TP.HCM kiến nghị gì với Bộ Chính trị, Ban bí thư?
- Tây Y
- 17:27 - 12/01/2019
Sáng 12/1, Thường trực Ban bí thư, Chính phủ và Quốc hội làm việc với TP.HCM về Kết quả thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội và Kết luận 21 của Bộ Chính trị(giao nhiệm vụ, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển bền vững TP.HCM).
Về phía lãnh đạo TƯ có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình; Bộ trưởng các Bộ: Giáo dục - Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Công thương...
Về phía TP.HCM có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân; Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và lãnh đạo chủ chốt HĐND TP.HCM, Đoàn ĐBQH TP.HCM, các sở ngành...
Thí điểm đào tạo lý luận cho nhân sự chủ chốt
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thiện Nhân cho hay hiện nay đội ngũ cán bộ đương nhiệm và quy hoạch các chức danh theo quy định của thành phố khá đông, chỉ tiêu đào tạo được phân bổ cho thành phố chưa đáp ứng yêu cầu về trang bị trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ chủ chốt thành phố.
Do vậy, Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban bí thư cho phép thành phố được thực hiện thí điểm chủ động đào tạo lý luận chính trị trình độ cao cấp tại Học viện cán bộ TP.HCM.
Đồng thời, xem xét chấp thuận mở rộng đối tượng đào tạo cao cấp lý luận chính trị đến cán bộ đương nhiệm bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn; phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo đài, nhà xuất bản; cán bộ thuộc khối nội chính (thẩm phán TAND thành phố, kiểm sát viên Viện KSND thành phố, đội trưởng, đội phó thuộc Công an thành phố và các chức danh tương đương trở lên...).
TP.HCM đã làm gì khi có cơ chế, chính sách đặc thù?
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 21-KL/TW, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, gắn với thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Một số đầu việc đã thực hiện: Đề án tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo luật Phí và lệ phí: (1) ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô trên địa bàn TP.HCM (Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐND ngày 16.3.2018), (2) Điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn TP.HCM (Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND ngày 16.3.2018).
Đề án thực hiện và sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương; chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND ngày 16.3.2018).
Đề án cơ chế, chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học về công tác ở các sở ban ngành, các khu công nghệ cao (Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐND ngày 16.3.2018, Nghị quyết số 20/2018/NQ-HĐND ngày 7.12.2018)...
Xác định cải cách hành chính là khâu đột phá
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ thực hiện. Chính vì vậy, công tác chuẩn bị, xây dựng, triển khai các nội dung đều phải thực hiện thận trọng, đảm bảo quy trình và thẩm quyền; một số nội dung có ý kiến khác nhau giữa các Bộ ngành; một số vấn đề mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định. Do đó, có những nội dung, đề án triển khai chậm so với kế hoạch dự kiến.
Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định TP.HCM xác định cải cách hành chính là khâu đột phá, gắn với phân công trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định TP.HCM tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận số 21 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 54 của Quốc hội trong giai đoạn 2019 - 2020, tạo động lực để thúc đẩy thành phố phát triển nhanh, bền vững.
Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng khẳng định TP.HCM xác định cải cách hành chính là khâu đột phá, gắn với phân công trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Từng phường - xã, quận - huyện, sở - ngành và UBND thành phố phải có phương pháp phù hợp để ghi nhận khách quan sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan công quyền này, hàng quý phải công bố được kết quả hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Ngăn Ngừa Bệnh Tim Và Đột Quỵ Ở Người Cao Tuổi: Bí Quyết Sống Khỏe Mạnh Và An Toàn
Bệnh tim và đột quỵ ở người cao tuổi là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bài viết cung cấp thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp phòng ngừa và vai trò của y học hiện đại...
2 tháng trước
Tin nên đọc