CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:08

TP.Hồ Chí Minh:100% hộ nông dân được dùng nước sạch

 

Tại hội nghị Thành ủy lần thứ 24, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải yêu cầu, phải giảm thất thoát nước. Đồng thời phải đặc biệt lưu ý cốt lõi nhất là chất lượng nước cung cấp cho người dân sử dụng. Phải làm sao từ đầu nguồn đến cuối nguồn nước cấp phải đạt chất lượng như nhau. Ở các nước, nguồn cung cấp nước đảm bảo mở vòi ra là có thể uống ngay, còn người dân mình luôn nhận được khuyến cáo nên uống sôi, ăn chín. Phấn đấu đến cuối năm 2015 cung cấp  nước sạch, nước hợp vệ sinh cho 100% hộ dân. Để hoàn thành mục tiêu này, từ nay đến cuối năm TP còn phải cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh cho khoảng 350.000 hộ dân. UBND TP vừa phê duyệt đề án xã hội hóa đầu tư phát triển, quản lý hệ thống cấp nước và phân phối nước sạch trên địa bàn huyện Củ Chi. Theo đó, từ nay đến cuối năm 2019, Công ty cổ phần hạ tầng nước Sài Gòn (Saigon Water) sẽ đầu tư hơn 4.300 tỷ đồng với mục tiêu cung cấp nước sạch cho toàn bộ dân cư của huyện ngoại thành này.

Hiện nay Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn TP.Hồ Chí Minh đang quản lý 120 trạm cấp nước tập trung tại 11 quận, huyện phân bố trên 66 phường, xã phục vụ cho 278.367 dân, lưu lượng nước sử dụng bình quân là 1.300.000  m3/tháng. Khu vực huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè, quận 8, quận Bình Tân với 57 trạm cấp nước tập trung phục vụ cấp nước cho 139.737 dân tại 9 phường và 17 xã; trong đó có các xã nghèo, vùng sâu,vùng xa của thành phố. Hiệu suất khai thác chung đạt từ trên 66 - 100%, trong đó có 23/57 trạm đạt trên 90% công suất thiết kế.

UBND TP cho biết đối với những hộ dân chưa được sử dụng nước sạch, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm soát chất lượng nước. Sau khi Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng TP tổ chức kiểm tra chất lượng nước tại 1.400 vị trí đại diện, tập trung vào 7 quận, huyện là Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Bình Tân, Thủ Đức và quận 12 thì chỉ có 58 mẫu đạt chỉ tiêu hóa lý (đạt 4,14%). Hầu hết các mẫu không đạt chỉ tiêu hóa lý là do độ pH thấp và hàm lượng sắt cao. Như vậy, chất lượng nước tại các vị trí kiểm tra hầu hết không đạt Quy chuẩn Việt Nam 02:2009/BYT của Bộ Y tế.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, UBND TP đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với Sở KH&CN, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng TP và chủ tịch UBND các quận, huyện thí điểm nhiều loại thiết bị lọc nước hộ gia đìnhcông nghệ khác nhau (kể cả các loại thiết bị do Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV - SAWACO - thiết kế) để xử lý nước ngầm, sông, ao, hồ, kênh, rạch, mương... Riêng tại huyện Củ Chi đã hoàn tất lắp đặt 100 thiết bị xử lý nước cho 100 hộ dân ở đây. Sở KH&CN, Sở Y tế đang tổ chức đánh giá thiết bị và kiểm tra chất lượng nước sau khi xử lý. Qua kiểm tra, UBND TP nhìn nhận tình hình thông tin chất lượng nước và hướng dẫn cách xử lý nước, sử dụng nước an toàn đến từng hộ dân trên địa bàn vẫn chưa được khắc phục.

Riêng huyện Củ Chi, Chủ tịch UBND huyện và Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty CP Hạ tầng nước Sài Gòn (SII) tổ chức rà soát các điểm đặt bồn. Hiện nay, đã rà soát được 886/1.401 vị trí. Trong đó, 150 vị trí sẽ lắp đặt bồn, các vị trí còn lại được cấp nước bằng giải pháp phát triển mạng lưới cấp nước. UBND TP cũng đã chỉ đạo chủ tịch UBND huyện Củ Chi tập trung vận động người dân, bảo đảm bàn giao mặt bằng các vị trí còn lại, chậm nhất là cuối tháng 9.

Trong tổng thể của sự phát triển chung ấy, trong những năm qua, bài toán về nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của huyện đã được các ngành, các cấp TP và huyện đặt ra và ưu tiên giải quyết. Kết quả đạt được là khả quan. So với những năm trước đây, người dân phải đi đổi từng can nước để sinh hoạt, còn nước phục vụ sản xuất hết sức thiếu thốn... thì đến nay đã có gần 100% người dân được tiếp cận và sử dụng nước sinh hoạt từ các nguồn sẵn có của TP. Riêng thị trấn Nhà Bè và xã Phú Xuân đã có hệ thống nước máy của thành phố đưa về phục vụ. Tuy nhiên, về cơ bản thì nước sinh hoạt phục vụ nhân dân địa bàn huyện Nhà Bè vẫn còn thiếu và ngày càng trầm trọng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt và sản xuất ngày càng lớn.

Như vậy, giải pháp trước mắt giải quyết vấn đề nước sinh hoạt cho huyện Nhà Bè vẫn là tăng cường vận chuyển nước bằng xe, sà lan bơm vào các họng nước để phục vụ cho khu vực thị trấn Nhà Bè và xã Phú Xuân; đồng thời khai thác có hiệu quả nguồn nước sạch nông thôn cũng như tăng cường vận chuyển nước bằng xe bồn phục vụ 5 xã nông thôn của huyện theo chương trình trợ giá của TP. Và để giải quyết được bài toán về nguồn nước phục vụ cho nhân dân Nhà Bè nói riêng và các quận, huyện phía đông của TP vẫn còn phải trông chờ vào việc đưa nước vượt sông Sài Gòn của Nhà máy BOO. Mong rằng, các cơ quan chức năng của thành phố, Tổng công ty cấp nước TP và Công ty BOO triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, nỗ lực đưa nước về phục vụ cho nhân dân huyện Nhà Bè.

NGỌC TÁNH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh