CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:44

TP.HCM hành động quyết liệt trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em

Thông tin từ Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, toàn TP hiện có hơn 12.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong tổng số hơn 2 triệu trẻ em.

Trong đó, có hơn 2.300 trẻ em được chăm sóc thay thế tại các cơ sở bảo trợ xã hội, gần 9.600 trẻ em tại cộng đồng; khoảng 34.200 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Trong những năm qua, TP.HCM đã đầu tư nguồn ngân sách rất lớn để xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp, nhất là tập trung nguồn lực xây dựng trường mầm non đạt chuẩn ở địa bàn có các khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ người nhập cư.

Đồng thời, TP.HCM xây dựng bệnh viện, cơ sở vui chơi giải trí dành cho trẻ em (11 công trình cấp thành phố, 22 phòng chiếu phim 3D…). TP.HCM cũng thành lập và đưa vào hoạt động khoảng 50 cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

TP.HCM hành động quyết liệt trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em - Ảnh 1.

TP.HCM hành động quyết liệt hơn trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em, dứt khoát không để trẻ em mất đi thời thơ ấu.

Theo ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, mặc dù đã nỗ lực nhưng với áp lực gia tăng dân số cùng những tác động về mặt xã hội đang đặt TP đứng trước nhiều thách thức trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Một số vụ xâm hại tình dục trẻ em lại chính là người thân quen với gia đình, do đó không ai đứng ra tố giác.

Bên cạnh đó, hầu hết các vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em đều không phải tội phạm quả tang, không có người làm chứng, bị hại bị hạn chế về khả năng nhận thức, vụ việc xảy ra lâu… nên không thể thu thập được các chứng cứ vật chất.

Trước tình trạng này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao sớm trình UBND TP tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc. Tiêu chí này là định hướng để các gia đình điều chỉnh, phấn đấu tạo dựng hạnh phúc gia đình.

Để xử lý các hành vi xâm hại trẻ em, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan yêu cầu các sở, ngành phối hợp, lập quy trình xử lý cụ thể từng hành vi vi phạm. Yêu cầu đặt ra là phải phản ứng nhanh, vào cuộc nhanh, xử lý nhanh. Cùng với đó, TP.HCM cần thiết lập đường dây nóng tiếp nhận tất cả các phản ánh về hành vi xâm hại trẻ em và nhanh chóng kết nối, thông báo tới chính quyền địa phương để xử lý kịp thời.

UBND TP.HCM giao Sở LĐ-TB&XH cần nghiên cứu mô hình truyền thông nhằm huy động được nam giới và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn quan tâm tới công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

XT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh