THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:19

Nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho người có công

 


Phó Chủ Tich UBND TPHCM - Hứa Ngọc Thuận đến thăm và tặng quà cho đối tượng NCC


Chăm lo cho người có công là đạo lý đền ơn đáp nghĩa

Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: “Thành phố hiện có hơn 66.000 gia đình chính sách và người có công. Các phong trào chăm lo cho người có công luôn mang lại hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội rộng lớn, mang tính nhân văn cao và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Đây là một cố gắng to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố, góp phần để các gia đình chính sách phát huy truyền thống, phấn đấu vươn lên”.

 Hiện thành phố có 48.349 người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng của Nhà nước với kinh phí trên 65,3 tỷ đồng/tháng. Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ ưu đãi theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, thành phố đã hỗ trợ thêm cho các đối tượng bằng nguồn kinh phí của địa phương như trong năm 2012 đã hỗ trợ hàng tháng 200.000 đồng cho thương bệnh binh nặng, đặc biệt nặng; người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ đang hưởng định suất nuôi dưỡng với tổng kinh phí trên 13 tỷ đồng.

Trong năm 2014 thành phố cũng trợ cấp cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, bị mắc bệnh suy giảm khả năng lao động từ 200.000đồng đến 400.000 đồng/người/tháng. Trợ cấp thêm hàng tháng đối với 34 Bà mẹ Việt Nam anh hùng có 1 con là liệt sĩ 671.000 đồng; hỗ trợ cho mỗi Mẹ Việt Nam anh hùng 2.000.000 đồng/tháng đến cuối đời, đồng thời vận động các đơn vị phụng dưỡng nâng mức hỗ trợ hàng tháng lên 2.000.000 đồng/mẹ. Đến nay đã có 2.228 trường hợp được tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó 342 Mẹ còn sống. 

Về chăm sóc sức khỏe, tất cả người có công và thân nhân của họ đều được mua thẻ bảo hiểm y tế, được ưu tiên  khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế. Thành phố đã cấp 15.174 thẻ Bảo hiểm y tế cho người có công với cách mạng và thân nhân. Thực hiện chế độ phục hồi sức khỏe, đã giải quyết 19.231 trường hợp nghỉ dưỡng tại nhà và 4.128 trường hợp đi an dưỡng với tổng kinh phí do Trung ương cấp hơn 30,8 tỷ đồng. Cấp gia hạn dụng cụ chỉnh hình cho 592 trường hợp với số tiền hơn 705 triệu đồng.

Về giáo dục, bản thân người có công và con đẻ của họ đều được miễn 100% học phí khi đi học tại các cơ sở giáo dục đào tạo công lập hoặc được hỗ trợ học phí tại các trường ngoài công lập và được trợ cấp hàng tháng khi đang học tại các cơ sở đào tạo, được ưu tiên giải quyết việc làm khi ra trường. Giải quyết 4.788 lượt người hưởng trợ cấp ưu đãi học sinh - sinh viên với số tiền 15,1 tỷ đồng.

          Ngoài các hoạt động chăm lo thường xuyên cho người có công và các đối tượng thuộc diện chính sách, trong năm 2015, thành phố cũng đã xây dựng 135 căn nhà tình nghĩa với tổng số tiền hơn 5,6 tỷ đồng; Xây 28 căn nhà tình thương cho diện chính sách với tổng kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng; Sửa chữa chống dột 250 căn với kinh phí hỗ trợ hơn 8,1 tỷ đồng. Phối hợp với Sở Xây dựng triển khai thực hiện Quyết định số 22/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Qua rà soát, có 1.491 hộ người có công cần hỗ trợ trong đó có 220 hộ cần xây mới và 1.271 hộ cần sửa chữa nhà ở. Thành phố đã thực hiện tạm ứng kinh phí từ ngân sách thành phố để thực hiện việc xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 1.283 hộ người có công. Vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 8,8 tỷ đồng.

Kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ, thành phố đã tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho 126.875 người với tổng kinh phí hơn 81,4 tỷ đồng (trong đó ngân sách trung ương gần 11,4 tỷ đồng, ngân sách thành phố hơn 68,5 tỷ đồng, ngân sách quận – huyện hơn 1,5 tỷ đồng); Thực hiện chăm lo Tết cho 292.887 đối tượng chính sách với tổng kinh phí hơn 298,4 tỷ đồng.

 

Tích cực giải quyết hồ sơ tồn đọng về người có công

Đến nay số hồ sơ kê khai xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng ở các địa phương trong thành phố là 63.543 trường hợp, với 4,19% người có công  hưởng chưa đầy đủ; 0,09% đối tượng hưởng sai chính sách. Đặc biệt, rất nhiều người có công đã không đủ thời gian, sức khỏe để chờ được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Cần làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức tham gia giải quyết chính sách người có công, đặc biệt là trong việc giải quyết các hồ sơ tồn đọng sau khi chiến tranh đã kết thúc hàng chục năm. Hiện cả nước đang tiến hành đợt tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công theo Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 27-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là đợt rà soát có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Thông qua kết quả rà soát tồn đọng, Bộ LĐTB-XH cần sớm chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để điều chỉnh, sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan, đặc biệt là Thông tư số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP cho phù hợp với thực tế, đặc biệt là tháo gỡ vấn đề xác nhận đối với cựu TNXP không còn giấy tờ gốc.

Ngọc Thiện/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh