CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:55

Trăn đất sau giải cứu đã trở lại nghĩa trang

 

Ngày 25/1, được giải cứu sau khi mắc kẹt trong nắp mộ cải táng ở nghĩa trang thôn Trai Trang cũ, thuộc thị trấn Yên Mỹ (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên), con trăn đất dài 3,6 m, nặng khoảng 40 kg bị thương nhẹ và được đưa về nhà tang lễ chăm sóc. 4 ngày ở đây, trăn được người dân chăm sóc chu đáo và canh giữ cẩn thận, đề phòng kẻ xấu từ nơi khác đến bắt trộm.

Ông Trương Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Mỹ, cho biết đủ các loại thức ăn tươi sống, như: chuột, gà, thịt lợn được mang đến tận nơi nhưng trăn không ăn, cứ nằm thu lu một góc. Thời tiết những ngày giáp Tết lạnh buốt, sợ trăn bị ốm vì lạnh, người dân mang cả bạt, chăn, chiếu ra đắp ấm cho nó. Khi vết thương đã lành, nó được thả về chốn cũ.

  

 

Trăn hơn 40 kg, dài khoảng 3,6 m được được người dân giải cứu đưa về nhà tang lễ đợt trước Tết Bính Thân. 

Nghi vấn nguồn gốc con trăn 

Ông Hải cho rằng về địa lý, Yên Mỹ không có rừng, đồi núi, xung quanh là đồng ruộng và công sở, nhà dân nên không phải là môi trường thuận lợi cho trăn phát triển. Ở thị trấn này cũng như các xã lân cận không có gia đình nào nuôi trăn nên khả năng bị xổng chuổng được loại trừ.

Một giả thiết nhiều người nghĩ đến là trăn được mang từ nơi khác đến phóng sinh ở nghĩa trang. Vợ anh Đỗ Văn Vụ, trú thôn Trai Trang kể, năm 2007, anh Vụ cùng mấy người bạn sang cánh đồng xã Tân Lập kế bên đào chuột đồng về làm mồi nhậu và bắt được con trăn nhỏ gần 5 kg. Nhiều người hỏi mua, anh Vụ không bán mà để nuôi trong nhà.

Gần 2 tháng, con trăn tuyệt thực, thu mình trong chuồng sắt và gầy rộc đi chỉ còn 3 kg. Thương con vật, vợ chồng anh Vụ mang ra nghĩa trang thôn Trai Trang trước cửa nhà phóng sinh. Kể từ đó không ai còn nhắc tới con trăn nhà anh Vụ.

Phó trưởng thôn Trai Trang, ông Nguyễn Hữu Linh, cho biết, có người vẫn thường mua trăn, rắn nhỏ về yểm trạch, cúng tế và phóng sinh ra môi trường. Tuy nhiên, ông nghĩ nhiều đến hệ quả của nạn buôn bán động vật hoang dã từng rất phát triển khoảng 10 năm trước.

Khi đó, bến xe hàng Bắc - Nam tại thị trấn Yên Mỹ, cạnh nghĩa trang Trai Trang cũ, là điểm trung chuyển nhiều loại động vật hoang dã có tên trong sách đỏ, như: trăn, hổ mang chúa… Cánh lái xe và thương lái đã vận chuyển trăn, rắn từ khu vực phía Nam, miền Trung ra Bắc.

"Có thể khi tới Yên Mỹ, bị nhà chức trách kiểm soát, truy quét gắt gao, họ đã phóng thích hàng loạt trăn, rắn ra nghĩa trang để thoát vòng lao lý. Trở lại môi trường tự nhiên, số trăn, rắn bắt đầu sinh sôi và phát triển ngay giữa lòng thị trấn Yên Mỹ", ông Linh nói.


 

Nhà tang lễ thôn Trai Trang trong khuôn viên nghĩa trang là nơi người dân đưa trăn vào chăm sóc. Ảnh: Giang Chinh

Có bao nhiêu con trăn sống ở nghĩa trang

Đến nay, chính quyền thị trấn Yên Mỹ chưa xác định số lượng trăn sinh sống ở nghĩa trang Trai Trang cũ. Riêng ông Nguyễn Hữu Linh khẳng định, có ít nhất một cặp trăn lớn. Con bắt được hôm 25/1 là cái, con khác to hơn, đen sẫm hơn thỉnh thoảng xuất hiện. Ngày 13/2, người dân chứng kiến con trăn to đen này bò ra phơi nắng trên lối đi trong nghĩa trang. Thấy người, nó lại trườn vào bụi rậm.

Trước đó ngày 30 Tết năm Kỷ Mùi 2015, một con trăn nặng khoảng 27 kg chui vào mộ và bị mắc lại. Một số thanh niên đã giải cứu và chuyển trăn ra ao bèo trong khuôn viên nghĩa trang.

Cách đó khoảng 3 năm, tháng 6/2012, gia đình ông Nguyễn Văn Khang, trú tại xóm Thể, thôn Trai Trang, tát ao cá gần khu vực nghĩa trang mới, cách nghĩa trang Trai Trang cũ khoảng 600 m, phát hiện con trăn lớn gần 30 kg nằm dưới đáy ao. Ông Khang bắt và bán cho chủ nhà hàng tại xã Tân Lập cùng huyện. Tuy nhiên, sau đó chủ nhà hàng thôi ý định nấu cao trăn mà chở tới nghĩa trang Trai Trang làm lễ phóng sinh. 

Ông Nguyễn Hữu Linh cho rằng trăn được phóng sinh sẽ trưởng thành, cặp đôi và sinh nở ra. “Cách đây một tháng, tôi đi sang khu Lồ mới (cách nghĩa trang Trai Trang cũ khoảng 600 m) phát hiện con trăn nhỏ, thân to bằng chén uống trà đang bò qua đường. Vài thanh niên còn bắt lên chơi, sau đó thả nó đi”, ông Linh nói.

Hiện nghĩa trang Trai Trang cây bụi rậm rạp, xung quanh là mương quanh năm ngập nước, chuột nhiều nên trăn, rắn có thể phát triển trong một giai đoạn nhất định. Về lâu dài khi số lượng cá thể tăng, nhu cầu thức ăn lớn trong khi tốc độ đô thị hóa nhanh, phạm vi săn mồi bị thu hẹp, trăn có thể tấn công con người.

Đó là mối lo của chính quyền thị trấn Yên Mỹ, dù trước nay trăn sống khá lành, chưa từng làm hại ai.

Trăn đất tên khoa học là Python molurus, có đầu dài, nhỏ, màu nâu xám. Mặt trên đầu có hoa văn hình mũi mác đi từ cổ, mũi nhọn hướng về phía mõm. Mặt trên lưng có màu xám nhạt hay vàng nhạt, có một dãy những vết lớn dài, màu nâu đỏ viền đen.

Trăn đất thường sống ở rừng thưa, cây bụi hay ven rừng già, đồi núi thấp có nhiều bụi rậm khô ráo. Chúng chủ yếu đi kiếm mồi vào ban đêm và ưa ngâm mình trong nước những ngày nóng bức. Loài này chủ yếu ăn các loại gặm nhấm, đôi khi cả hươu nai cỡ nhỏ, chim, ếch nhái, bò sát.

Trăn đất có tên trong sách đỏ, thuộc nhóm 2B - nhóm loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm cần hạn chế khai thác và sử dụng với mục đích thương mại.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh