phương; Theo đuổi mục tiêu phát triển bao trùm một cách xuyên suốt, nhất quán; Hoàn thiện, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba các dự án luật, trong đó có dự án Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa; nhanh chóng ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành…

Chính phủ tiếp tục rà soát các quy định và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp như chi phí thủ tục hành chính về thuế, hải quan, giấy phép, phí BOT, chi phí về logicstic, chi phí sử dụng các công trình dịch vụ công, nhất là chi phí kiểm định, thẩm định, giám định, các chi phí kiểm tra khác của Nhà nước; Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam.

Trong thời gian tới, Chính phủ cam kết sẽ tập trung giải quyết 2 vấn đề then chốt là tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích đầu tư, bảo đảm thực thi pháp luật và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam, tối ưu hóa các thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với hàng loạt các giải pháp cụ thể. Thủ tướng Chính phủ mong muốn cộng đồng DN phải tự đổi mới, tự cải cách, tự phát triển trong xu thế hội nhập, trong môi trường đầu tư kinh doanh mà Chính phủ đang đặt ra, là tạo điều kiện cho các DN, các thành phần kinh tế phát triển ở Việt Nam.

HUYỀN MINH - MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh