Trà Vinh: Nông dân trồng mía lợi nhuận cao
- Dược liệu
- 13:20 - 14/03/2017
Cũng như nhiều tỉnh, thành ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, phần lớn hộ nghèo của Trà Vinh tập trung ở khu vực nông thôn, vùng đông đồng bào dân tộc Khmer.
Nguyên nhân sâu xa chủ yếu là do hộ nghèo không có đất hoặc thiếu đất sản xuất và tư liệu sản xuất. Nhìn chung hộ nghèo thừa sức lao động, nhưng thiếu kiến thức về kỹ thuật sản xuất, phương thức sản xuất lạc hậu, không định hướng được cơ cấu cây trồng hiệu quả, phù hợp để tạo thu nhập cho gia đình.
Từ thực trạng ấy, trong những năm gần đây tỉnh Trà Vinh đã tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu những cây trồng theo hướng đem lại giá trị kinh tế cao. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu, để góp phần vào công tác giảm nghèo ở vùng nông thôn Trà Vinh.
Từ định hướng thiết thực và cụ thể ấy, nhiều mô hình sản xuất đa dạng hóa cây trồng đã giúp cho nông dân có thu nhập cao từ 50 triệu đồng/1 ha/vụ. Thực tế đã khẳng định việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất là con đường tốt nhất và ngắn nhất để người nông dân vượt lên đói nghèo.
Nhờ chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây mía đường mà nhiều nông dân vùng đồng bào Khmer Trà Vinh vươn lên thoát nghèo bền vững
Điển hình như các huyện Trà Cú, Tiểu Cần, Cầu Ngang, Duyên Hải đã chuyển diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây mía đường cung cấp nguyên liệu cho Công ty Mía đường Trà Vinh.
Được biết, tính riêng niên vụ năm 2015 – 2016, nông dân tỉnh Trà Vinh đã trồng được trên 4.430 ha mía đường, diện tích trồng nhiều nhất là ở hai huyện Trà Cú và Tiểu Cần.
Năng suất mía của niên vụ 2015 – 2016 đạt bình quân từ 100 tấn – 120 tấn / ha, những hộ trồng giống mía mới, đạt từ 140 tấn – 170 tấn /ha. Nông dân rất phấn khởi vì giá mía nguyên liệu ổn định và cao, với trên 1 triệu đồng/ tấn, cao gấp 3 lần so với những niên vụ trước.
Có thể nói, những năm gần đây, việc chuyển đổi cây lúa kém liệu quả trên một số vùng đất, sang trồng mía ở các huyện: Trà Cú, Tiểu Cần, Cầu Ngnag đã trở thành một phong trào thu hút nhiều nông dân tham gia, đạt hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ có lợi nhuận trên 50 triệu đồng/1 ha/vụ.
Niên vụ 2015 - 2016 Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn các huyện kể trên đã phối hợp cùng Công ty Mía đường Trà Vinh tiếp tục đầu tư những giống mía có thời gian thu hoạch theo hình thức rãi vụ, mở rộng thêm diện tích và áp dụng kỹ thuật tăng năng suất, chất lượng cây mía.
Từ thực tiễn hiệu quả trong những niên vụ vừa qua, hiện nay tỉnh Trà Vinh đã và đang khuyến khích nông dân mở rộng diện tích vùng trồng mía nguyên liệu. Theo đó, từ nay tới năm 2020 diện tích trồng mía toàn tỉnh sẽ nâng lên khoảng 8.000 ha, tập trung chủ yếu tại 4 huyện: Trà Cú, Tiểu Cần, Duyên Hải và Cầu Ngang.
Để thực huyện được kế hoạch trên, UBND tỉnh và Công ty Mía đường Trà Vinh đã có những chính sách , chương trình hỗ trợ nông dân về mối liên kết chặt chẽ “4 nhà”, tang cường áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây mía nguyên liệu.