THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:23

Trăm năm dòng họ 'Kim tiền'

 

Làng nghề vua chúa

Nằm trên bờ sông Tô nay đang được bê tông hóa, bên những khu phố mới với những ngôi nhà cao tầng cùng hàng cây mang dáng dấp một thị tứ công nghiệp, phường Nghĩa Đô nhanh chóng “hội nhập”. Đem chuyện về những tờ giấy sắc của các triều đại vua chúa xưa kia tôi tìm đến dòng họ Lại Phú uy danh một thuở, được biết phường Nghĩa Đô ngày nay do nhiều làng hợp lại. Thế nhưng dòng họ Lại mà tôi cần tìm lại ở gần chợ Bưởi, có tên cổ là làng Nghè.

Lên khu chợ Bưởi, dò hỏi mãi, được một cụ tuổi đã gần 90, bán nước bên gốc đa đầu làng cho biết: Nhà cụ Lại Phú Bàn ngay đây thôi. Thế nhưng trừ lứa tuổi chúng tôi ra hiện người ta không còn nhớ tên cụ ấy nữa. Tìm vào nhà cụ Lại Phú Bàn - người được coi là nghệ nhân cuối cùng của nghề làm giấy sắc. Bà Ngô Thị Hảo - vợ của cố nghệ nhân Lại Phú Bàn cho biết: Ông nhà tôi đã mất khá lâu. Căn nhà cổ đã được dỡ để chia đất cho 7 người con. Hỏi chuyện giấy sắc, chúng tôi cùng bà Hảo ngược lại lịch sử, những tháng ngày của làng nghề và ngay chính dòng họ Lại. Nghề làm giấy sắc của họ Lại cũng như người dân trong làng bắt đầu từ khi ông tổ họ Lại được chúa Trịnh Tông kén làm rể. Với đôi tay tài hoa, trong một lần thiết triều, ông tổ họ Lại được Trịnh Tông gợi mở về ước muốn có một loại giấy để dùng làm sắc phong cho các quan đầu Triều hoặc Thượng đẳng thần. Là người Kẻ Chợ, nhà gần làng Yên Thái, ông tổ họ Lại đi vào nghiên cứu, tìm tòi và chế tác thử.

 

Những tờ sắc phong quý giá còn lại của dòng họ Lại Phú.

 

Ngày ông tổ họ Lại đem những tờ giấy sắc tới trình Phủ Chúa, không riêng gì nhà Chúa mà tất cả các cận thần đều khen ngợi. Cầm những tờ giấy sắc sáng ngời, lấp lánh; nhà Chúa đã không nề hà, phong ngay cho họ Lại là dòng họ "Kim tiền". Sắc phong rồi nhà Chúa cho phép dòng họ Lại nói riêng và dân làng Nghĩa Đô nói chung được "độc quyền" sản xuất giấy sắc - giấy để viết sắc phong của vua chúa. Để có tờ giấy sắc nổi tiếng, các công đoạn làm ra nó cũng không hề đơn giản.

Nguyên liệu làm giấy sắc đầu tiên phải kể đến cây dó. Để có chất lượng tốt thì chỉ có cây dó mọc ven dòng sông Thao (đoạn sông Hồng chảy qua huyện Sông Thao bây giờ, còn gọi là dó Thao) mới đáp ứng được yêu cầu.

Giấy dó sau khi được “nghè” xong, phơi khô, công việc của người già bắt đầu. Công đoạn về hoạ tiết này cần sự cẩn thận, hợp với người già. Tùy sắc phong, phẩm hàm mà vua chúa cần ban, giấy sắc có họa tiết khác nhau. Vàng bạc được triều đình đưa xuống, được nghệ nhân láng dát mỏng, nghiền mịn, trộn với keo da trâu, được đánh nhuyễn và trình bày trên giấy theo các họa tiết.

Giấy làm sắc phong cho các quan đầu triều hoặc thượng đẳng thần, tùy phẩm cấp, tùy mức độ sẽ có những họa tiết khác nhau, chỉ vua chúa biết được và tuyệt đối không làm giả được. Nhất cáo sắc mặt trước vẽ 9 rồng (cửu Long) cùng dấu triện. 9 rồng gồm 1 rồng lớn nằm ở giữa tâm, 8 rồng nhỏ nằm ở đường bao quanh sắc. Ngoài 8 rồng, hoạ tiết chính sắc phong loại này vẽ tứ linh (long, ly, quy, phụng). Nhị cáo sắc hoặc tam cáo sắc thường mặt sau chỉ có nhị linh (long, phụng).

Sự mai một theo thời gian

Theo thời gian làng giấy sắc phong Nghĩa Đô cũng như uy danh của dòng họ Lại Phú cũng dần bị mai một. Dấu ấn của làng nghề chỉ còn lại những tờ sắc phong trong các bảo tàng lịch sử. Lớp trẻ ở làng lớn lên đã dần quên nghề làm giấy sắc. Ngay cả dòng họ Lại, với ông tổ khai sinh ra nghề làm giấy sắc phong nổi tiếng truyền lại giờ cũng chỉ còn duy nhất cô con gái út Lại Thu Hà là còn chút đau đáu với nghề. Ngoài những buổi dạy tiếng Anh, khi có người thuê làm cô lại chắp bút vẽ, nhưng không nhiều, bởi những người hiểu giá trị, có nhu cầu về những tấm giấy sắc phong ngày nay không nhiều. Hơn nữa, số người biết đến truyền thống về một làng nghề có một không hai này chẳng là bao.

NHỊ NGUYÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh