THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:54

Người dân không còn… “khát nước sạch”!

Hà Nam là một trong những địa phương có nguồn nước ngầm bị nhiễm asen nặng, trong đó có những xã lượng asen vượt hơn 300 lần cho phép. Tại xã An Lão, một trong những xã nhiễm asen nặng trên địa bàn huyện Bình Lục vào đầu năm 2015, người dân nơi đây đã có nước máy để sinh hoạt. Nhà máy nước sạch đầu tư ở An Lão là công trình phúc lợi phục vụ dân sinh, có tổng kinh phí khoảng 32 tỷ đồng, được Chính phủ hỗ trợ 90% vốn đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới, còn lại 10% là nguồn vốn của nhân dân đóng góp. Nhà máy có công suất 2.400 m3/ngày đêm, phục vụ hơn 13.000 nhân khẩu ở 11 thôn của xã.

Một người dân ở thôn An Lão cho biết: Nhiều năm qua, người dân chúng tôi phải dùng nước giếng khoan có màu vàng úa. Mặc dù nước đã được lọc, nhưng vẫn không yên tâm nên chỉ dùng để tắm rửa, giặt giũ và vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, còn nước ăn thì nhà nào cũng phải xây một bể để chứa nước mưa dự trữ, nhưng cứ vào mùa khô là phải tiết kiệm từng tới từng giọt nước ăn. Giờ đây, có nhà máy nước người dân chúng tôi rất phấn khởi và yên tâm, không còn cảnh lo lắng mỗi khi mùa khô đến.

Hệ thống cấp nước sạch liên xã Liêm Tuyền, Liêm Tiết có công suất 4.500m3/ngày đêm. Ảnh: CH

Ông Vũ Đức Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết: “Trải qua 17 năm thực hiện Chương trình NS& VSMTNT, đến nay tại tỉnh Hà Nam nói riêng và toàn quốc nói chung đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các dự án nước sạch và môi trường ngày một nhiều và quy mô hơn, sử dụng công nghệ cao, hiện đại, đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Qua đó, đã tạo được nếp sống văn hóa, văn minh và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Đây cũng là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân”.

Để người dân nông thôn được dùng nước sạch, không còn cảnh “khát nước” dài ngày, vừa qua Hà Nam đã khánh thành dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch liên xã Liêm Tuyền, Liên Tiết với công suất 4.500m3 ngày/đêm, bảo đảm cung cấp nước sạch cho 12.778 người dân của 2 xã. Đây là dự án thuộc Hợp phần Cấp nước - Chương trình NS&VSMTNT dựa trên kết quả do Ngân hàng Thế giới tài trợ.

Đây là dự án thuộc hợp phần cấp nước của chương trình Nước sạch và VSMT do Ngân hàng thế giới tài trợ. Theo ông Tạ Đức Thắng, Giám đốc Trung tâm NS& VSMTNT (Sở NN&PTNT Hà Nam): Năm 2013, Hà Nam là 1 trong 8 tỉnh trong cả nước tiếp nhận hỗ trợ vốn vay của Ngân hàng Thế giới để thực hiện các dự án cấp nước và hợp phần vệ sinh. Năm 2014, là năm đầu tiên kiểm đếm kết quả đầu ra của Hợp phần cấp nước.

Quá trình thực hiện có sự thuận lợi là số đấu nối của 7 chương trình cấp nước tập trung, thuộc Chương tình Mục tiêu Quốc gia đã được Ngân hàng Thế giới chấp thuận, tính vào chỉ số đầu ra của Hợp phần cấp nước của chương trình này. Chương trình đã góp phần nâng tổng số người được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt khoảng 639.500 người, đạt 84% dân số của Hà Nam.

Theo đánh giá của Trung tâm NS& VSMTNT Hà Nam, hiện nay bên cạnh sự phấn khởi của đa số các hộ dân khi đã được sử dụng nước sạch, nhưng vẫn còn không ít hộ nhận thức về việc sử dụng nước sạch và giữ gìn vệ sinh môi trường vẫn còn hạn chế. Vì vậy, vẫn có tình trạng nhiều hộ lắp đồng hồ nước nhưng không phát sinh hóa đơn sử dụng nước và công tác thu nộp 10% giá trị đầu tư xây dựng công trình gặp nhiều khó khăn.

Để xảy ra tình trạng trên, một phần là do nguyên nhân công tác chỉ đạo, điều hành và tuyên truyền của chính quyền một số địa phương chưa kịp thời. Sự tham gia phối hợp trong công tác truyền thông trực tiếp đối với vấn đề vệ sinh chưa đi vào thực chất. Để chủ trương cải thiện chất lượng nước và vệ sinh môi trường nông thôn thông qua các chương trình mục tiêu đạt hiệu quả cao, trước hết cần có sự quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện của cấp chính quyền cơ sở.

Công tác truyền thông giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, giữ gìn môi trường sống là một sợi dây quan trọng kết nối và nâng cao trách nhiệm cộng đồng để các chương trình mục tiêu được phát huy hiệu quả và đem lại ý nghĩa thực sự.

 

Thực hiện Chương trình MTQG NS& VSMTNT giai đoạn 2012-2015, theo báo cáo tổng hợp từ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, đến cuối năm 2014, cả nước đã có 84,5% số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 42% được sử dụng nước đạt qui chuẩn 2 của Bộ Y tế; 63% số hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; trên 91% trường học và 93% trạm y tế công công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh; ở nhiều vùng nông thôn chất lượng nước sinh hoạt được cải thiện, tình hình vệ sinh làng xã, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh đã có những chuyển biến khá tích cực.

Cù Thị Hòa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh