THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:06

TP.HCM: Tăng cường hỗ trợ người lao động bị mất việc làm vượt qua đại dịch Covid-19

Người lao động lao đao vì đại dịch Covid-19

Dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An… buộc phải đóng cửa hoặc cắt giảm nguồn nhân sự, từ đó khiến hàng loạt người lao động phải nghỉ việc.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, đến đầu tháng 9/2020 toàn TP đã hơn 21.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, hơn 328.000 lao động bị mất việc, ngừng việc, làm việc luân phiên và đã có hơn 118.000 người lao động nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Số người lao động mất việc làm tập trung ở các ngành nghề giày da, du lịch, khách sạn, dịch vụ lưu trú, ăn uống, công nghiệp chế biến, vận tải kho bãi và lao động ngành bán buôn,…

TP.HCM: Tăng cường hỗ trợ người lao động bị mất việc làm vượt qua đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Người dân khó khăn vì dịch bệnh Covid-19.

Đơn cử như hoàn cảnh hai vợ chồng chị Phạm Thị Lan (42 tuổi, quê Sóc Trăng) là công nhân may có thâm niên có thu nhập ổn định nhưng vì dịch Covid-19 nên công ty đóng cửa khiến vợ chồng chị thất nghiệp.

Từ ngày thất nghiệp chồng chị về quê chăm sóc bố mẹ già yếu và 2 đứa con nhỏ, còn chị Lan bám lại thành phố để tìm việc mới.

Những ngày đầu chị Lan ôm hồ sơ chạy khắp nơi để xin việc nhưng đều nhận được trả lời là những cái lắc đầu vì các công ty may cũng đang cắt giảm nhân sự.

Không xin được việc làm đúng với tay nghề chị lên mạng tìm việc làm thời vụ như dọn dẹp nhà cửa theo giờ nhưng nhiều chủ nhà không dám thuê người lạ.

Thời gian thắm thoắt trôi đã hơn nửa tháng nhưng chị Lan vẫn chưa tìm được việc làm nên đến cuối tháng đành phải nợ tiền trọ. Không chỉ nợ tiền trọ mà cả một tuần nay chị Lan phải nợ tiền cơm của quán cơm đầu hẻm để có sức tiếp tục tìm công việc mới.

TP.HCM: Tăng cường hỗ trợ người lao động bị mất việc làm vượt qua đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Giáo viên mầm non, bảo mẫu nghỉ việc không có lương do dịch bệnh Covid-19.

Rơi vào cảnh khó khăn nhất chính là hàng loạt lao động không có giao kết hợp đồng lao động, với nhóm này khi nghỉ việc thì khó khăn chồng chất khó khăn.

Cũng theo khảo sát của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, đến nay, trên địa bàn TP có 27.449 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có 6.701 người ngoại tỉnh.

Những lao động này chủ yếu làm việc ở các cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu, massage, xông hơi; tụ điểm vui chơi, giải trí, sân khấu, rạp chiếu phim, nhà hàng, trung tâm tiệc cưới, vũ trường, quán bar, karaoke, pub, beer pub, hát với nhau; các địa điểm du lịch, tham quan, di tích, bảo tàng, thư viện; các cơ sở kinh doanh thể thao (gym, fitness, billiards, yoga…), các trung tâm thể dục, thể thao và các khu luyện thể thao công cộng; bến xe, làm thuê tại các hộ kinh doanh vận tải hành khách công cộng…

TP.HCM: Tăng cường hỗ trợ người lao động bị mất việc làm vượt qua đại dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Hiện nay những lao động không có giao kết hợp đồng lao động phải "thắt lưng buộc bụng" tối đa chi phí sinh hoạt để trang trải qua ngày.

Trò chuyện với PV báo Lao động và Xã hội (báo điện tử Dân sinh), Chị N. T. Nhàn (SN 2000, quê Đồng Tháp) chia sẻ, từ đầu năm lên TP.HCM với chị gái, 2 chị em xin vào làm phục vụ ở quán bar, nhưng chỉ mới làm chưa bao lâu thì bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên phải nghỉ việc; vừa hết giãn cách xã hội thì đi làm, giờ dịch quay lại, quán đóng cửa đành nghỉ tiếp.

"Trước đây, em làm ở quán bar mỗi tháng thu nhập cũng hơn 20 triệu, trừ chi phí thuê nhà và trang trải mỗi tháng cũng gửi về quê phụ cha mẹ 5 đến 7 triệu để lo cho mấy đứa em ăn học. Nhưng mấy tháng nay em thất nghiệp nên không có thu nhập lo cho bản thân, thậm chí phải nợ tiền thuê phòng trọ đã 2 tháng", Nhàn kể với vẻ mặt buồn rầu.

TP.HCM: Tăng cường hỗ trợ người lao động bị mất việc làm vượt qua đại dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Lao động thất nghiệp làm thủ tục nhận tiền trợ cấp thất nghiệp ở Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM.

Trường hợp của Nhàn cũng là hoàn cảnh chung của hàng chục nghìn lao động không có giao kết hợp đồng lao động tại TP.HCM. Đối với họ, cuộc sống thường ngày đã rất khó khăn thì trong thời điểm xảy ra dịch bệnh lại càng vất vả hơn, dù đã "thắt lưng buộc bụng" tối đa chi phí sinh hoạt nhưng vẫn không đủ đành phải vay mượn, nợ nần, có trường hợp còn bị dính vào các đường dây cho vay nặng lãi.

Theo báo cáo của Sở Du lịch TP.HCM, đến nay đã có khoảng 90%-95% doanh nghiệp lữ hành đã tạm ngưng hoạt động, chỉ một số ít doanh nghiệp còn hoạt động để xử lý công nợ với đối tác, khách hàng.

Sở Du lịch TP cho biết thêm, qua phản ánh của các doanh nghiệp lữ hành, do không có tài sản thế chấp nên họ rất khó tiếp cận các gói vay tín chấp của ngân hàng, từ đó khiến nhiều công ty phải ngừng hoạt động khiến hàng loạt lao động trong lĩnh vực này bị thất nghiệp.

"Hầu hết người lao động, doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa tiếp cận được gói hỗ trợ 62.000 tỷ của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19", báo cáo nêu rõ.

Nhiều giải pháp giúp người lao động vượt qua mùa dịch

Trước tình hình này, để tăng cường chăm lo, hỗ trợ cho người lao động bị mất việc, chính quyền địa phương cùng các cấp, ngành LĐ-TB&XH TP.HCM đã cung cấp thông tin các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động tương tự, phù hợp với tay nghề để công nhân tìm việc làm mới.

Trung tâm giới thiệu việc làm TP.HCM hỗ trợ người lao động đào tạo lại; giới thiệu việc làm cho công nhân có nhu cầu sau khi ngừng việc.

Các doanh nghiệp, chính quyền địa phương, hiệp hội...đã tổ chức nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn như tặng quà, tiền mặt, trao học bổng cho con em công nhân.

TP.HCM: Tăng cường hỗ trợ người lao động bị mất việc làm vượt qua đại dịch Covid-19 - Ảnh 6.

TP.HCM chi trả gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng đến người dân kịp thời.

Bảo hiểm xã hội thành phố cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với Liên đoàn Lao động quận, huyện, doanh nghiệp để xử lý các vấn đề liên quan đến quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho công nhân.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, TP đã hỗ trợ cho 53.077 người lao động ngừng việc làm, hoãn việc làm với tổng số tiền là 54,57 tỷ đồng. Hỗ trợ cho 12.803 đối tượng là giáo viên, nhân viên (kể cả bảo mẫu), với tổng số tiền hơn 12,8 tỷ đồng.

Hỗ trợ cho người lao động tạm chấm dứt hợp đồng lao động và hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền 994 triệu đồng. Đối với đối tượng bán vé số lẻ đến nay các địa phương đã chi trả hỗ trợ cho 16.765 đối tượng (750.000 đồng/người), với tổng số tiền của toàn đợt là hơn 16,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, những lao động tự do các quận, huyện trên địa bàn thành phố cũng đã chi trả đạt 99,36% với tổng số người được hưởng là 181.000 người, tổng số tiền chi trả hỗ là 1,81 tỷ đồng.

TP.HCM: Tăng cường hỗ trợ người lao động bị mất việc làm vượt qua đại dịch Covid-19 - Ảnh 7.

Chi trả tiền trợ cấp thất nghiệp kịp thời cho những lao động bị mất việc do dịch bệnh Covid-19.

Cũng theo ông Tấn, hiện nay Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cũng đang có nhiều phương án, trong đó phương án tối ưu nhất là tổ chức cho những lao động thất nghiệp được học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp. Bên cạnh đó tăng cường mở nhiều sàn giao dịch việc làm để giúp nhiều người tìm kiếm được việc làm mới phù hợp.

Mới đây nhất, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM hỗ trợ NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Theo đó, những đối tượng được hỗ trợ là những lao động tự do không có thu nhập hoặc thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo tại TP.HCM (dưới 3 triệu đồng/người/tháng) và làm việc trong các lĩnh vực, ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động trong tháng 4/2020.

Mức hỗ trợ được Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đề xuất là 1 triệu đồng/người. Số tiền dự kiến được trích từ Quỹ Phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM.

XUÂN TRƯỜNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh