THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:36

TP.HCM sẽ có 250 xe buýt mini đón khách hẻm nhỏ

Thí điểm 30 tuyến buýt mini tại 3 quận

Sở GTVT TP.HCM vừa giao Trung tâm Quản lý giao thông công cộng phối hợp với Hội Khoa học nghiên cứu, đề xuất thí điểm hệ thống xe buýt mini đón khách tại các hẻm nhỏ hẹp trên địa bàn. Hiện trung tâm này đang hoàn chỉnh những khâu cuối để trình đề án này, xin ý kiến của Sở GTVT và UBND TP.

Trao đổi với PV, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết, thành phố có khoảng 46% đường hẻm nhỏ dưới 6m, trong đó 80 - 85% dân cư của thành phố cũng sống trong các hẻm. Với đặc thù đó, xe buýt thông thường rất khó tiếp cận và phục vụ người dân. Mini buýt sẽ giải quyết được bài toán đó để đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân. “Trong bán kính 200m, người dân có thể dễ dàng đón được các chuyến buýt mini để di chuyển từ hẻm ra điểm giao thông công cộng”, ông Trung nói.

Cũng theo ông Trung, trước khi thực hiện, trung tâm sẽ khảo sát kết cấu hạ tầng của từng khu vực dân cư, lấy ý kiến của người dân để xây dựng hệ thống buýt mini cho phù hợp. Nếu được thông qua, đơn vị có thể triển khai từ đầu năm 2019.

Tìm hiểu của PV, đề án thí điểm hệ thống xe buýt mini tại TP.HCM cũng nằm trong kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2012 - 2020 trên địa bàn TP.HCM, theo Quyết định số 280/QĐ-TTg năm 2012. Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, đến năm 2020, mục tiêu tối thiểu vận tải công cộng của thành phố đạt ít nhất 15%, nhưng hiện nay chỉ trên 9,5%. Do vậy, kế hoạch trong 3 năm tới sẽ là thách thức rất lớn cho đơn vị quản lý. Từ hơn 2.000 xe buýt sẽ tăng thêm 5.500 xe, với số vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng cho hệ thống xe buýt. Trên cơ sở đó, mục đích của mini buýt cũng nhằm tăng thêm sản lượng, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân góp phần giảm lưu thông bằng xe máy, hạn chế tình trạng ùn tắc.

Nên thí điểm mini buýt bằng vốn xã hội hóa?

Nghe thông tin thành phố sẽ có xe buýt mini đón khách tại hẻm nhỏ, bà Võ Tuyết Lan, sống trong hẻm 165 đường Nguyễn Thái Bình, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 cho biết, hàng ngày gia đình bà thường đi bộ ra trạm Bến Thành - Hàm Nghi cách khoảng 500m để bắt xe buýt đi học, đi làm. “Thành phố có xe buýt nhỏ đi vào hẻm đón khách thì tốt quá, người dân đỡ vất vả hơn nhiều. Xe buýt chắc chắn sẽ tăng được một lượng khách đáng kể”, bà Lan chia sẻ. 

Ông Nguyễn Bá Hoàng, Phó hiệu trưởng trường Đại học GTVT TP.HCM cho rằng, chủ trương của thành phố mở tuyến xe buýt mini đáp ứng nhu cầu của đại đa số người dân. Tuy nhiên, thành phố cũng nên cân nhắc trước khi thực hiện. Nếu thực hiện thì nên thí điểm trước ở một số quận, sau đó đánh giá hiệu quả rồi mới nhân rộng.

“Việc mở thêm mini buýt nếu thực hiện bằng vốn ngân sách của thành phố rất khó khả thi vì hiện nay ngân sách thành phố đang tập trung vào xe buýt lớn. Đối với xe buýt lớn được thành phố trợ giá nhưng hoạt động vẫn gặp khó khăn, nên với xe buýt nhỏ, nếu không có sự đầu tư phù hợp sẽ hoạt động không hiệu quả. Thành phố nên cho chủ trương thực hiện bằng vốn xã hội hóa để tư nhân đầu tư thực hiện”, ông Hoàng nói.

Cũng liên quan đến vấn đề nguồn vốn lấy từ đâu để đầu tư, theo ông Trần Chí Trung, đơn vị mới trình Sở GTVT về một số phương án đầu tư có thể bằng nguồn vốn ngân sách của thành phố hoặc xã hội hóa. “Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư cụ thể như thế nào, còn chờ UBND TP quyết định. Nhưng dù đầu tư bằng nguồn vốn nào, cũng phải triển khai hiệu quả, thu hút được người dân đi xe buýt để người dân cảm thấy đó là lựa chọn hàng đầu và hợp lý”, ông Trung nói và cho biết, dự kiến đơn vị sẽ đề xuất mở 30 tuyến buýt mini với khoảng 200 - 250 xe, loại 12 - 16 chỗ. Trước mắt sẽ nghiên cứu thí điểm tại những quận đủ điều kiện như quận 1, 10, Tân Bình.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh