Trăn trở với “ngao trường” Nam Thịnh
- Văn hóa - Giải trí
- 21:20 - 24/09/2015
Chòi ngao cao lênh khênh ở “ngư trường” Nam Thịnh. Ảnh: Phạm Thanh Hà
Cách đó không xa là nơi lạch Cửa Nẹ đổ ra biển, nhìn xa nữa là giàn khoan khí đốt của Thái Bình đã được đưa vào khai thác...
Mười giờ đêm, ông Mai Văn Nhiêu (xóm 6, Nam Thịnh) đưa chúng tôi lên thuyền. Dưới trăng đêm và ánh chớp, những chòi ngao dần hiện lừng lững cùng ánh sáng bên trong hắt ra. Sau chừng 25 phút, chúng tôi đã đến một chòi ngao của ông Nhiêu. Chòi ngao cao chênh vênh tới 9 mét, được dựng bằng những cây to lớn, ngang với một ngôi nhà ba tầng. Chúng tôi leo lên chòi qua từng bậc với chiếc thang gỗ thẳng đứng được đóng bằng những thân cây nhỏ. Chòi ngao có hiên ba phía với hai thang lên xuống ở hai bên. Hiên bên ngoài rộng chừng 2m, có chỗ để các chum đựng nước ngọt, bếp, nơi mắc võng. Bên trong chòi ngao có chỗ để quần áo bảo hộ, dụng cụ lao động, có thể trải được 3 chiếc chiếu to cho hơn chục người ngủ. Ông Nhiêu cho biết, thường ngày chòi ngao luôn có một người ở để trông coi ngao với mức thuê 4-5 triệu đồng/ tháng. Chúng tôi ngủ chập chờn trong gió biển.
Chừng 4 giờ 30 phút, tiếng người làm ngao đã lao xao vọng lên chòi. Nhìn bao quanh, chúng tôi choáng ngợp bởi thủy triều rút đi để lại một bãi cạn mênh mông với hàng trăm chòi ngao lừng lững dưới ánh bình minh.
Bãi ngao trong ánh bình minh. Ảnh: Phạm Thanh Hà
Tại “ngao trường” Nam Thịnh, cứ 1-2 bãi ngao người dân lại dựng một chòi để tiện việc trông nom, khai thác ngao. Có gia đình khai thác ngao trên diện tích 40- 50 ha, cũng có người ở địa phương khác đến đây đầu tư. Người làm ngao phải đầu tư tiền mua con giống, dựng chòi, thuê máy hút cát, san bãi chuyển ngao giống từ bãi thấp sang bãi cao... Mọi công việc hầu hết phải thuê nhân công từ vùng khác: Bốc vác 300.000 đồng/người/ ngày, vãi ngao 200.000, cuốc ngao 160.000 đồng/ngày. Vốn bỏ ra nhiều nhưng nông dân có thể mất trắng bất kể khi nguồn nước bị ô nhiễm hoặc gặp thiên tai. Đợt nắng nóng tháng 7- 8 vừa qua khiến ngao ở Nam Thịnh chết hàng loạt, do bị ngâm dài ngày trong nước biển nóng lên. Người đầu tư nhiều thì ngao chết hàng trăm tấn, thiệt hại hàng tỷ đồng; “thường thường bậc trung” như gia đình ông Nhiêu cũng mất tới 400 -500 triệu đồng. Đối diện với nhiều rủi ro, thậm chí có thể trắng tay, song những người nông dân như ông Nhiêu vẫn chẳng thể bỏ được nghề, bởi đó là mưu sinh, là cuộc sống của cả gia đình họ...
Cứ 1-2 bãi ngao lại có một chòi được dựng lên. Ảnh: Vũ Minh Hiếu
Lạch Cửa Nẹ đổ ra biển. Ảnh: Mai Quốc Thịnh
Cuốc ngao thịt để đem bán. Ảnh: Mai Quốc Thịnh
Các vòi phun nước cực mạnh rửa sạch ngao giống để đóng vào bao tải. Ảnh: Mai Quốc Thịnh
Tại bãi ngao nhà ông Thủy, ngao giống sống trong bùn được xúc lên tấm lưới to và dài. Ảnh:Vũ Minh Hiếu
Dẫu vất vả và đầy rủi ro, người làm ngao vẫn đùa vui cùng hy vọng về những mùa bội thu. Ảnh Phạm Thanh Hà, Vũ Minh Hiếu
Kiểm tra ngao giống. Ảnh: Mai Quốc Thịnh
Sàng lọc ngao giống để chở đi vãi trên bãi cao hơn. Các con ngao to - ngao đế sẽ được đóng vào tải để đem bán ở thị trường. Ảnh: Vũ Minh Hiếu
Bãi ngao liền kề là của gia đình ông Huấn. Chủ bãi cuốc ngao trôi dạt do thủy triều lên xuống để ném trở lại bãi.Ảnh: Mai Quốc Thịnh