TP.HCM: Tư vấn pháp luật cho gần 3.400 người lao động
- Bài thuốc hay
- 07:34 - 29/06/2022
Chiều ngày 28/6, Liên đoan lao động (LĐLĐ) TP.HCM đã tổ chức hội nghị giao ban công tác tư vấn pháp luật và quan hệ lao động 6 tháng đầu năm 2022.
Tại hội nghị, LĐLĐ TP.HCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, Trung tâm Tư vấn pháp luật đã tư vấn cho 373 trường hợp, các Tổ Tư vấn pháp luật đã tư vấn 3.014 trường hợp về kỷ luật lao động - trách nhiệm vật chất, hợp đồng lao động, tai nạn lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi,…
Đồng thời, đã tư vấn, hướng dẫn cho 5 trường hợp người lao động có đơn đề nghị hỗ trợ pháp lý gửi đến LĐLĐ TP. Tiếp tục hỗ trợ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, hạn chế phát sinh tranh chấp lao động tập thể.
Theo báo cáo của LĐLĐ, tại các khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM đã xảy ra 8 vụ ngừng việc tập thể liên quan đến việc doanh nghiệp thay đổi hình thức trả lương, nợ bảo hiểm xã hội, giảm mức lương, thưởng Tết Nguyên đán năm 2022.
Sau khi nắm tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động, Công đoàn các Khu chế xuất và Công nghiệp TP đã phối hợp Phòng Quản lý Lao động và Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP làm việc với ban giám đốc và CĐCS Công ty để thương lượng về các chế độ, quyền lợi của công nhân. Kết quả, công nhân đã đồng ý với các giải quyết của Công ty và trở lại hoạt động sản xuất bình thường.
Tại hội nghị, các đại biểu phản ánh tình trạng thuê lại lao động đang gia tăng tại các doanh nghiệp và nhiều doanh nghiệp không ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm cho người lao động. Bên cạnh đó, tình trạng giá xăng tăng khiến giá cả tăng nhanh, đời sống người lao động vô cùng khó khăn.
Ngoài ra, nhiều lao động thắc mắc khi chưa nhận được chế độ hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định 08/2022 của Thủ tướng Chính phủ; nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn, tình hình sản xuất kinh doanh chưa thể khôi phục vì ảnh hưởng kéo dài từ dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua, dẫn đến việc phải cho người lao động nghỉ việc, thu hẹp quy mô sản xuất, chậm trả lương, giảm tiền thưởng, chậm đóng các chế độ bảo hiểm…
Qua nghe ý kiến của các đại biểu, ông Phạm Chí Tâm - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM đề nghị các cấp Công đoàn giám sát chính sách lương, các chế độ phúc lợi của người lao động. Đồng thời, tư vấn pháp luật cho người lao động, các cấp Công đoàn cần liên hệ với các đơn vị, chính quyền để tư vấn pháp luật cho chủ doanh nghiệp để doanh nghiệp thực hiện đúng.
“Các cấp Công đoàn TP phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền và giám sát việc thực hiện Nghị định 38/NĐ-CP của Chính phủ về tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động từ ngày 1/7”, ông Tâm nhấn mạnh.