THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:30

Trang bị kỹ năng giúp trẻ tránh bị bắt cóc

Phải biết tự vệ trước khi có sự việc xảy ra

Mới đây, vào khoảng 19 giờ ngày 7/11, tại khu vực ngõ 64 đường Tây Trà (thuộc phường Quang Trung, quận Hoàng Mai, Hà Nội), khi cháu Vũ Văn T, 3 tuổi đang chơi với anh họ ở trước cửa nhà thì bất ngờ bị người đàn ông bế lên xe rồi rồ ga chạy rất nhanh. Bố cháu T cho biết, khi bắt cóc cháu bé, người đàn ông đã để lại một tờ giấy với nội dung: “Muốn nhận lại con thì đưa 20 triệu đồng...” kèm theo số điện thoại. Bố cháu T. lập tức gọi điện theo số điện thoại trên mảnh giấy mà chúng để lại, nhưng chỉ liên hệ được 1 lần thì tắt máy. Đến khoảng 19 giờ 30 cùng ngày, kẻ lạ mặt đã nhắn tin yêu cầu bố cháu T buộc tiền vào dây chun và thả xuống gầm cầu Thanh Trì đồng thời sang khu vực trụ sở Công an phường Sài Đồng, Long Biên để nhận con. Trước đó, nhiều vụ bắt cóc trẻ em với thủ đoạn vô cùng tinh vi khiến dư luận bàng hoàng.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Trang Nhung, giảng viên kỹ năng sống Trung tâm Đào tạo Kỹ năng sống Ý Tưởng Việt đưa ra lời khuyên, không chỉ khi xuất hiện những thông tin liên quan đến việc trẻ bị bắt cóc mà ngay cả trong những lúc yên bình nhất, phụ huynh vẫn nên trang bị cho trẻ kỹ năng nhận diện và ứng phó trước những tình huống bất ngờ, nguy hiểm. Đây là điều cần thiết để trẻ có thể biết cách tự chăm sóc và bảo vệ bản thân khi không có người lớn.

Trẻ cần được trang bị những kỹ năng để tự bảo vệ.

Về việc trang bị kỹ năng cho con trẻ, trước tiên chính bản thân quý phụ huynh không nên quá kỳ vọng rằng trẻ có thể nhớ và thực hành tốt mọi điều mình dạy, mình nhắc bởi trẻ con vẫn mãi là trẻ con, thấy quà bánh, đồ chơi hoặc những lời dụ dỗ ngon ngọt thì bao nhiêu kỹ năng phòng vệ cũng đều bị lãng quên hết. Song song đó, những kỹ năng, kiến thức này cần được củng cố hàng ngày, hàng năm để trể nhớ và thuộc nằm lòng cũng như biến nó thành hành vi ứng xử của mình.

Cảnh giác với “người lạ mặt”

Nhiều trường hợp trẻ không được dạy những kiến thức cơ bản để bảo vệ bản thân nên để xảy ra nhiều trường hợp đáng tiếc như bị bắt cóc, thậm chí xâm hại tình dục... Bố mẹ nên khéo léo thảo luận với trẻ về những bài báo phản ánh việc trẻ em bị xâm hại, bạo hành. Trên thực tế, một số phụ huynh cho rằng không nên cho trẻ biết về “mảng xám” của cuộc sống quá sớm sợ bé có cái nhìn tiêu cực. Nhưng bố mẹ không thể bảo đảm tuyệt đối sẽ luôn ở bên con mỗi khi xảy ra bất trắc. Do vậy, hãy để trẻ tập dần thói quen tự vệ và tự nhận thức vấn đề. Dạy trẻ cảnh giác với các tình huống khác thường. Không chỉ với người lạ mà ngay cả với những người bạn thân thiết của gia đình, bạn cũng nên trang bị cho trẻ khả năng nhận biết đâu là những trường hợp cần cảnh giác cao. Trẻ cần được trang bị những thói quen ứng phó nhanh. Ví dụ như khi  bố mẹ không có nhà, trẻ không được tự ý mở cửa cho khách vào dù là người quen biết, mà hãy gọi anh chị hoặc người lớn hơn, hay gọi điện cho bố mẹ để thông báo.

Hãy dạy trẻ nói “không” với quà bánh, truyện tranh, tiền bạc, lời rủ đi công viên, trung tâm vui chơi,.. của người lạ. “Người lạ” nên được giải thích cụ thể với trẻ là những người trẻ chưa từng gặp cùng bố mẹ trước đó, là những người không được bố mẹ giới thiệu với trẻ, là những người có thể tự xưng là bạn của bố mẹ khi không có mặt bố mẹ. Trẻ cần biết “giới hạn những người tin cậy” của mình, đó chính là: Cha mẹ, ông bà, thầy cô, anh chị trong gia đình. Tuyệt đối không để trẻ một mình với bất kỳ ai, dù đó là bạn rất thân của bố mẹ. Thực tế đã có nhiều vụ lạm dụng tình dục trẻ em mà thủ phạm là người thân, bạn bè của bố mẹ, hàng xóm... Bố mẹ cùng trẻ xem những phóng sự, clip mô phỏng các tình huống thiếu an toàn với trẻ khi không ở gần bố mẹ, khơi gợi và giải đáp những thắc mắc của trẻ để trẻ dần hình thành ý thức phòng vệ trong những tình huống tương tự nếu gặp phải. Hướng dẫn trẻ là ngoài những người này ra, nếu có bất kỳ ai khác đề nghị chở trẻ đi đâu, làm gì (mở cửa nhà,..) thì hãy nói “không”, bỏ chạy và tìm đến những người tin cậy để nói lại việc vừa xảy ra.

Để không bối rối trong trường hợp trẻ bị lạc, hãy dạy cho trẻ học thuộc lòng số điện thoại của cha mẹ, anh chị, ông bà để khi bị lạc thì biết cách cung cấp cho những người muốn giúp đỡ. Dạy trẻ tìm đến những nơi có thể giúp đỡ như: Quầy thông báo tại siêu thị; đồn công an... mỗi khi đi siêu thị hoặc đi ngang qua những nơi giúp trẻ có thể nhận diện đó là đồn công an. Nếu đến chỗ đông người, tốt nhất người lớn luôn theo sát trẻ, tránh lơ là vì trẻ con vốn dễ bị thu hút bởi những yếu tố khác, dễ bị tuột khỏi tầm tay bố mẹ. Rất nhiều trường hợp bố mẹ lạc con là do cha mẹ mải mê mua sắm, trò chuyện.

KHÁNH VÂN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh