Trăm nẻo nghề chủ phòng trà
- Văn hóa - Giải trí
- 13:23 - 15/10/2017
Phòng trà, chốn mưu sinh của ca sĩ mới nổi cũng như thành danh. Ảnh: Trần Nguyễn Anh.
Nét văn hóa Sài Gòn
Phòng trà ca nhạc là một nét văn hóa đặc trưng của Sài Gòn, nơi người xem có thể nhâm nhi những ly trà, những ly cà phê, thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật được biểu diễn bởi những giọng ca tên tuổi. Không xô bồ như những buổi dạ tiệc nhưng cũng không quá gò bó như khi xem những buổi biểu diễn ở nhà hát. Đa số những phòng trà đích thực ít khi bán bia, vì bia thì phải kèm theo mồi nhậu… Tiếp viên và âm nhạc cũng khác. Anh Thanh Bình, một nhạc sĩ và một người hay viết phê bình âm nhạc nói: “Tôi rất thích âm nhạc phòng trà, bởi không khí gần gũi, đặc biệt nghệ sĩ biểu diễn ở phòng trà có lỗi diễn mộc mạc, giàu tình cảm, phục vụ một số ít khách quen nên họ diễn theo những gu âm nhạc riêng”.
Phòng trà ca nhạc tại Việt Nam xuất hiện từ đầu thế kỷ, có lẽ ảnh hưởng lối sống của châu Âu. Một cựu ca sĩ phòng trà chính là nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Ông nói với tôi: “Những năm 1940, ở thành phố Vinh có phòng trà ca nhạc, hình như chủ là một người gốc Hoa. Các nghệ sĩ nổi tiếng qua đó, ghé lại biểu diễn và tôi diễn ở phòng trà đó mà gặp và quen nhạc sĩ Phạm Duy”.
Sinh thời nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cũng là nhạc sĩ phòng trà. Ông cũng kể lại với tôi: “Mình đi kháng chiến rồi trở vào thành, làm phòng trà ca nhạc, viết những bài tình cảm về quê hương, đất nước. Khách xem rất đông, bao nhiêu vé bán cũng hết”.
Sau năm 1954, phòng trà ca nhạc nở rộ tại Sài Gòn. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từng kể với phóng viên: “Đa số chủ phòng trà những năm 1950-1960 tại Sài Gòn là anh em văn nghệ sĩ ngoài Bắc di cư đem theo nghệ thuật làm phòng trà vào. Các phòng trà tập trung ở phố Bùi Viện và khu trung tâm. Ban đầu anh em tự học nhạc, người có khiếu vào hát thì được chủ mời làm ca sĩ. Sau này khi có trường nhạc chính quy mới có ca sĩ bài bản”.
Bỏ nghề đi làm công nhân
Sau 1975, khi cơ chế hợp tác xã bao trùm toàn miền Nam thì phòng trà ca nhạc hoàn toàn biến mất. Các nghệ sĩ hoặc giải nghệ, hoặc phục vụ trong các đoàn ca nhạc của nhà nước, vào các đội văn nghệ của xí nghiệp. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 kể lại rằng: “Một hôm, mình được mời đi biểu diễn piano tại một khách sạn chuyên đón khách quốc tế của thành phố. Cảm xúc bồi hồi xúc động vô cùng, vì trước đó toàn đi làm công nhân. Ngồi trước cây đàn, bồi hồi mãi mới đánh được. Nhưng mình cũng linh cảm rằng đất nước rồi sẽ thay đổi”.
Sau thời điểm đổi mới 1986, nhiều phòng trà bắt đầu xuất hiện nhưng còn khá thưa thớt vì người ta còn ngại thứ nhạc phòng trà là “nhạc vàng”. Nhiều tụ điểm âm nhạc mọc lên nhưng chủ yếu là dành cho nhạc làn sóng xanh, nhạc rock. Mãi tới những năm gần đây, âm nhạc phòng trà mới dần đi vào đời sống của người TPHCM.
Phòng trà Ân Nam có lẽ là một trong những phòng trà gợi nhớ nhiều nhất đến những phòng trà xưa của Sài Gòn, bởi chủ quán là danh ca Lan Ngọc nổi tiếng từ trước 1975. Phòng trà này được thiết kế nằm sâu dưới lòng đất, hoàn toàn tách biệt với thế giới ồn ào náo nhiệt bên ngoài. Những ca khúc chậm rãi, những ca sĩ có tiếng hát trau chuốt. Ca sĩ Lan Ngọc thường trực tiếp đứng trên sân khấu phục vụ khán giả những ca khúc được trình bày với thứ tiếng Bắc 1954 rất tròn vành rõ chữ.
Những nghệ sĩ phòng trà tiếng tăm trước 1975 cũng từ hải ngoại trở về để làm tiếp những công việc mơ ước dang dở. Vợ chồng nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng với phòng trà Tiếng Xưa quy tụ rất nhiều ca sĩ về từ hải ngoại như Ý Lan, Evis Phương, Tuấn Ngọc… MC của phòng trà cũng chính là nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng, người soạn lời Việt cho nhiều ca khúc quốc tế. Không ngạc nhiên khi tôi gặp ở đây nhiều nghệ sĩ gạo cội, trong đó có cả những người con của nhạc sĩ Phạm Duy.
Ca sĩ hải ngoại Lưu Bích biểu diễn tại phòng trà Đồng Dao. Ảnh: Trần Nguyễn Anh.
Thế hệ mới
Làm chủ những phòng trà ca nhạc hoàn toàn không phải là việc đơn giản và rất nhiều người đã thất bại, đánh đổi sự nghiệp tiền bạc của mình. Một trong số đó là ca sĩ Siu Black. Sự phá sản phòng trà của cô gần sân bay Tân Sơn Nhất là nguyên nhân chính khiến ca sĩ này “vỡ nợ”. Ca sĩ cho biết: “Chi phí cho duy trì phòng trà rất nhiều mà lượng khách, giá tiền phụ thu không cao. Làm phòng trà để có chỗ cho học trò thể hiện, thực hành là chính”.
Vợ chồng ca sĩ Cẩm Vân - Khắc Triệu là những ông bà chủ phòng trà khá thành công. Họ làm vài phòng trà tại TPHCM với phong cách âm nhạc của Cẩm Vân, những nét trữ tình hiện đại, âm nhạc chất lượng, không khí sôi nổi, phóng khoáng. Nhờ có phòng trà riêng mà Cẩm Vân vẫn giữ được phong độ biểu diễn của mình qua việc phục vụ khán giả hằng đêm.
Một phòng trà tiếng tăm khác tại TPHCM là Đồng Dao, nơi các ca sĩ gạo cội của Việt Nam như Hồng Nhung, Mỹ Linh thường có mặt. Mỹ Linh từng nói rằng, việc hát ở phòng trà hóa ra vất vả hơn rất nhiều những gì cô hình dung. Bởi hát ở phòng trà, việc trợ giúp của đạo cụ, âm thanh, ánh sáng rất ít. Ca sĩ phải nỗ lực biểu diễn sô lô liên tục suốt đêm diễn và thực sự phải là người có thể lực tốt mới có thể hát chương trình riêng ở phòng trà.
Danh ca hải ngoại từ Mỹ, ca sĩ Lưu Bích thường về nước biểu diễn tại phòng trà Đồng Dao và phòng trà We. Cô nói: “Bay rất mệt, nhưng không diễn thì… không có tiền. Hơn nữa khán giả cứ hẹn Lưu Bích trên các trang mạng xã hội, nên hứa rồi phải về”. Nhờ có lịch diễn cụ thể mà một số khán giả từ Thái Lan đã bay qua TPHCM chỉ để xem ca sĩ Lưu Bích biểu diễn. Mối quan hệ khá thân mật giữa khán giả và ca sĩ là đặc điểm riêng của nghệ thuật biểu diễn phòng trà.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 lúc còn sống luôn đánh giá rất cao dòng nhạc phòng trà. Ông nói: “Sân khấu lớn giờ đây thiếu đi cái hồn vía của nó và trở thành một thứ nghệ thuật biểu diễn tổng hợp nhiều yếu tố như vũ đạo, kịch bản, ánh sáng… Tiếng hát của ca sĩ chỉ chiếm một phần, thậm chí không nhiều, trong thành công của một chương trình sân khấu. Trong khi đó, âm nhạc phòng trà, tiếng hát của ca sĩ là yếu tố quan trọng nhất thu hút khán giả”.