TP.HCM đề xuất mở rộng đối tượng cho vay để người lao động được tiếp cận nhà ở xã hội
- Huyệt vị
- 15:02 - 23/11/2023
“Giấc mơ” an cư, lạc nghiệp
Anh Nguyễn Trọng Nhân, làm việc tại Văn phòng Khu Công nghiệp Đông Nam (huyện Củ Chi) chia sẻ, anh sinh sống và làm việc tại thành phố đã 22 năm, thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Việc mua nhà ở xã hội ở đô thị lớn thật khó khăn. Tiền lương làm ra không theo kịp với mức sống hiện tại, đặc biệt gặp khó vì giá nhà ở cao hơn so với trước.
Thời gian qua, anh Nhân có tìm hiểu để mua nhà nhưng thấy ngày càng khó. Theo anh Nhân, nguồn cung của nhà ở xã hội rất ít so với nhà ở thương mại. Trong khi đó, thông tin tiếp cận đến nhà ở xã hội rất hạn chế.
"Tôi và nhiều người lao động mong muốn có một căn nhà ở xã hội để an cư, lạc nghiệp. Đây là nhu cầu cũng chính là giấc mơ cần hiện thực để tiếp tục lao động mưu sinh và đóng góp sức lao động cho TP.HCM", anh Nhân kỳ vọng.
Tương tự anh Nhân, hàng triệu công nhân, người lao động lựa chọn bám trụ tại TP.HCM, với mức thu nhập trung bình khá phải chấp nhận cuộc sống chông chênh, tạm bợ do giá nhà tại thành phố quá cao, vượt xa tầm với. Điều mà họ cần chỉ là sở hữu một căn nhà đầu đời, đầy đủ tiện nghi để trở về sau mỗi giờ làm căng thẳng nhưng ước mơ mãi vẫn không thành.
Có lẽ, “chờ đợi” là cụm từ thể hiện chính xác nhất về ước mơ mua nhà của người lao động tha phương. Họ đều chờ thu nhập tăng lên, chờ cơ hội tiếp cận được với các dự án nhà ở xã hội… để có một nơi an cư, lạc nghiệp.
Tại TP.HCM, chương trình phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội là việc lớn của thành phố. Đến năm 2030, TP.HCM dự kiến phát triển khoảng 6,58 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương ứng khoảng 93.000 căn nhà. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, thành phố sẽ phát triển 2,5 triệu m2 sàn (khoảng 35.000 căn nhà).
Trao đổi về việc tiếp cận nhà ở xã hội, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP vẫn giữ mục tiêu xây dựng 83.000 căn nhà ở xã hội cho người dân, cao hơn chỉ tiêu mà Chính phủ giao là 69.000 căn.
Cũng theo ông Mãi, TP.HCM sẽ có chính sách về đất đai, tín dụng để phát triển nhà lưu trú công nhân, giúp công nhân tiếp cận với nhà trọ ở mức giá phù hợp.
Mở rộng đối tượng cho vay để người lao động hiện thực hoá “giấc mơ”
Thấu hiểu vấn đề nhà ở là ước mong “an cư, lạc nghiệp” chính đáng của công nhân, thời gian qua, chính quyền các cấp TP.HCM đã có nhiều nỗ lực trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để từng bước hiện thực hoá giấc mơ an cư của người lao động.
Mới đây, HoREA tiếp tục đề xuất với Ngân hàng Nhà nước xem xét mở rộng một số đối tượng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Theo đó, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét mở rộng hơn một số đối tượng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng bao gồm chủ đầu tư và người mua nhà thuộc các dự án nhà ở thương mại có giá bán không vượt quá 3 tỷ đồng/căn và ưu tiên cho người mua căn nhà đầu tiên.
Tuy nhiên, hiện nay, gói vay tín dụng 120.000 tỷ đồng gặp khó khăn do một số điều kiện vay vốn và thiếu các dự án nhà ở xã hội để giải ngân. Bởi vậy, đề xuất mở rộng đối tượng sang cả nhà ở thương mại của HoREA nhằm mở rộng điều kiện vay, tạo điều kiện cho nhiều người có nhu cầu mua nhà ở được tiếp cận.
Theo HoREA, để thực hiện Công điện 993/CĐ-TTg ngày 24/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng rà soát kỹ các thủ tục điều kiện cho vay thuận lợi thông thoáng, kiểm soát được và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, Hiệp hội đề nghị giải pháp đầu tiên để các ngân hàng thương mại đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cũng là giải pháp “phi tín dụng” phụ thuộc vào việc các cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương khẩn trương tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ để triển khai thực hiện dự án, tạo ra sản phẩm nhà ở để có đủ điều kiện vay gói 120.000 tỷ đồng.
Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để xây dựng lại gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội 110.000 tỷ đồng để thực hiện Luật Nhà ở dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và để thực hiện Chương trình phát triển tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030.