Tranh cãi về cấy chip vào tay
- Công nghệ mới
- 13:19 - 10/11/2018
Công ty Biohax cho biết họ đã cấy chip cho hơn 4.000 người kể từ khi nó được ra mắt 5 năm trước để giúp người sử dụng thay thế các loại thẻ khóa, thẻ căn cước và vé tàu.
Con chip được cấy dưới da ở vị trí giữa ngón cái và ngón trỏ, sử dụng công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) giống với công nghệ của thẻ tín dụng hoặc hộ chiếu và không cần phải sạc pin. Có thể đọc chip này bằng bất cứ thiết bị nào hỗ trợ công nghệ giao tiếp trường gần (NFC). Điều này có nghĩa hầu hết điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android đều nhận biết được loại chip này.
Chip cấy vào bàn tay có kích thước chỉ bằng một hạt gạo Ảnh: EPA
Những người đứng sau công nghệ này tin rằng nó giúp loại bỏ việc sử dụng các loại thẻ, mật khẩu và chữ ký, từ đó cho phép giao dịch thương mại, việc đi lại tại nhà ga hoặc sân bay trở nên nhanh và hiệu quả hơn. Ngoài ra, họ cho rằng việc sử dụng chip RFID giúp giảm lượng chất thải nhựa vì hiện có tới 6 tỉ thẻ nhựa được sản xuất mỗi năm - theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất thẻ quốc tế.
Những người ủng hộ cũng nhấn mạnh công nghệ đang dần trở nên phổ biến và chỉ ra một trang Facebook chuyên nói về vi mạch RFID đã nhận được gần 7.000 lượt "thích".
Tuy nhiên, công nghệ này có một số hạn chế khi người dùng có thể phải phẫu thuật thường xuyên để nâng cấp con chip cho phù hợp với tiến độ phát triển. Ngoài ra, các nhà hoạt động bảo vệ sự riêng tư lo ngại công nghệ có thể bị lợi dụng để theo dõi người khác.