Trăn trở của giáo viên dạy học trò chuyên biệt
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 22:42 - 15/11/2015
Tại buổi giao lưu "Những đóa hồng thầm lặng" do Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM tổ chức ngày 14/11, thầy Lê Thái Minh Hầu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản (quận 5) cho biết có cái duyên đặc biệt với những học trò chuyên biệt. Là trường dành cho học sinh bình thường, song với hy vọng có thêm kiến thức và giúp được những học trò chuyên biệt ông đã đăng ký khóa học nghiệp vụ giáo dục trẻ chuyên biệt.
Được sự động viên của phòng giáo dục, thầy Hầu kêu gọi giáo viên trong trường đón nhận những học sinh đặc biệt này. Từ lứa học trò đầu tiên năm 2001-2002, hiện trường đã nhận hàng nghìn học sinh chuyên biệt.
"Ngoài việc yêu mến, hy sinh thì người thầy phải có trái tim nhân hậu mới có thể dạy được những em đặc biệt này", ông Hầu chia sẻ và cho biết hiện nhu cầu gửi trẻ khiếm khuyết ở thành phố ngày càng nhiều, nhất là trẻ bị tự kỷ. Nguyên nhân là do các em không được cha mẹ quan tâm, phần vì trẻ tập trung vào tivi và các thiết bị điện tử quá nhiều thay vì giao tiếp với người khác.
Với những học trò đặc biệt, các thầy cô chỉ mong dạy được chúng biết những điều đơn giản nhất. Ảnh: Nguyễn Loan.
Theo Hiệu trưởng trường tiểu học Trần Quốc Toản, trong việc giáo dục trẻ khuyết tật, giáo viên đóng vai trò đặc biệt quan trọng. "Trẻ bình thường được điểm 10 không vui bằng việc nhìn thấy một học sinh chuyên biệt hôm nay điểm 4 nhưng ngày mai được điểm 5. Sự tiến bộ của các em là hạnh phúc vô bờ của chúng tôi", người thầy chia sẻ.
Là người quản lý, ông Hầu cũng rất trăn trở khi giáo viên dạy trẻ hòa nhập chưa có đãi ngộ phù hợp. Nhiều giáo viên bỏ tiền túi đi học nghiệp vụ, phải dạy 4-6 trẻ hòa nhập nhưng chỉ được tính mức trợ cấp tối đa theo 2 em vì quy định của Bộ. Việc chứng minh được trẻ "có vấn đề" cũng rất khó khăn khi phụ huynh sẵn sàng cho con học nhưng không "đóng mác" con mình bị khuyết tật.
Cùng quan điểm, cô Quách Thị Mộng Tuyền, giáo viên trường mầm non tư thục Hoa Phượng (quận Thủ Đức) cho biết, khó khăn lớn nhất trong việc dạy hòa nhập là nhiều phụ huynh không thể chấp nhận việc con mình là trẻ khuyết tật. Người có con phát triển bình thường thì lại xa lánh, không muốn chúng học chung với trẻ thuộc nhóm này vì sợ... lây.
Ngày được ban giám hiệu phân công dạy trẻ thuộc diện hòa nhập, cô đã không khỏi lo lắng trước những đứa trẻ suốt ngày la hét, tự cắn tay mình, cầm cây sáp bỏ vào miệng ăn, bị bạn đánh không biết gọi cô... "Tôi chỉ mong làm sao dạy cho các em biết được những thứ đơn giản nhất, biết nói những điều mình muốn", cô Tuyền tâm sự.
17 năm gắn bó với công việc này, cô Nguyễn Thị Thu Lan, giáo viên Trường chuyên biệt Ánh Dương (quận 12) trăn trở mãi câu chuyện về nữ sinh 13 tuổi. Khi phát hiện cô học trò bỗng dưng ít nói, buồn rầu và thu mình lại, cô nhiều lần hỏi han thì biết cha mẹ em đã ly dị. Trong lúc say rượu, người cha hãm hại con mình.
Bé gái học được một tháng thì nghỉ ở nhà, mặc những động viên của cô giáo. "Từ một cô bé vui tươi, hồn nhiên bỗng trở thành người vô thức, em khiến tôi cứ ám ảnh mãi", cô Lan nói.
Trong giáo dục trẻ khuyết tật, việc phát hiện và can thiệp sớm rất quan trọng vì 0-3 tuổi là "giai đoạn phát triển vàng" của trẻ. "Khi phát hiện trẻ có vấn đề, người làm giáo dục nên khéo léo tư vấn phụ huynh vì đây có thể là cú sốc lớn đối với họ. Trẻ cần được thăm khám và đưa ra phương hướng giáo dục phù hợp", cô Lan nói.
Có mặt tại buổi giao lưu, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP HCM cho hay thành phố ngày càng phải nhận nhiều trẻ chuyên biệt của địa phương và các tỉnh lân cận. Những thầy cô đã cống hiến, hy sinh cuộc đời mình cho những đứa trẻ không may mắn chính là "những đóa hồng thầm lặng".
Ngoài việc ghi nhận công lao của thầy cô, ông Sơn cũng yêu cầu các nhà quản lý phải phân tích truyền thông cho phụ huynh nhìn nhận đúng vấn đề. Không được phân biệt đối xử với những đứa trẻ chuyên biệt để các em có điều kiện hòa nhập tốt.
Về chính sách hỗ trợ giáo viên, ông Sơn cho biết đã tham mưu cho UBND thành phố xây dựng chế độ trợ cấp phù hợp hơn. Sở cũng có chính sách hỗ trợ các thầy cô học thêm về nghiệp vụ.