THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 06:29

Trăn trở kỳ giáp hạt

 

Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) Quảng Bình cho chúng tôi biết, tình hình đời sống của nhân dân trong kỳ giáp hạt 2016  này khá căng thẳng. Số gạo 1.000 tấn mà Chính phủ hỗ trợ trong dịp Tết Bính Thân đã giải quyết tạm thời được lương thực cho bà con được hơn 1 tháng, còn 3 tháng nữa (từ tháng 3 đến tháng 5/2016) cả tỉnh có khoảng 25.708 hộ với 82.989 khẩu cần hỗ trợ gạo cứu đói trong 1 tháng.

Hầu hết các hộ thiếu đói đều tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang. Vừa qua Sở LĐ-TB và XH đã tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Bình xin Chính phủ hỗ trợ thêm 2.000 tấn gạo cứu trợ trong kỳ giáp hạt này. Theo ông Sơn thì số gạo này về mới có thể giải quyết tạm thời cái đói trong kỳ giáp hạt.

Huyện Quảng Trạch là địa phương có số lượng gạo cần hỗ trợ trong kỳ giáp hạt này lớn nhất tỉnh với 534 tấn. Quảng Trạch hiện có 29.184 hộ với 116.289 nhân khẩu, thì có đến 2.188 hộ với 6.105 khẩu bị thiếu gạo ăn trong 3 tháng giáp hạt. Trong đó huyện tự cân đối được khoảng 22 tấn số còn lại 511 tấn xin nguồn cứu trợ của Chính phủ

Huyện Lệ Thủy có 3 xã miền núi và 3 xã bãi ngang, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã này khá cao.

Qua thống kê mới đây của Phòng LĐ-TB&XH huyện Lệ Thủy, tại thời điểm giáp hạt này toàn huyện có 5.384 hộ với 19.781 khẩu cần hỗ trợ gạo trong 1 tháng, với số lượng 494 tấn.

Mới đây chúng tôi có dịp lên thăm xã đồng bào dân tộc Kim Thủy (Lệ Thủy), ông Phó Chủ tịch UBND xã Kim Thủy Hồ Văn Xoan cho biết, những năm gần đây kinh tế của xã có khởi sắc, nhưng số hộ nghèo vẫn còn khá cao.

 

Do nắng hạn kéo dài nên cây sắn ở xã Kim Thủy, Lệ Thủy kém phát triển.


Toàn xã có 1.035 hộ, trong đó có hơn 50% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nông-lâm nghiệp. Trình độ dân trí không đồng đều, phong tục tập quán còn lạc hậu, cơ sở hạ tầng được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn nhất là các bản vùng cao, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi còn chậm, thu nhập bình quân đầu người chỉ mới đạt 7,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo và nguy cơ tái nghèo trên 50%.Kỳ giáp hạt năm nay Kim Thủy cần hỗ trợ lương thực cho khoảng 350 hộ, với gần 1.000 khẩu chủ yếu là bà con dân tộc Vân Kiều.

Trong 12 bản của xã có 2 bản Rào Đá và bản Hang Còi nằm xa trung tâm xã trên 15 km được xem là khó khăn hơn cả. Hai bản này có 55 hộ (bản Rào Đá 30 hộ và Hang Còi 25 hộ) nằm riêng biệt cách nhau gần 10 km đường rừng. Mùa mưa lũ, 2 bản này bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài, sản xuất kém phát triển, 95% số hộ trong bản nằm trong diện hộ nghèo, sống dựa vào gạo cứu trợ hàng tháng của Chính phủ.

Huyện Minh Hóa có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, năm nào đến kỳ giáp hạt Chính phủ cũng cứu trợ gạo. Nhưng do các hộ nghèo trong huyện Minh Hóa được thụ hưởng nguồn lương thực một cách đều đặn mấy năm nay từ Chương trình 30a của Chính phủ, nhờ vậy mà đời sống của bà con trên địa bàn không gay gắt như một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện khác trong tỉnh; kỳ giáp hạt này huyện chỉ xin hỗ trợ hơn 359 tấn.

Đối với huyện Quảng Ninh, tình hình thiếu lương thực gay gắt nhất rơi vào xã Trường Sơn. Trên địa bàn xã có dân tộc Kinh và Vân Kiều sinh sống, với 1.026 hộ và 4.303 nhân khẩu, trong đó dân tộc Vân Kiều có 603 hộ, 2.627 khẩu, chiếm 58,8%.

Tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn xã 49,3%, riêng người Vân Kiều chiếm trên 80%. Thu nhập chính của người dân ngoài một số diện tích cây màu và diện tích lúa nước thì chủ yếu người dân đều phụ thuộc vào rừng nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các bản ở biên giới, xa trung tâm xã.

Trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân vừa qua, địa phương đã tiếp nhận nhiều đợt cứu trợ của Nhà nước và của các tổ chức, cá nhân hảo tâm với trên 13 tấn gạo và trên 400 suất quà nên bà con nhân dân đã vui Tết đón xuân an toàn và tiết kiệm. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay địa phương đang gặp một số khó khăn do vụ sản xuất hè-thu 2015 lúa rẫy phần lớn bị nắng hạn và chuột phá hoại mất trắng nên người dân đang bước vào thời kỳ giáp hạt trong tình cảnh khó khăn hơn mọi năm. Mới đây xã đã đề nghị tỉnh hỗ trợ gạo 100% hộ dân tộc Vân Kiều sinh sống ở 7 bản gồm: Dốc Mây, Plang, Rìn Rìn, Sắt, Hôi Rấy, Nước Đắng và Chân Trộng.

Huyện Tuyên Hóa có 23.313 hộ, với 98.307 người, thì có đến 5.786 hộ với 14.355 khẩu có khả năng bị thiếu đói 1 tháng, số gạo xin hỗ 245 tấn. Huyện Bố Trạch có 3.277 hộ với 10.486 khẩu thiếu đói từ 1-3 tháng, huyện xin hỗ trợ 347 tấn.

Không riêng gì các huyện có đồng bào dân tộc ít người sinh sống, mà ngay tại thị xã Ba Đồn kỳ giáp hạt này cũng có đến 1.684 hộ, 5.450 khẩu, bị thiếu đói 3 tháng, lượng gạo xin cứu trợ lên đến 428 tấn. Nói như vậy để thấy một bộ phận không nhỏ người dân đang cần gạo cứu trợ trong kỳ giáp hạt này.

Xác định giải quyết vấn đề đói nghèo là cả một qúa trình lâu dài với nhiều giải pháp đồng bộ, thời gian qua cấp ủy, chính quyền, tổ chức Mặt trận và cộng đồng xã hội đã tích cực hỗ trợ người nghèo. Nhờ vậy mà tỷ lệ hộ nghèo tỉnh ta đã giảm được 3-4%/năm.

Tuy nhiên do xuất phát điểm thấp và điều kiện tự nhiên không thuận lợi nên nhiều vùng dân tộc thiểu số, miền núi, bãi ngang số hộ nghèo, thiếu đói kỳ giáp hạt còn cao. Đây là vấn đề cấp bách đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các địa phương cần có giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để giúp bà con thoát ra khỏi tình trạng thiếu đói kỳ giáp hạt.

Theo baoquangbinh.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh