TP.HCM: Sắp tháo dỡ cầu Phú Long hơn 100 năm tuổi
- Dược liệu
- 22:29 - 21/10/2018
Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh vừa có quyết định phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật và Kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án Tháo dỡ cầu Phú Long cũ trên sông Gài Gòn nối quận 12 (TP Hồ Chí Minh) và thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương). Thời gian tháo dỡ thực hiện từ năm 2018 đến 2019.
Cầu Phú Long cũ được xây dựng từ thời Pháp vào năm 1913, cầu có chiều dài hơn 251 mét, được xây dựng toàn bộ bằng thép. Thời gian qua, gầm cầu Phú Long cũ quá thấp, nên đã làm hạn chế lưu thông đường thủy, là loại hình vận tải có chi phí thấp nhất hiện nay.
Bên cạnh đó, trong chiến tranh cầu bị sập nhiều lần và được phục hồi lại với mặt cầu một phần bằng bê tông, một phần mặt sắt. Hiện cầu đã xuống cấp, chỉ cho người đi bộ và xe hai bánh lưu thông.
Được xây dựng từ thời Pháp thuộc, sau hơn 100 năm cây cầu đã xuống cấp.
Và cầu Phú Long mới thay thế cầu cũ đã đi vào hoạt động từ năm 2012, cầu có chiều dài hơn 1.400 mét, có chiều rộng mặt cầu 26 mét với 6 làn xe, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân.
Theo Quyết định số 4602/QĐ-SGTVT ngày 13-8-2018 này, việc tháo dỡ cầu Phú Long cũ nhằm mục đích bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, bởi hiện tại cầu Phú Long mới cách công trình cũ một km về phía hạ lưu đã đáp ứng được nhu cầu lưu thông của người dân; đồng thời, việc tháo dỡ bảo đảm đồng bộ tĩnh không thông thuyền đối với dự án cầu đường sắt Bình Lợi cho tuyến sông Sài Gòn, góp phần phát triển kinh tế vùng.
Theo quyết định phê duyệt, sẽ tháo dỡ toàn bộ kết cấu nhịp và các trụ cầu; thanh thải dòng chảy, tổ chức lại giao thông trong khu vực. Đối với vật tư thu hồi sẽ được thanh lý theo quy định để bù vào tổng mức đầu tư của công trình.
Việc tháo dỡ cầu Phú Long cũ với hơn 100 năm tuổi, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đã tính toán chi tiết đến yếu tố lịch sử. Theo đề nghị của Bảo tàng TP Hồ Chí Minh tại Công văn số 328/BTTP ngày 4-1-2018 và Biên bản làm việc giữa Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 và Viện Bảo tàng TP Hồ Chí Minh, quyết định cũng nêu rõ một số cấu kiện khi tháo dỡ cần được bảo quản, lưu giữ và chuyển giao cho Viện Bảo tàng TP Hồ Chí Minh.
Các hạng mục trên cầu đã bị hư hỏng
Để phát triển đường thủy trên sông Sài Gòn, cần sự đồng bộ tĩnh không của toàn tuyến. Hiện nay, dự án “Cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi tới cảng Bến Súc” được triển khai từ năm 2015, gồm hai hạng mục chính là xây mới cầu đường sắt Bình Lợi để nâng tĩnh không thông thuyền và nạo vét luồng sông Sài Gòn đang được đẩy nhanh tiến độ. Dự kiến, cầu đường sắt Bình Lợi sắp hoàn thành đi vào hoạt động và tiến hành tháo dỡ toàn bộ cầu đường sắt cũ để nâng tĩnh không thông thuyền lên 7m.
Cầu Phú Long mới được xây dựng gồm 6 làn xe phục vụ cho người dân
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, Mai Hùng Dũng cho rằng, phát triển giao thông đường thủy là điều mong muốn của các cấp chính quyền. Tuy nhiên trong thời gian qua, do bị vướng cầu đường sắt Bình Lợi, cầu Phú Long cũ có độ tĩnh không thấp nên gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc nâng tĩnh không đồng bộ trên toàn tuyến sông Sài Gòn sẽ tạo điều kiện cho địa phương phát triển logistics theo hướng sử dụng vận tải đa phương thức, tạo kết nối giao thông thông suốt và kết nối vùng thuận lợi hơn trong thời gian tới.