TP.HCM: Khan hiếm những căn hộ giá khoảng 1,5 tỷ đồng
- Huyệt vị
- 16:45 - 10/04/2020
Những lao động trẻ khó mua được nhà ở TP.HCM
Theo nhiều chuyên gia BĐS cho rằng, hiện nay giới trẻ Việt Nam rất khó mua được BĐS bằng tiền tích lũy vì giá nhà đất tăng quá nhanh. Trong 3 năm qua, giá đất tăng thấp nhất 1,5 - 2 lần và cao nhất 3 - 4 lần, nếu lấy trung bình là tăng gấp đôi. Do đó, người có thu nhập từ việc làm công ăn lương với tuổi đời còn trẻ càng không thể dễ dàng tiếp cận các căn hộ bình dân.
Báo cáo thị trường quý 4/2019 từ Công ty TNHH Jones Lang Lasalle (JLL Việt Nam) cho thấy, mức giá trung bình trên thị trường trong 3 tháng cuối năm đạt mức cao kỷ lục trong cả thập kỷ, khoảng 66 triệu/m2, tăng 78,2% theo năm và 39,8% theo quý. Mức tăng đột biến được ghi nhận chủ yếu do các dự án có giá phải chăng đã được bán hết, vì thế giỏ hàng sơ cấp chỉ còn lại những dự án có giá cao hơn mức trung bình.
JLL cũng nhận định, các dự án phân khúc trung cấp với giá giao dịch từ 28 - 39 triệu/m2 thu hút nhiều người mua nhất, chiếm hơn 70% số căn bán được trong năm 2019. Thực tế, mức giá này đã là mức thấp nhất trên thị trường căn hộ hiện nay ở TP.HCM. Do căn hộ hạng C với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 ngày càng khan hiếm, nên hiện nay giá thấp nhất trên thị trường rơi vào khoảng 27 - 28 triệu đồng/m2. Các dự án căn hộ hạng C tại TP.HCM được phân bổ ở các khu vực xa trung tâm như quận Bình Tân, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh… cũng có giá từ 30 - 35 triệu đồng/m2.
Doanh nghiệp không mặn mà với các dự án giá rẻ?
Thực tế thời gian qua, quỹ đất khan hiếm, giá đất liên tục tăng, thủ tục pháp lý kéo dài, nên chi phí đầu vào bị đội lên rất lớn, doanh nghiệp rất khó khăn mới đưa được dự án ra thị trường nên muốn kéo giá bán xuống cũng rất khó.
Trong bối cảnh dịch Covid - 19, thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn, mới đây Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) đã khuyên các doanh nghiệp BĐS tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người tiêu dùng.
"Nếu 3 - 4 năm trước gọi căn hộ có giá dưới 1 tỷ đồng là bình dân thì thời điểm khoảng 2 năm nay, những căn hộ có giá trên dưới 1,5 tỷ đồng/căn cũng vắng bóng hẳn tại thị trường BĐS TP.HCM. Nhà vừa túi tiền đáp ứng nhu cầu của số đông người tiêu dùng hiện nay có thể rơi vào ngưỡng giá trên dưới 2 tỷ đồng/căn", HoREA cho biết.
Thực tế, câu chuyện làm nhà giá vừa túi tiền thời gian qua đã được đem ra bàn rất nhiều lần, nhưng dường như các doanh nghiệp BĐS không mấy mặn mà. Tại TP.HCM đã có một số doanh nghiệp theo đuổi phân khúc này nhưng cũng chính họ nhiều lần than trời bởi thu tục nhiêu khê, qua nhiều cửa ải khiến dự án kéo dài, cơ hội kinh doanh mất đi. Trong đó, 2 khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp phải đối mặt đó là giải phóng mặt bằng và tiền sử dụng đất. Vì thế, theo các chuyên gia, để doanh nghiệp BĐS có thể mặn mà với nhà vừa túi tiền thì cần một cơ chế linh hoạt, khuyến khích cho doanh nghiệp.