THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:25

TP.HCM muốn 'dẹp' dịch vụ đòi nợ thuê

Quan điểm của TP.HCM là, thực tế quan hệ nợ là hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế, khi có tranh chấp hợp đồng các bên tham gia tự thỏa thuận hoặc khởi kiện để tòa án giải quyết. Nhà nước đã có đầy đủ hệ thống luật pháp, cơ quan bảo vệ, thi hành pháp luật... Đối với các vụ việc đã có quyết định, bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật thì cơ quan thi hành án, thừa phát lại... là cơ quan có thẩm quyền thi hành.

Thời gian qua, mặc dù TP.HCM đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo phối hợp giữa các ngành, các cấp nhằm quản lý chặt chẽ loại hình kinh doanh này theo đúng quy định của pháp luật, tuy nhiên, chưa có văn bản quy định cụ thể phạm vi địa bàn hoạt động của các doanh nghiệp kinh daanh dịch vụ đòi nợ; việc công ty đăng ký kinh doanh tại tỉnh, thành phố khác nhưng ủy quyền cho văn phòng đại diện tại TP.HCM để thực hiện việc thu hồi nợ, dẫn tới thực trạng hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê hiện nay xuất hiện nhiều biến tướng, một số vụ việc có dấu hiệu cấu kết băng nhóm gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. 

Một tổ chức hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê

Thực tế cho thấy, để đòi nợ (theo ủy quyền của chủ nợ) các công ty dịch vụ đòi nợ thường sử dụng nhiều cách thức, kể cả chiêu trò, thủ đoạn mang tính chất xã hội đen nhằm đe dọa, trấn áp khủng bố tinh thần, gây tâm trạng hoang mang, sợ hãi cho con nợ; đồng thời gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, quyền tự do của con nợ. Mặc dù vậy, những hành vi nói trên vẫn chưa cấu thành tội phạm vì chưa gây ra hậu quả nên rất khó xử lý.

Xuất phát từ thực tế, chính quyền TP.HCM nhận định, dịch vụ đòi nợ thuê là một trong những hoạt động kinh doanh phức tạp, có liên quan nhiều đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, dễ bị phần tử xấu lợi dụng để hoạt động kiểu xã hội đen. 

Để chấn chỉnh và quản lý chặt chẽ loại dịch vụ này, UBND TP kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ đưa loại hình kinh doanh này vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh.

Trường hợp không đưa loại hình kinh doanh này vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh, thì kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ ban hành những quy định bắt buộc để siết chặt hoạt động này, cụ thể như: quy định đồng phục của nhân viên làm công việc đòi nợ; số lượng tối đa nhân viên mỗi lần tham gia thực hiện đòi nợ để tránh tình trạng tụ tập thành băng nhóm gây mất an ninh trật tự; thông báo danh sách nhân viên được cử đi đòi nợ cho công an phường nơi tiến hành đòi nợ, đối tượng đòi nợ đúng với hợp đồng ủy quyền đòi nợ (tránh tình trạng không đòi trực tiếp với con nợ mà gây áp lực với thân nhân và gia đình của con nợ, gây xáo trộn cuộc sống sinh hoạt của người dân)...

TP.HCM cho rằng, cần đưa dịch vụ đòi nợ thuê vào loại hình ngành, nghề cấm kinh doanh

Hiện trên địa bàn TP có 28 công ty, đơn vị kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và 21 doanh nghiệp chưa làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự. 

Qua tổ chức kiểm tra 28 lượt doanh nghiệp, cơ quan chức năng đã phát hiện 17 trường hợp chưa xuất trình được các hồ sơ, tài liệu chứng minh việc đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về lao động; 8 trường hợp chưa xuất trình được hồ sơ, tài liệu về báo cáo tài chính, quyết toán thuế, kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp; 1 trường hợp chưa có biên bản họp đại hội đồng cổ đông thường niên.

B.K

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh