Doanh nghiệp kiến nghị điều chỉnh về thuế
- Huyệt vị
- 19:54 - 28/11/2018
Nhiều vướng mắc về thuế, hải quan đã được cộng đồng doanh nghiệp (DN) trực tiếp gửi đến lãnh đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) tại buổi đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 27-11 ở Hà Nội.
Một tín hiệu đáng mừng mà VCCI chỉ ra là trong thời gian qua, tỉ lệ DN hài lòng với các thủ tục thuế, hải quan ngày càng tăng. "Nhiều vấn đề trước đây được coi là nóng như chi phí không chính thức được phản ánh tiếp tục giảm mạnh" - Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng chỉ rõ.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định bộ luôn nỗ lực cải cách trong lĩnh vực thuế và hải quan để tạo thuận lợi cho DN. Đến nay, ngành thuế đã thực hiện khai thuế qua mạng đạt 99,96% số DN thuộc diện quản lý thuế, triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử trên cả nước. Kết quả xếp hạng Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính 2018 cho thấy chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế được đánh giá là thấp nhất trong 8 nhóm.
Doanh nghiệp thực hiện các thủ tục tại Cục Thuế TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh.
Bên cạnh đó, hệ thống hải quan điện tử đã được 100% đơn vị hải quan trên toàn quốc áp dụng, với 100% quy trình thủ tục được tự động hóa và hơn 99,65% DN tham gia. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết chỉ tính riêng DN xuất nhập khẩu, việc triển khai thông quan tự động cho phép DN không phải xuất trình chứng từ để hải quan kiểm tra, xác nhận chứng từ giấy như trước đây, do hệ thống trao đổi và xử lý dữ liệu 24/24 giờ. "Tại Cục Hải quan Hải Phòng, 1 ngày không phải in bình quân hơn 7.500 tờ khai hải quan đã giúp mỗi DN tiết kiệm được gần 800.000 đồng khi làm thủ tục thông quan qua cảng. Nhờ vậy, thời gian tác nghiệp của công chức cũng giảm được 253 giờ công để giải quyết số tờ khai trên" - ông Thành dẫn chứng.
Cộng đồng DN tại buổi đối thoại đánh giá Tổng cục Hải quan triển khai điện tử hóa nhiều khâu thủ tục, giúp giảm bớt thủ tục hành chính đã giúp DN rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, giao hàng kịp thời cho đối tác, giảm bớt sự tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ hải quan và DN, hạn chế tiêu cực có thể xảy ra.
Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến phản ánh các bất cập về chính sách thuế. DN cho rằng Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế với DN có giao dịch liên kết đang gây nhiều khó khăn, đặc biệt là quy định giới hạn chi phí lãi vay 20%, bởi nhiều chi phí lãi vay sẽ không được trừ cho mục đích thuế. Do đó, DN kiến nghị tạm thời chưa áp dụng Nghị định 20 để sửa đổi cho phù hợp.
Phản hồi về ý kiến trên của các DN, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, cho rằng tỉ lệ khống chế 20% lãi vay trên lợi nhuận thuần là hợp lý, phù hợp thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, bà Cúc cũng nhìn nhận quy định phù hợp với điều kiện quốc tế nhưng phải thích hợp với điều kiện Việt Nam. "Bộ Tài chính nên xem xét lại vấn đề này để làm sao chính sách theo thông lệ quốc tế nhưng phải phù hợp với Việt Nam, phải tạo điều kiện để DN sản xuất kinh doanh phát triển" - bà Cúc đề xuất.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết Nghị định 20 được thực hiện trên cơ sở khuyến nghị các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20). Theo đó, yêu cầu các nước phải tập trung chống chuyển giá xói mòn nguồn thu. Ông Tuấn cũng đặt vấn đề DN muốn làm ăn toàn cầu nhưng chính sách lại muốn riêng thì khó, không thể đứng ngoài cuộc chơi toàn cầu. Đại diện Bộ Tài chính, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng chỉ rõ việc khống chế lãi vay trên thế giới đã có quy định, ở Việt Nam cũng cần áp dụng nhưng phải phù hợp với điều kiện, do đó bộ tiếp thu để sửa đổi chính sách phù hợp hơn.