Trận cầu lịch sử qua lời kể của một chứng nhân lịch sử
- Văn hóa - Giải trí
- 20:11 - 29/04/2017
Từ cái bắt tay lịch sử…
Ngày 30/4/1975 đã trở thành một mốc son chói lọi trong trang sử vàng của dân tộc Việt Nam mà không người con đất Việt nào quên. 11 giờ 30, chiếc xe tăng mang số hiệu 390 húc đổ cánh cửa Dinh Độc Lập, sào huyệt cuối cùng của Ngụy quyền Sài Gòn, lá cờ cách mạng tung bay trong nắng Sài Gòn, báo hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hai miền Nam - Bắc không còn chia cắt.
Hơn 1 năm sau, Chủ tịch Tổng Công đoàn Lao động Việt Nam Hoàng Quốc Việt (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), đã giao một nhiệm vụ quan trọng cho Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT), đó là tổ chức một chuyến thi đấu giao hữu giữa một đội bóng miền Bắc với các đội bóng phía Nam. Ngành thể thao mà cụ thể là bóng đá miền Bắc mang trên mình một sứ mệnh lịch sử vào Nam thi đấu phục vụ đồng bào, quân dân miền Nam ruột thịt.
HLV Mai Đức Chung tái ngộ các đối thủ Cảng Sài Gòn trong trận giao hữu cách đây 2 năm
Những ngày cuối tháng 10/1976 đội Tổng cục Đường sắt bất ngờ “nhận lệnh” đặc biệt: Vào Nam thi đấu, trận đấu có ý nghĩa chính trị, xã hội vô cùng đặc biệt, quan trọng lúc bấy giờ, nó vượt qua tầm của những trận đấu bóng đá thông thường.
HLV Mai Đức Chung, người có mặt trong trận cầu lịch sử năm đó chia sẻ: “Việc Tổng cục Đường sắt được chọn là có lý do đặc biệt, bởi thời điểm ấy rất mạnh, chỉ đứng sau Thể Công, từng nhiều lần là Á quân và vừa đoạt chức vô địch Công đoàn miền Bắc. Hơn nữa, việc cử một đội bóng đại diện cho công nhân ngành đường sắt càng có ý nghĩa và hợp lý khi lúc đó tuyến đường sắt Bắc - Nam sắp khánh thành. Cảm giác được vào Nam thi đấu khó tả lắm, có cả sự xúc động, hồi hộp đếm từng ngày một, nhưng cũng có cả nỗi lo lắng. Trước khi lên đường, chúng tôi rất háo hức vì có ai biết Sài Gòn như thế nào và càng không biết bóng đá miền Nam ra sao mà chỉ nghe danh “trụ đồng” Tam Lang, “mũi tên vàng” Tư Lê...”.
Trên chuyến bay quân sự mang số hiệu IL12, tâm trạng các thành viên đội bóng đầu tiên của miền Bắc vào Nam cũng ngổn ngang khó tả, vừa háo hức vừa hoang mang. Tình hình miền Nam sau ngày giải phóng vẫn còn nhiều bất ổn. Nhưng cái cảm giác ấy tan biến khi TP.Hồ Chí Minh hiện ra dưới ánh nắng rực rỡ.
Tại nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất, đại diện Cảng Sài Gòn - thủ quân Phạm Huỳnh Tam Lang tiến đến tặng hoa, siết chặt tay thủ quân Tổng cục Đường sắt Phạm Kỳ Thụy, đó là cái bắt tay lịch sử kết nối bóng đá 2 miền Nam - Bắc sau 22 năm chia cách.
...tới trận cầu lịch sử
Mai Đức Chung nhâm nhi ly café đen không đường, nhưng đôi mắt bỗng sáng bừng lên, giọng ông hào hứng xen lẫn xúc động khi kể về trận cầu lịch sử diễn ra cách đây đã 42 năm.
“Chủ nhật, 7/11/1976 sẽ mãi mãi đi vào lịch sử bóng đá nước nhà như một cột mốc nối liền Bắc - Nam, nối liền suốt 1 chiều dài lịch sử”, HLV trưởng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam bồi hồi.
Ông Chung kể, khi trận đấu còn chưa diễn ra, thì đội bóng đại diện cho miền Bắc đã được đồng bào phía Nam quan tâm đặc biệt. Ở buổi tập đầu tiên làm quen sân Thống Nhất của “đội khách” người dân Sài Gòn đứng vây kín phía cổng vào sân và ngồi chật như nêm trên khán đài.
Còn đến ngày thi đấu, sân Thống Nhất như một ngày hội thực sự. 19 giờ 30 bóng mới lăn nhưng từ 12 giờ trưa, sân vận động với sức chứa hơn 2 vạn chỗ đã chật kín và tới khoảng 4 giờ chiều thì khán giả đã tràn xuống cả đường pitse.
Giọng ông Chung như nghẹn lại khi kể về thời khắc hai đội bước ra sân: “Cầu thủ 2 đội dẫn tay nhau đi từ đường hầm lên trong tiếng vỗ tay vang trời của khán giả, xen lẫn tiếng hát nhộn nhịp theo lời bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” được phát ra từ chiếc loa phóng thanh và những giọt nước mắt lăn dài vì hạnh phúc của khán giả khi lần đầu chứng kiến ngày hội bóng đá 2 miền. Lúc ra sân, ai cũng mắt đỏ hoe vì xúc động. Đến nay tôi vẫn không thể quên được giây phút lịch sử ấy, khi trọng tài Hồ Thiệu Quang nổi hồi còi khai cuộc...”.
Có một chi tiết mà ông Chung đến giờ vẫn không thể quên. Đó là lúc 2 đội khởi động bỗng có tiếng súng nổ, cả đội Tổng cục Đường sắt nhất loạt nằm rạp xuống sân... Sau này mới biết do khán giả bên ngoài định phá cửa tràn vào nên bộ đội phải bắn chỉ thiên để vãn hồi trật tự.
Trong không khí cuồng nhiệt và có phần căng thẳng, nhưng đại diện miền Bắc đã chơi một trận cực hay, lấn lướt hoàn toàn Cảng Sài Gòn, với những cái tên rất nổi thời bấy giờ như: Thủ môn Lưu Kim Hoàng, trung vệ Tam Lang, hậu vệ Nguyễn Tấn Trung (Trung “sói”), bộ đôi tiền vệ Dương Văn Thà, Nguyễn Văn Mười, các tiền đạo: Lê Văn Tư (Tư Lê), Nguyễn Văn Ngôn, Trần Văn Xinh. Trung phong Mai Đức Chung chính là người mở tỷ số vào lưới thủ môn Lưu Kim Hoàng và tiền vệ Lê Thụy Hải ấn định chiến thắng 2 - 0 cho Tổng cục Đường sắt.
Trận đấu lịch sử giữa Cảng Sài Gòn và Tổng cục Đường sắt năm 1976.
“Khi tôi ghi bàn thắng đầu tiên ở phút 28 thì cả Thống Nhất cùng đồng loạt đứng lên vỗ tay kéo dài hơn 5 phút, trọng tài Hồ Thiệu Quang phải nén cảm xúc mới nổi còi cho trận đấu tiếp tục”, ông Chung nhớ lại cảm giác khi ghi bàn thắng lịch sử trong một trận cầu lịch sử.
“Cả chúng tôi lẫn khán giả chẳng ai quan tâm đến bàn thắng và đội Cảng Sài Gòn cũng chẳng ai buồn với thất bại vì hôm ấy. Việc chúng tôi có mặt trong không khí của trận cầu lịch sử ấy đã là người chiến thắng rồi. Anh em chúng tôi nhiều người đã khóc lúc ra sân khi nghĩ đến biết bao người đã nằm xuống để có một trận bóng lịch sử giữa hai miền sau ngày đất nước thống nhất...”, ông Chung “xe ca” nói mà đôi mắt rưng rưng như muốn khóc.
Nhiều người không còn, giờ thấy nhau khỏe là mừng rồi
Trở lại thực tại sau câu chuyện chứa đầy cảm xúc và trên hết là tình cảm thiêng liêng với Tổ quốc những năm mới kết thúc chiến tranh, nét mặt HLV Mai Đức Chung buồn hẳn đi khi không ít đồng đội, và cả “đối thủ” giờ đã không còn, người thì ốm đau, bệnh tật.
Vì thế mà cách đây 2 năm, khi các danh thủ Tổng cục Đường sắt như Mai Đức Chung, Lê Thụy Hải... lại tay bắt mặt mừng thi đấu giao lưu với các cầu thủ Cảng Sài Gòn của đội bóng 40 năm về trước như Tư Lê, Nguyễn Văn Ngôn, Dương Văn Thà, Lưu Kim Hoàng... thực sự là một kỷ niệm khó quên, mà nói như ông Chung thì đó chẳng khác nào như một “ân huệ của cuộc đời”.
“40 năm tức là chúng tôi giờ ai cũng 60, 70 tuổi cả rồi, giờ được gặp lại nhau, lại đá bóng cùng nhau, ai cũng hạnh phúc. Nói thật chứ giờ cũng có mấy ai đá được đâu, nhưng mỗi khi anh em cựu cầu thủ còn được gặp gỡ, thấy nhau vẫn còn khỏe, còn minh mẫn là vui rồi”, ông Chung nói trong xúc động.
“Giờ tôi mong không chỉ thế hệ của chúng tôi ngày xưa, mà giới thể thao, giới cầu thủ, tất cả đều có chung một tấm lòng, một nghĩa cử là làm sao để các mảnh đời sau nghiệp bóng đá bớt cơ cực, “lá lành đùm lá rách” ai cũng được thỏa niềm đam mê với trái bóng tròn...”, ông Chung trăn trở.
HLV Lê Thụy Hải: Cứ đến 30/4 lại nhớ... Cùng có mặt trong trận cầu lịch sử và còn ghi bàn thắng ấn định chiến thắng 2-0 cho đội Tổng cục Đường sắt trước Cảng Sài Gòn, ông Lê Thụy Hải xúc động nói: “Tất cả mọi kỉ niệm trong đời, cái gì cũng có điều đáng nhớ và đáng quên. Nhưng với tôi, trận cầu lịch sử năm đó thực sự để đời. Bóng đá là để người ta xích lại gần nhau. Tôi còn nhớ như in khi kết thúc 90 phút thi đấu, dù đội chủ nhà thua 0-2, nhưng khán giả miền Nam đều rất vui sướng hạnh phúc. Những lời hát của bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” liên tục vang lên, cùng các tiếng hò reo, cổ vũ cho cầu thủ hai đội. Giờ cứ đến ngày 30/4, tôi lại thấy nhớ...”. |