THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:09

Công tác phòng, chống dịch ở TP.HCM xuất hiện nhiều "lỗ hổng"

Tuy nhiên, liên tiếp những ngày qua, TP.HCM ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục cả nước. Hiện tại, số ca nhiễm COVID-19 tại TP.HCM lên đến con số hơn 11.000 ca. Vậy đâu là nguyên nhân khiến tình hình dịch bùng phát mạnh và khó kiểm soát như hiện nay?

Vì sao dịch bùng phát mạnh và khó kiểm soát

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, TP đang trải qua 2 đợt dịch từ ngày 26/5 đến 14/6 với sự bùng phát của chuỗi dịch truyền giáo Phục Hưng và từ 15/6 đến nay với nhiều chuỗi dịch trong cộng đồng. 

Từ ngày 15/6/2021 đến 4/7, số ca bệnh chiếm 79% tổng số ca của 2 đợt dịch. Qua khám sàng lọc tại bệnh viện, xét nghiệm giám sát tại cộng đồng, Thành phố phát hiện các trường hợp mắc bệnh xuất hiện hầu hết ở các khu vực: Cộng đồng dân cư, khu công nghiệp, doanh nghiệp, công ty văn phòng, các chợ đầu mối - truyền thống - tự phát, tại các cơ sở y tế... 

Điều này cho thấy mầm bệnh đã len lỏi, lây lan trong cộng đồng. Trong đó tập trung lây lan và bộc phát mạnh ở khu vực có môi trường thuận lợi, tiếp xúc gần gũi như khu công nghiệp, nhà trọ, chợ, người lao động vùng ven…

Sở Y tế TP. HCM nhận định, trước xu hướng số bệnh trong cộng đồng tăng hàng ngày, nhất là các trường hợp có triệu chứng đi khám các cơ sở y tế. Điều này cho thấy, tác nhân gây bệnh đã có ở khắp thành phố và số ca bệnh trong vùng phong tỏa ngày càng tăng nhanh.

Vì vậy, ngành Y tế TP. HCM cho rằng, để kiểm soát dịch bệnh cần có những biện pháp quyết liệt:

Thứ nhất, giảm sự phát tán nhanh của mầm bệnh (chủng Delta) qua việc tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP; Cân bằng lợi ích về kinh tế, tuy nhiên cần cân nhắc giữa thực hiện giãn cách và sự phát triển kinh tế.

Thứ hai, loại bỏ (làm giảm) nguồn lấy nhiễm trong cộng đồng; trong đó, những khu vực đang phong tỏa phải thực hiện nghiêm túc Hướng dẫn cách ly tế vùng có dịch COVID-19, đảm bảo cách ly tuyệt đối trong khu vực phong tỏa và giữa khu vực phong tỏa với các khu vực xung quanh, qua đó kiểm soát chặt chẽ sự lây lan dịch bên trong cũng như bên ngoài khu vực phong tỏa. Chính quyền địa phương phối hợp y tế đánh giá tình hình dịch tễ, nếu nhận định có nguy cơ cao, tiếp tục lây lan trong cộng đồng thì có thể mở rộng phạm vi phong tỏa trên diện rộng (theo các khu phố hoặc phường...) để kiếm soát dịch.

Công tác phòng, chống dịch ở TP.HCM xuất hiện nhiều "lổ hổng" - Ảnh 1.

Ngành Y tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, để kiểm soát dịch bệnh cần có những biện pháp quyết liệt

Tăng cường điều tra truy vết, khoanh vùng dập dịch triệt để, xét nghiệm mở rộng các khu vực có nguy cơ cao để tìm nguồn lây. Điều tra dịch tễ, truy vết nhanh các trường hợp F0, chuyển cách ly tập trung F1 thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên và mẫu đơn RT-PCR.

Tại các ổ dịch trên địa bàn: thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên đồng thời thực hiện xét nghiệm mẫu gộp ở phạm vi tổ dân phổ, mở rộng khu phố (quyết định tùy theo yếu tố dịch tễ), toàn bộ công ty. Thực hiện xét nghiệm tầm soát trong cộng đồng (có trọng tâm, trọng điểm theo kế hoạch) có sự cân đối số lượng xét nghiệm để phù hợp với tổng công suất xét nghiệm của các phòng xét nghiệm, đảm bảo việc trả kết quả nhanh, chính xác và tránh tồn đọng mẫu trong ngày.

Lặp lại xét nghiệm để tiếp tục loại bỏ nguồn lây lan trong cộng đồng. Trong đó, tại khu vực phong tỏa, triển khai xét nghiệm lặp lại mỗi 1-3 ngày/lần; khu vực có nguy cơ cao: Triển khai xét nghiệm lặp lại mỗi 5 - 7 ngày/lần.

Thứ ba, làm giảm yếu tố nguy cơ để dịch bệnh phát tán nhanh qua việc tăng cường quản lý, giám sát phòng, chống dịch COVID-19 trong khu công nghiệp; Các chợ đầu mối, chợ truyền thống phải có giải pháp triệt để phòng ngừa lây lan cho các tiểu thương, người mua và nhân viên quản lý, hậu cần của chợ; Khu nhà trọ ở các quận huyện cho các công nhân cần có giải pháp giãn cách để tránh lây lan; Tăng cường phòng chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung để hạn chế số lượng bệnh nhân nhằm tránh quá tải hệ thống bệnh viện.

Công tác phòng, chống dịch ở TP.HCM xuất hiện nhiều "lổ hổng" - Ảnh 2.

Tăng cường điều tra truy vết, khoanh vùng dập dịch triệt để, xét nghiệm mở rộng các khu vực có nguy cơ cao để tìm nguồn lây.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế nhìn nhận, tình hình dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh đang vô cùng phức tạp bởi địa phương này đang có quá nhiều nguồn lây nhiễm, nhiều chuỗi lây nhiễm và nhiều ổ dịch, nhiều khu vực có dịch... mà không phải tập trung ở một vài khu vực đặc thù như các địa phương khác.

Thành phố lại là nơi giao lưu rộng rãi, dân cư đông đúc trên địa bàn chật hẹp... khiến công tác phòng, chống dịch rất khó khăn. Đặc biệt, Thành phố HCM có mối liên quan với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An...

Nội tại Thành phố có các khu công nghiệp nên có sự lây nhiễm đan xen giữa khu công nghiệp với cộng đồng và ngược lại. "Sự phức tạp đó gây nên sự khó kiểm soát so với các địa phương khác. Ngoài các ca bệnh trong bệnh viện, Thành phố HCM đã có ca bệnh ở các chợ dân sinh, các khu công nghiệp và nhiều các địa điểm cộng đồng khác.

Đồng thời, vì các ổ dịch trong cộng đồng lây lan trong thời gian quá lâu mới phát hiện nên không thể xác định được nguồn lây. Cùng với tốc độ lây lan rộng khiến các ca bệnh chạy ra nhiều nhánh, rồi từ các nhánh lại tạo thành nhiều chuỗi lây nhiễm khác mà không thể phát hiện ra, từ đó có nhiều ca lẩn khuất trong cộng đồng không thể kiểm soát.

Nhiều lỗ hổng trong công tác phòng chống dịch 

Trên tinh thần chỉ đạo của TP là vậy, tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, công tác phòng chống dịch của các quận huyện còn khá chậm so với sự lây lan của dịch COVID-19.

Cách xử lý khi xảy ra ca F0 còn chậm chạp và không đồng bộ. Cụ thể, nhiều ca F0 xuất hiện tại các khu dân cư, khu phong tỏa nhưng lực lượng y tế và chính quyền địa phương vẫn không nhanh chóng đưa ra khỏi khu dân cư. Như tình trạng tại chung cư Hưng Phát 2 (huyện Nhà Bè), qua xét nghiệm nhanh phát hiện 3 ca dương tính với SARS-Cov-2 nhưng người bệnh vẫn không được đưa đi điều trị, xe chuyển bệnh nhân không có, đợi đến hơn 1 ngày thì người nhà bệnh nhân mới mượn được chiếc xe của một phòng khám để đưa người nhiễm COVID-19 tới bệnh viện điều trị. 

Một thực tại hiện nay tại TP là các bệnh viện đã quá tải vì số ca bệnh quá nhiều, trong ngày 9/7, 200 ca F0 tại huyện Bình Chánh vẫn ở ngoài đường nhiều giờ liền vì không có bệnh viện nào tiếp nhận. Hàng chục xe cứu thương chở bệnh nhân F0 xếp hàng dài ngoài đường chờ có bệnh viện nào nhận mới chở bệnh nhân vào.

Trường hợp một phóng viên tác nghiệp tại Trung tâm báo chí TP.HCM bị ngất xỉu vào khuya ngày 8/7, và được đưa đi cấp cứu nhưng có đến 4 bệnh viện không nhận . Khoảng 1 tiếng rưỡi chạy lòng vòng, đến bệnh viện thứ 5 mới được tiếp nhận.

Công tác phòng, chống dịch ở TP.HCM xuất hiện nhiều "lổ hổng" - Ảnh 3.

Thành phố HCM phải quyết liệt hơn nữa thì khả năng mới kiểm soát được dịch và số ca tử vong vì Covid-19

Câu chuyện đối với các trường hợp F1 thì không có sự kiểm soát của cơ quan chức năng, nhiều trường hợp F1 vẫn không ý thức tự cách ly tại nhà mà di chuyển và tiếp tục tiếp xúc rất nhiều người (cụ thể tại Quận Phú Nhuện, Quận 7, Quận Bình Thạnh...). Mà tình trạng những F1 thậm chí F2 trở thành F0 tại TP.HCM trong đợt dịch này là rất nhiều như nhóm truyền giáo Phục Hưng.

Công tác lấy mẫu làm xét nghiệm nhanh rất chậm chạp (có thể lực lượng y tế quá mỏng không kham hết việc - PV), nhiều trường hợp khu vực có ca F0 nhưng không kịp thời lấy mẫu làm xét nghiệm tầm soát xung quanh khiến những ca F1 tiếp tục lây bệnh ra cộng đồng rất nhiều. Nhiều khu tụ tập đông người lấy mẫu xét nghiệm khiến nguy cơ dịch lây nhiễm rất nhanh như trường hợp tại chợ Đầu mối Bình Điền vừa qua. 

Đối với các khu vực phong tỏa, không có người kiểm soát và theo dõi. Tình trạng người dân và giao hàng ra vào tấp nập như không hề có việc gì xảy ra.

Ngoài lỗ hổng ở khâu phân loại và đưa F0 ra khỏi khu dân cư, kiểm soát F1, phương án vận chuyển F0 đi đến khu điều trị, sự thờ ơ tại các chốt kiểm dịch..., điều đáng lưu ý là một số bộ phận người dân, doanh nghiệp vẫn chưa có ý thức tự giác chấp hành các quy định phòng, chống dịch.

Sau những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, lực lượng tuyến đầu chống dịch tuy nhiên số ca nhiễm COVID-19 tại TP.HCM liên tục tăng và chưa có dấu hiệu chững lại. Vậy, thời gian 15 ngày giãn cách TP.HCM liệu có những giải pháp gì để dập được dịch? Đó là trăn trở của nhiều người dân tại TP.HCM hiện nay.



PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh