THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:46

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhìn từ giác độ kinh tế.

Thế nào là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp?

Khái niệm “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” (Corporate Social Responsibility - CSR) đã xuất hiện từ những năm 1970 của thế kỷ XX. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được bắt đầu biết đến với luận điểm nổi tiếng của nhà kinh tế học người Mỹ là Giáo sư Milton Friedman (đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1976 với công trình nghiên cứu: “Phân tích tiêu dùng, lịch sử và lý thuyết tiền tệ”). Milton Friedman cho rằng: “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp sẽ làm tăng lợi nhuận của họ”. Luận điểm này đã nhanh chóng chiếm lĩnh các diễn đàn tranh luận từ giới khoa học, chính trị cho đến giới doanh nhân và các tầng lớp tri thức khác trong xã hội Mỹ lúc bấy giờ.  

Ngay sau đó, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đã trở thành xu hướng của tầng lớp tiến bộ ở các nước tiên tiến trên thế giới. Ngày nay, quan điểm này vẫn đang tiếp tục phát triển và phổ biến rộng rãi. Hơn thế, nó đã trở thành nguyên tắc bắt buộc cho hầu hết các tập đoàn và công ty đa quốc gia trên thế giới. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ngày nay không những ràng buộc trong một phạm trù “đạo đức kinh doanh”. Thay vào đó, phần lớn các nguyên tắc này đã được luật hóa hoặc ít nhất được công nhận là “luật bất thành văn”. Từ những phân tích trên, dưới góc độ của một doanh nghiệp thì phát triển bền vững phải chăng là kinh doanh vừa để sinh lợi vừa để cống hiến cho xã hội, cho cộng đồng ? Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được hiểu như thế nào là đầy đủ và chính xác nhất ?

Trên bình diện lý thuyết thì có nhiều tranh luận về định nghĩa hoàn chỉnh khái niệm này. Giáo sư Augustine Hà Tôn Vinh (ĐH Hawaii) cho rằng: “CSR có thể được hiểu là cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho sự phát triển bền vững thông qua việc cân bằng ba yếu tố kinh tế - xã hội - môi trường. Hành vi này được gọi là phương pháp tiếp cận ba yếu tố, nhằm đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và xã hội. Hoạt động từ thiện chắc chắn mang lại một số tác động tích cực, nhưng sẽ còn có hiệu quả hơn nếu nó là một phần trong chiến lược CSR tổng thể”.

Theo tôi, “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” tóm lại có thể được phân loại như sau: (1) trách nhiệm với người tiêu dùng và thị trường; (2) trách nhiệm với cổ đông và người lao động; (3) trách nhiệm với cộng đồng; (4) trách nhiệm với thiên nhiên. Đây là 4 trách nhiệm cơ bản mà doanh nghiệp phải đảm bảo thực thi đối với xã hội. Như vậy, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp liên quan tới nhiều thành phần khác nhau trong xã hội. Tùy theo điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị, pháp luật của mỗi nước mà việc thực thi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp sâu rộng đến đâu.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: Kinh tế hay đạo đức ?

Để đảm bảo lợi nhuận của mình, các doanh nghiệp luôn luôn ý thức rằng không thể phát triển mà phớt lờ sức ép của dư luận. Dư luận ở đây có thể là khách hàng, công nhân viên, cổ đông, đối tác hoặc các chủ đầu tư trong nước và quốc tế. Các tập đoàn đa quốc gia thường không những biết cách làm gia tăng tối đa lợi nhuận mà còn luôn ý thức việc tạo ra những điều kiện để duy trì, phát triển những lợi ích của họ một cách bền vững. Một ví dụ kinh điển để minh chứng cho điều này là sự điều chỉnh của chủ nghĩa Tư Bản trong chính sách đối với người lao động ở thế kỷ XX. Các cuộc đấu tranh của phong trào công nhân ngày càng gia tăng đã buộc giới Tư Bản phải tăng lương, giảm giờ làm đồng thời cải thiện an sinh xã hội. Những việc làm này đã đẩy chi phí sản xuất tăng lên đồng nghĩa với việc lợi nhuận của họ giảm xuống, nhưng bù lại họ đạt được sự ổn định trong sản xuất để phát triển bền vững. Một minh chứng khác về trách nhiệm của doanh nghiệp với thiên nhiên là phong trào “xanh” trong hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp. Các doanh nghiệp không chỉ đốn cây, vơ vét rừng để lấy gỗ sản xuất và xuất khẩu. Họ phải đồng thời trồng cây gây rừng nhằm bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường sống của cộng đồng dân cư xung quanh.

Theo xu hướng tất yếu, các sản phẩm cạnh tranh trên thị trường ngày càng mang nhiều tiêu chí về bảo vệ môi trường như phải sạch; tiết kiệm năng lượng; nguyên vật liệu chính cũng như hóa chất sử dụng cho sản xuất phải không độc hại cho người trực tiếp sản xuất, người vận chuyển và tiêu dùng;... như câu chuyện về Tập đoàn Unilever. Tập đoàn này đã liên kết với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho ra một sản phẩm là muối i-ốt tại thị trường Ấn Độ. Sản phẩm muối i-ốt không chỉ là một thực phẩm đơn thuần nhằm đem lại lợi nhuận cho nhà sản xuất mà còn mang lại sức khỏe cho người tiêu dùng. Sản phẩm này sau đó đã nhanh chóng chiếm lĩnh phần lớn thị phần muối ăn tại Ấn Độ. Câu chuyện trên cho thấy Unilever không đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu mà là sức khỏe người tiêu dùng cũng như sức khỏe cộng đồng, thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội cao và tự bản thân việc làm đó đã mang lại lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp này.

Chúng ta không chấp nhận “phát triển kinh tế bằng mọi giá”. Nhìn vào sự kiện Formosa (Hà Tĩnh) xã thải trực tiếp ra biển miền Trung; vụ Vedan (Đồng Nai) xả thải trực tiếp ra sông Thị Vải; ... đã để lại hệ lụy rất lớn cho đất nước, đến sức khỏe và thu nhập người dân cũng như đến môi trường tự nhiên.

Nhìn nhận về vai trò của trách nhiệm xã hội trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp, ông Florian Beranek, cố vấn trưởng kỹ thuật của Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (Dự án Unido) cho rằng:  “Bảo đảm trách nhiệm với các vấn đề về môi trường, con người và xã hội là cốt lõi của sự phát triển bền vững mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải thực hiện”. Như vậy, từ những ý niệm đạo đức ban đầu dưới sức ép của dư luận, trách nhiệm xã hội đã dần dần được luật hóa và các quy định bất thành văn. Mặt khác, hơn ai hết chính bản thân các doanh nghiệp ý thức được rằng việc tuân thủ các điều lệ này đồng thời cũng là cơ hội để gia tăng lợi nhuận. Toàn cầu hóa không chỉ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp mà còn đạt họ vào một quá trình giám sát có hệ thống. Có thể khẳng định rằng, việc hoàn thành trách nhiệm xã hội sẽ tạo ra cho doanh nghiệp những con đường phát triển bền vững hơn trong tương lai.                                                                                

“CSR có thể được hiểu là cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho sự phát triển bền vững thông qua việc cân bằng ba yếu tố kinh tế - xã hội - môi trường. Hành vi này được gọi là phương pháp tiếp cận ba yếu tố, nhằm đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và xã hội...” GS. Hà Tôn Vinh

ThS. LÊ HOÀNG TRỌNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh