THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:29

Trách nhiệm đạo đức xã hội của người cầm bút

 

Văn học và xã hội

Văn học bắt nguồn từ đời sống xã hội, chịu sự chi phối của những điều kiện kinh tế xã hội cụ thể. Văn học phản ánh thực tại đời sống, nó là một hình thái ý thức xã hội. Không có thứ văn học nào đứng ngoài xã hội, chính trị, kinh tế.

Để định giá tác phẩm văn học và định vị những đóng góp của chủ thể sáng tạo đối với lịch sử văn học dân tộc, không thể không xét tới chức phận của nó đối với cái xã hội sinh ra nó, mang lại ý nghĩa cho nó.

Chức năng của văn học trước hết là phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân, dân tộc. Lý giải nét đặc sắc và sức sống của văn chương Nguyễn Công Hoan, trong một bài viết cách nay 30 năm, Nguyễn Minh Châu cho rằng: Ở cái buổi giao thời biết bao sự mời gọi tưởng rất khó cưỡng nổi của văn hóa ngoại lai, đứng trước nguy cơ bật gốc trốc rễ hồi đầu thế kỉ XX, Nguyễn Công Hoan là một cây bút giàu bản lĩnh.

Bài học kinh nghiệm mà cây bút trào phúng bậc thầy này để lại là: “đừng bao giờ lười biếng nằm ỳ ra trên trang viết như một sự tự khuôn định, và cũng đừng bao giờ để cho văn chương trở nên xa lạ với đời sống dân tộc mình”.

Ở trong con người nhà văn Nguyễn Công Hoan có một thứ “bản năng tinh thần dân tộc mạnh mẽ”, ông thường xuyên mô tả các nhân vật của mình “bằng ngôn ngữ dân tộc, bằng lối nói nôm na đầy ý vị của người Việt Nam”; “đối với một đời văn, cái đáng kể là những điều nhà văn ấy đã làm được cho đời”, Nguyễn Công Hoan là “người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho nền văn xuôi hiện thực phê phán”, ông “ra đời như một tác giả truyện cười dân gian, mà ngày xưa thời nào trong nông thôn ta cũng có”.

Để tạo ra cái mới, làm giàu thêm truyền thống văn học dân tộc, nhà văn có thể chỉ cần đi sâu vào văn hóa dân tộc mình, trở về với suối nguồn tư duy dân gian, ngôn ngữ dân gian, với lời ăn tiếng nói hàng ngày.

Để thực hiện chức phận đối với xã hội, văn học không chỉ tin tưởng vào con người, bênh vực con người, phê phán cái xấu, cảnh tỉnh người đọc, mà còn góp phần xác lập, duy trì và phát triển những chuẩn mực đạo đức trong xã hội hiện đại.

Thiên chức của nhà văn là tạo ra cái đẹp giàu giá trị thẩm mỹ và nhân văn. Qua hình tượng thẩm mĩ độc đáo, văn chương khơi gợi ở người đọc những cảm xúc nhân văn, dẫn dắt người đọc đến chân trời mĩ cảm cao đẹp.

Nhưng để làm tốt trách nhiệm đối với xã hội, trước hết nhà văn phải làm tốt trách nhiệm với chính mình, có trách nhiệm đối với những gì mình viết ra, với bạn đọc của mình, đối với chính nghề viết của mình.

Nhà văn phải thành thực với bản thân và trung thực với sự thật.Trách nhiệm đạo đức xã hội của người cầm bút

 

Nhiều giá trị cốt lõi, đức tính tốt đẹp của dân tộc chịu sự tác động tiêu cực của cơ chế thị trường và bối cảnh hội nhập; đạo đức ngành y xuống dốc khiến nhiều người phẫn nộ; đạo đức học đường trở thành vấn đề đáng lo ngại của cả xã hội;

đạo đức gia đình, những giá trị truyền thống đẹp đẽ của gia đình bị băng hoại; nhiều người trẻ thiếu lý tưởng, sống ích kỉ, thực dụng, thích hưởng thụ, đua đòi, lệch lạc; không ít người ở độ tuổi trưởng thành cũng sống thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội;

hiện tượng máu lạnh giết người không ghê tay, mất hết nhân tính có chiều hướng gia tăng, lương tâm con người bị bào mòn, ngày càng nhiều hiện tượng vô cảm, thờ ơ trước số phận ngang trái, nỗi đau của con người; sự suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, tư tưởng của một bộ phận  không nhỏ cán bộ, đảng viên làm suy giảm niềm tin của quần chúng nhân dân...

 

Trách nhiệm của nhà văn đương đại

Một trong những nhiệm vụ của nhà văn là chống lại sự xâm lăng văn hóa, mất gốc và phôi pha bản sắc văn hóa dân tộc, phê phán những hiện tượng lai căng, đồng thời cần có cái nhìn cởi mở, tiếp thu những tinh hoa của nhiều nền văn hóa trên thế giới, tránh quan niệm bảo thủ, hẹp hòi, khép kín.

Trước các vấn đề như chủ quyền an ninh quốc gia, bằng ngòi bút của mình, nhà văn cổ vũ tinh thần đoàn kết, khẳng định ý chí, bản lĩnh, sức mạnh dân tộc, bên cạnh đó cũng cần tỉnh táo chọn lọc thông tin để tránh bị lợi dụng hoặc hoang mang.

Nhà văn chân chính không sáng tác những tác phẩm xuyên tạc, bóp méo lịch sử, giải thiêng những biểu tượng văn hóa, lịch sử thiêng liêng của dân tộc...

Giữa bao nhiêu vấn đề nóng bỏng, nhức nhối của xã hội, thời đại, người cầm bút chỉ đề cao giá trị tiêu khiển, hình thức trò chơi của văn học, vẫn chỉ quanh quẩn với đề tài sex... không phải là thứ văn học ích kỉ, giả dối, cự tuyệt đa số thì là gì?

Đo sự nổi tiếng bằng mức độ truyền thông, đánh bóng tên tuổi hoặc bằng sự chỉ trích, phê phán, cấm xuất bản, thu hồi... không phải là quan niệm sáng tác lệch lạc thì là gì? Albert Camus cho rằng, nghệ thuật không phải là lạc thú để hưởng một mình, nghệ thuật là phương tiện để chia sẻ, cảm thông với quần chúng về những nỗi đau chung và những niềm vui hân hoan chung, “chúng ta xúc cảm như nhau trước những điều cùng trông thấy, trong những cảnh mà chúng ta cùng chịu đựng”.

Người cầm bút cần quan tâm nhiều hơn nữa đến số phận con người cá nhân, những bất công xã hội, hướng vào nâng đỡ, hoàn thiện nhân cách con người, làm cho tâm hồn con người được thanh lọc, làm giàu thêm cảm xúc con người.

Văn học có quyền năng và sức mạnh vô song không gì thay thế được, nó “giúp người ta nhận ra rằng, hoàn thiện là biết mình chưa hoàn thiện. Nó buộc con người thường xuyên phải đối diện với chính mình, lặng lẽ tự soi chiếu, tự đối thoại, tự điều chỉnh.

Nó thiết lập tòa án lương tâm trong mỗi con người, buộc anh ta phải suy xét, tự kiểm nghiệm, tự phán xử; nó truy đuổi đến tận ngõ ngách, làm cho không ai trốn chạy khỏi chính mình.

Bằng những hình tượng sống động, văn học nghệ thuật truyền tải khát vọng thẩm mỹ và tình yêu con người, mang theo lẽ phải và tình thương, mang theo sức sống và hơi ấm đến công chúng” (nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu).

Đọc một tác phẩm chúng ta mong muốn tìm thấy ở đó một bài học nhân sinh, một kinh nghiệm sống tốt ở đời, văn học cho phép ta “hiểu sâu sắc hơn về con người và thế giới này và phát hiện vẻ đẹp muôn màu làm cho đời sống mình thêm phong phú” (Todorov).

Hiểu văn học, biết phương pháp đọc văn học không phải là mục đích cuối cùng. Đọc hiểu văn học là một trong những “phương tiện vững chắc và vẻ vang dẫn con người đến chỗ hoàn hảo”.

Văn học cũng không phải là “thú tiêu khiển tầm thường, hay một sự giải trí dành riêng cho hạng người có học, nó giúp cho mỗi chúng ta đáp ứng thiên chức làm người của mình” (Todorov).

Đó chính là trách nhiệm đạo đức xã hội của văn chương hôm nay.

Minh Hải

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh