TP.HCM quản lý cách ly F1 tại nhà như thế nào?
- Y học 360
- 21:58 - 12/07/2021
Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố đã có hơn 13.500 trường hợp mắc COVID-19. Và hiện đang thực hiện cách ly là 52.018 trong đó: 14.851 người đang cách ly tập trung, 37.167 trường hợp đang cách ly tại nhà/nơi lưu trú.
Chiều ngày 11/7/2021, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố và Viettel đã có buổi họp trực tuyến nhằm thống nhất phương án triển khai sử dụng “Hệ thống nền tảng quản lý cách ly y tế” tại Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố.
Phần mềm “Hệ thống nền tảng quản lý cách ly y tế” sẽ giúp Thành phố Hồ Chí Minh quản lý toàn bộ các trường hợp cách ly tại nhà, đảm bảo giám sát thực hiện cách ly theo đúng quy định của Bộ Y tế, thống kê báo cáo kịp thời, chủ động trong phòng chống khi có dịch bệnh. Hệ thống phần mềm quản lý cách ly sẽ được triển khai trên hạ tầng hiện tại của trang web tokhaiyte.vn và ứng dụng di động Vietnam Health Decleration (VHD).
Các trường hợp được cách ly tại nhà sẽ khai báo số điện thoại, nhận diện khuôn mặt và được kích hoạt vị trí cách ly bằng điện thoại thông minh của mình. Dự kiến mỗi ngày, người cách ly sẽ khai báo y tế 3 lần và khai báo ngay nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như sốt, ho, khó thở... Qua đó, nhân viên y tế trực tiếp theo dõi những trường hợp cách ly sẽ kiểm tra được việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của người cách ly cũng như sức khỏe của họ.
Hiện tại, các sở ban ngành đang cùng thống nhất lại các nội dung và kỹ thuật cần triển khai để hoàn thành phần mềm “Hệ thống nền tảng quản lý cách ly y tế”. Dự kiến phần mềm sẽ được chính thức vận hành vào ngày 17/7/2021 trên toàn địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Chia sẻ về cách tổ chức cách ly F1 tại nhà, PGS.TS Vũ Minh Phúc cho rằng, cách thức tổ chức cách ly F1 tại nhà nên chia ra nhiều nhóm để phụ trách những công việc cụ thể, tránh chồng chéo không hiệu quả. Cụ thể: Nhóm phụ trách F1: Chủ yếu chịu trách nhiệm lấy mẫu tầm soát định kỳ tại nhà, huấn luyện cho F1 cách ngừa lây lan và theo dõi tuân thủ của họ. Lực lượng tại các địa phương hỗ trợ. Hãy huấn luyện, hướng dẫn cụ thể và hỗ trợ cho những F1 và sử dụng các phương tiện để theo dõi tuân thủ của họ tại nhà.
Cần phổ biến riêng cho từng đối tượng bệnh nhân nhẹ, bệnh nhân nặng, F1, F2, rồi người dân kiến thức về bệnh như cơ chế gây bệnh của virus, diễn tiến và biến chứng của bệnh để người dân bớt lo lắng, biết cách tự bảo vệ mình và người thân, cách tự chăm sóc và theo dõi mình khi mắc bệnh.
Hiện trên các phương tiện truyền thông chỉ hàng ngày công bố số ca mắc, ca tử vong, rồi khẩu hiệu 5K. Cần làm thêm phim khoa học, phim hoạt hình, kịch truyền hình, kịch truyền thanh, tờ rơi để hướng dẫn người dân và người bệnh. Các khu cách ly chỉ có loa phóng thanh nhắc nhở nhưng thiếu hẳn phương tiện truyền thông giáo dục. Ông Vũ Minh Phúc nói.
Đáng chú ý, Bộ Y tế hướng dẫn TP.HCM cách ly F1 tại nhà 28 ngày, nếu đảm bảo đủ điều kiện, như nhà riêng lẻ, nhà liền kề và có phòng riêng, khép kín, tách biệt khu sinh hoạt chung của gia đình. Phòng cách ly phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định và chức năng nhiệm vụ của người cách ly y tế tại nhà; người ở cùng nhà; cán bộ y tế; UBND cấp xã, phường.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay trên địa bàn TP.HCM nhiều khu vực không đủ điều kiện cách ly tại nhà như chung cư, nhà trọ nhưng vẫn tiến hành cho các F1 tự cách ly tại nhà. Nhiều trường hợp F1 này không tuân thủ Luật phòng chống dịch, vẫn tự ý ra khỏi nhà mà không có sự giám sát của lực lượng nào.
Theo chia sẻ trên các diễn đàn và group ở các quận, huyện TP.HCM than phiền rất nhiều về ý thức của người dân và sự quản lý của địa phương đối với các trường hợp F1. Như diễn đàn tôi là dân Quận 7 viết, quá nhiều trường hợp F1 tự ý rời khỏi nhà và đi tiếp xúc nhiều người mà không có sự giám sát bất kỳ lực lượng nào. Vì vậy, các quận huyện cần tăng cường các hoạt động giám sát nếu trường hợp nào vi phạm nên xử lý mạnh theo quy định của pháp luật.
Theo ghi nhận của phóng viên những ngày qua, một số khu dân cư trên địa bàn TP.HCM, sau khi xét nghiệm nhanh kết quả dương tính với SARS-CoV-2 nhưng không được đưa ra khỏi khu dân cư mà phải đợi kết quả xét nghiệm PCR. Trong quá trình đợi kết quả từ 1 đến 2 ngày thì số ca dương tính SARS-CoV-2 vẫn tự ở nhà và không có sự giám sát hay phong tỏa nơi có ca dương tính của chính quyền địa phương. Vô tình như vậy, những cư dân xung quanh không biết có ca dương tính SARS-CoV-2 nên không có sự đề phòng dẫn đến tiếp xúc gần và nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Cụ thể như một số chung cư tại huyện Nhà Bè, Quận 7, Quận 8, thành phố Thủ Đức, khu dân cư các quận như Quận 7, Bình Thạnh, Phú Nhuận... số ca F0 và F1 lên đến hàng trăm người nhưng ko có sự giám sát của Y tế và địa phương. Địa phương rất thờ ơ và chậm chạp trong công tác phòng,chống dịch.
Vậy, từ ngày 17/7, TP.HCM triển khai cách ly tại nhà trên toàn thành phố thì việc giám sát các quy định về cách ly và phòng chống dịch như thế nào? Ai là người giám sát việc này? Nếu các quận huyện để xảy ra tình trạng vi phạm quy định cách ly tại nhà của Bộ Y tế thì xử lý như thế nào? Việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân được triển khai ra sao? Chung cư, nhà trọ có được cách ly tại nhà hay không? Đó là những vấn đề được quan tâm nhất hiện nay.