TP.HCM: Dự kiến nguồn thu ngân sách khoảng 1.522 tỷ đồng/năm từ thu phí vỉa hè, lòng đường
- Huyệt vị
- 07:20 - 14/06/2023
- Thanh tra GTVT Hà Nội: Xử lý hơn 1.645 trường hợp, phạt tiền hơn 6 tỷ đồng trong “chiến dịch giành lại vỉa hè”
- TP.HCM tạm ngưng đào đường, vỉa hè trong dịp lễ 30/4, 1/5
- Hà Nội: Hàng loạt ô tô trên vỉa hè bị bức tường đổ đè bẹp
- Từ 0 giờ 22/5, quán ăn vỉa hè TP. HCM không được bán hàng tại chỗ, nhà hàng không phục vụ quá 20 người
Ngày 13/6, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.HCM.
Theo Dự thảo đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.HCM có 6 hoạt động được quy định phải nộp phí bao gồm: làm điểm trông giữ xe có thu phí, tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, làm điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng, điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường, tổ chức kinh doanh dịch vụ mua bán hàng hóa, lắp đặt tạm thời các công trình trong hành lang an toàn giao thông.
Trong đó, mức thu cho giữ xe được nhân thêm hệ số K so với các hoạt động còn lại, với mức thu từ 20.000 đến 350.000 đồng/m2/tháng tùy theo mục đích sử dụng và khu vực.
Cũng theo đề án, Sở Giao thông vận tải và UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức sẽ là đơn vị đứng ra thu loại phí này. Mức phí thu dựa vào bảng giá đất được chia theo 5 khu vực của TP.HCM, trong đó, mỗi khu vực cũng sẽ được phân chia thành 2 nhóm là các tuyến đường trung tâm và các tuyến đường còn lại.
Toàn bộ số thu phí phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP sẽ nộp vào ngân sách TP để duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố.
Cụ thể, TP.HCM có tổng cộng 4.869 tuyến đường có bề rộng từ 5 m trở lên, trong đó có 3.631 tuyến đường có bề rộng lòng đường nhỏ hơn 7,5 m và 1.238 tuyến đường có bề rộng lòng đường từ 7,5 m trở lên.
Việc thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường dự kiến đem lại nguồn thu ngân sách khoảng 1.522 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, số thu đối với lòng đường, với 550 tỷ đồng/năm, số thu đối với vỉa hè, với 972 tỷ đồng/năm.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, dự thảo này quy định mức thu phí tương đối hợp lý, bởi vì nó không cao lắm, người dân cũng có thể đóng được. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị việc sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố cần bảo đảm an toàn giao thông cho người đi bộ; đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan TP.
Cũng tại hội nghị, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu về trật tự giao thông đô thị trong khi bến bãi còn rất hạn chế.
Theo ông Trần Quang Lâm, khi xây dựng đề án, đơn vị đã tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia, các TP lớn trong và ngoài nước về quản lý vỉa hè, thông tin tài chính, văn hóa đô thị.
"Sau hội nghị này, ban soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, đại diện hộ gia đình, lực lượng công an về dự thảo đề án và các văn bản liên quan, trình HĐND TP xem xét thông qua trong năm 2023", ông Lâm nhấn mạnh.
Mức phí được chia theo 5 khu vực của TP.HCM:
Khu vực 1: (gồm các quận 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, khu A Khu đô thị mới Nam TP.HCM, Khu đô thị mới Thủ Thiêm) được đề xuất mức thu phí sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh là 50.000 - 100.000 đồng/m2/tháng; mức thu sử dụng lòng đường để trông giữ ô tô, xe máy và xe đạp là 180.000 - 350.000 đồng/m2/tháng.
Khu vực 2: (quận 2 cũ, quận 6, 7, 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân), mức thu sử dụng hè phố để kinh doanh là 20.000 - 30.000 đồng/m2/tháng; mức thu phí vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe là 70.000 - 100.000 đồng/m2/tháng.
Khu vực 3 (các quận 9, Thủ Đức cũ, quận 8, quận 12, Tân Phú, Gò Vấp) và Khu vực 4 (huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè) có mức thu sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố cho các hoạt động kinh doanh là 20.000đ/m2/tháng, mức thu phí để trông giữ xe là 60.000 đồng/m2/tháng.
Khu vực 5 (huyện Cần Giờ) mức thu sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố cho các hoạt động kinh doanh là 20.000đ/m2/tháng và mức thu phí trông giữ xe là 50.000 đồng/m2/tháng.