THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 02:33

Trao cơ hội để phụ nữ phát huy hết thế mạnh

 

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết, Bộ LĐ-TB&XH chủ trì Diễn đàn phụ nữ và kinh tế APEC dự kiến tổ chức từ 26 – 29/9 tại TP Huế. Diễn đàn quy tụ khoảng 500 đại biểu là các Bộ trưởng/ Trưởng đoàn của 21 nền kinh tế; các Trưởng nhóm công tác của APEC; các đại biểu đến từ khu vực công và tư của 21 nền kinh tế trong APEC, các tập đoàn, tổ chức quốc tế lớn như Liên hợp quốc, Ngân hàng thế giới, quỹ tiền tệ quốc tế. Bộ LĐ-TB&XH chọn chủ đề Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế năm 2017 là: “Tăng trưởng bao trùm có lợi cho phụ nữ: Vì một APEC thịnh vượng và phát triển” để các đại biểu cùng thảo luận. “Việc lựa chọn chủ đề phải thống nhất với Chủ đề chung của năm APEC 2017 (Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung); thể hiện được mối quan tâm chung của 21 nền kinh tế APEC; đồng thời tạo được dấu ấn, sáng tạo của Việt Nam trong vai trò nước chủ nhà”, Thứ trưởng Đàm nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm phát biểu tại hội thảo.

 

Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) Hoàng Thị Thu Huyền cho hay, chủ đề của Diễn đàn được diễn giải bằng 3 nội dung ưu tiên: “Bình đẳng giới, nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao trùm”, “Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ”, “Thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Theo bà Huyền, ưu tiên về “Bình đẳng giới, nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao trùm” sẽ tập trung vào 3 nội dung: Đó là rút ngắn khoảng cách về giới trong tiếp cận với công việc tốt, tài sản và kỹ năng. Hiện nay, Việt Nam cũng như các nền kinh tế APEC khác còn tồn tại những khác biệt đáng kể trong việc làm và cơ hội thu nhập giữa các nhóm phụ nữ và nam giới khác nhau. Những khác biệt không chỉ là sự chênh lệch trong số lượng phụ nữ và nam giới có việc làm, mà còn liên quan đến các hình thức phân biệt nghề nghiệp và phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới. Phụ nữ phần lớn không được trả lương ở gia đình, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, và tiếp cận rất hạn chế đến nguồn lực sản xuất.

APEC đang xây dựng sáng kiến “Phụ nữ khỏe mạnh, nền kinh tế khỏe mạnh”, vì vậy Bộ LĐ-TB&XH chọn nội dung tiếp theo là tất cả phụ nữ được thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Bởi các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho phụ nữ và trẻ em gái sẽ giúp họ có cơ hội tham gia vào hoạt động kinh tế nhiều hơn, từ đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn.

Nội dung thứ 3 là tăng mức đầu tư công vào các dịch vụ xã hội và cơ sở hạ tầng. Bởi đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công sẽ giảm bớt và tái phân phối các công việc gia đình và chăm sóc không được trả lương của phụ nữ.

Lao động nữ vẫn đang chịu nhiều thiệt thòi.

 

Bà Huyền thông tin, ưu tiên thứ 2 của Diễn đàn là: “Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) do phụ nữ làm chủ”. Theo đó, ưu tiên này sẽ tập trung vào 2 nội dung. Trước hết là đầu tư phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ/hộ kinh doanh cá thể do nữ làm chủ trở thành doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi doanh nghiệp siêu nhỏ, nhà và vừa ngày càng có nhiều đóng góp cho sự phát triển đất nước.

Nội dung thứ 2 là “Tăng cường vai trò, tiếng nói của các hiệp hội/ tổ chức doanh nghiệp do nữ làm chủ trong hoạch định và thực thi chính sách”. Hiện nay, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) do phụ nữ làm chủ chiếm 97% trong tổng số doanh nghiệp MSMEs và chiếm 50-80% việc làm tại khu vực châu  Á, đóng góp 20-50% GDP trong các nền kinh tế APEC nhưng chỉ chiếm dưới 35% xuất khẩu trực tiếp. Chính vì vậy, APEC cần chú trọng phát triển và nâng cao năng lực hội nhập khu vực cho các doanh nghiệp MSMEs do phụ nữ làm chủ thông qua việc họ được tham gia vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách. Điều này được thực hiện thông qua đại diện của họ là các hiệp hội/tổ chức doanh nghiệp nữ và các kênh liên quan khác.

Đại diện Vụ Bình đẳng giới cho biết, nội dung của ưu tiên thứ 3 của Diễn đàn là “Thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Hiện nay, trình độ học vấn, kiến thức, kỹ năng của phụ nữ thường thấp hơn so với nam giới. Bất bình đẳng giới trong thị trường lao động như khoảng cách giới về lương, sự phân biệt đối xử trên cơ sở giới trong tuyển dụng, trình độ thấp vẫn còn phổ biến ở một số nước. Ở những nước đang phát triển như Việt Nam, Philippines, Indonesia..., nhiều chính sách/chương trình đã thiết kế các giải pháp hỗ trợ cho các nhóm “yếu thế”, tạo điều kiện cho họ tham gia và hưởng thụ chính sách. Tuy nhiên, còn có những điểm hạn chế như: Các chương trình giáo dục, dạy nghề thường tập trung đào tạo chuyên môn. Vì thế, người lao động đã qua đào tạo nhưng vẫn không đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ, tin học; thiếu khả năng phối hợp làm việc nhóm; thiếu năng lực cạnh tranh trong thị trường lao động. Hầu hết các chính sách chưa được lồng ghép giới, do vậy trong thực tế phụ nữ và trẻ em gái vẫn thiệt thòi hơn trong tiếp cận và hưởng lợi từ các chính sách này. 

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh